Trong nước

Tài sản “khủng” của Thứ trưởng Kim Thoa: Kiểm tra sẽ ra sự thật

“Muốn biết sự thật thì phải kiểm tra. Để trả lời công luận, có mấy việc cả cơ quan chủ quản, và bản thân bà Thoa phải chứng minh, đó là nguồn gốc tài sản ấy ra sao? Nếu chứng minh được tài sản đó chính đáng, thì phải trả lời cho dư luận biết, và cũng là để thanh minh cho bà ấy. Còn nếu có những cái không rõ nguồn gốc thì xem xét, để các cơ quan khác vào cuộc”.

Đại biểu (ĐB) Quốc hội (QH) Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của QH trao đổi với PV Tiền Phong.

Dư luận đang quan tâm nhiều đến khối tài sản lớn của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa và các thành viên trong gia đình. Cho dù khối tài sản khổng lồ của bà Thoa cũng như nhiều quan chức khác được cho là chính đáng, hợp pháp nhưng dường như vẫn “gợn” một cái gì đó, thưa ông?

Về nguyên tắc, cán bộ đảng viên có quyền làm giàu chính đáng. Có người tuy là cán bộ công chức, nhưng vợ chồng, hoặc con cái họ kinh doanh ở những lĩnh vực họ không phụ trách trực tiếp, không có khả năng tạo ra sân sau, thì đó là nguồn tài sản chính đáng của họ. Rồi có thể họ kiếm tiền bằng nghề tay trái, ngoài lĩnh vực phụ trách… Nói tóm lại, cán bộ lãnh đạo có thể kiếm tiền một cách chính đáng thì nên khuyến khích. Vì cán bộ đảng viên mà không biết làm giàu cho mình thì cũng khó lãnh đạo được quần chúng cách làm giàu.

Thế nhưng vấn đề đặt ra mà xã hội nhức nhối đó là sự lạm quyền để tác động, ảnh hưởng dưới những cách thức tinh vi. Đôi khi chỉ bằng một cú điện thoại, một thông tin cung cấp, họ đã được “lại quả” chứ chưa nói đến sự liên kết chặt chẽ, mà người ta vẫn gọi là tư bản thân hữu, tức lợi ích nhóm, cấu kết với nhau. Từ đó dẫn đến tham nhũng từ chính sách cho đến tham nhũng tài sản trực tiếp quản lý.

Vậy trong trường hợp của bà Hồ Thị Kim Thoa, cá nhân ông nhìn nhận thế nào về việc hình thành khối tài sản đó?

Trước khi trở thành thứ trưởng, bà Thoa là lãnh đạo DNNN, nhưng bản chất cũng là cán bộ công chức được cử điều hành sản xuất kinh doanh vốn của nhà nước. Ở đây câu chuyện hình thành tài sản của bà Thoa có mấy vấn đề. Một là chế độ tiền lương, thưởng đổi với DNNN quy định khác với cán bộ công chức nằm trong bộ máy nhà nước. DN mà làm ăn hiệu quả, bảng lương, thưởng của họ cũng khác. Đó là nguồn tài sản hình thành chính đáng của cá nhân bà Thoa.

Thứ hai là con đường hình thành khác về tài sản của bà Thoa, là lĩnh vực hoạt động không liên quan đến DNNN mà bà Thoa điều hành. Vấn đề đặt ra là, bà Thoa có sân sau hay không? Nếu có thì rõ ràng vi phạm quy định, còn nếu không thì đó là thu nhập chính đáng của gia đình bà ấy.

Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa trong một lần trao quyết định bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh.
Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa trong một lần trao quyết định bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh.

Minh bạch, công khai tài sản lãnh đạo?

Tình trạng quan chức đương chức hay đã nghỉ hưu có khối tài sản khổng lồ không phải hiếm. Dư luận thường băn khoăn, nghi ngờ về khối tài sản đó. Phải chăng ở đây có chuyện kiểm soát tài sản của quan chức còn nhiều hạn chế?

Suy cho cùng thì vấn đề nằm ở việc kiểm soát chức trách của cán bộ công chức. Cơ chế kiểm soát đó phải được thực hiện bằng tập thể, bằng công luận và sự giám sát của nhân dân. Và điều quan trọng nhất là phải chế định bằng pháp luật. Muốn làm tốt điều này cần phải dùng quyền lực để chế ngự quyền lực; dùng công luận để kiểm soát quyền lực; và sự tham gia giám sát của cả hệ thống chính trị. Muốn vậy, hệ thống luật pháp phải sửa cho thích ứng mới kiểm soát được sự lạm quyền, mà gốc rễ của nó chính là bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ. Nếu sai sẽ dẫn đến nhiều hậu quả, bởi đưa vào một người không đủ phẩm hạnh, phẩm chất, năng lực, có thể dẫn đến bầy sâu mọt trong cơ thể Đảng, Nhà nước.

Thưa ông, hiện nay vấn đề kiểm soát quyền lực và minh bạch tài sản cá nhân được các nước thực hiện ra sao?

Luật pháp ở các nước minh bạch ngay từ đầu về cơ chế kiểm soát quyền lực. Chẳng hạn như Tổng thống Mỹ Donald Trump, xuất thân là một nhà kinh doanh bất động sản. Khi vận động tranh cử, thân thế của ông ấy đã được đăng tải công khai, minh bạch trên toàn nước Mỹ, thậm chí cả thế giới biết. Khối tài sản của ông ấy đã được minh bạch ngay từ khi tham gia chính trường.

Hệ thống giám sát của họ cũng vô cùng chặt chẽ, được chế ngự bởi các nhánh quyền lực. Chính vì thế, việc lựa chọn nhân vật chính trị ở Mỹ ít khi sai. Nói như vậy không phải quá ca ngợi nền chính trị Mỹ, nhưng rõ ràng họ có những bước tiến về mặt dân chủ và cơ chế sàng lọc của họ có hành lang pháp lý rất chặt chẽ. Còn ở ta là cả một quá trình và đang tiếp tục hoàn thiện mà quy định về kê khai tài sản chính là một bước đó.

ĐBQH Lê Thanh Vân.
ĐBQH Lê Thanh Vân.

Người thân cũng phải đặt trong “tầm ngắm”

Theo ông, chúng ta cần kê khai, giám sát tài sản của cán bộ công chức như thế nào cho đảm bảo thực chất?

Khi chúng ta làm quy trình bổ nhiệm, đề bạt cán bộ thì có bước kê khai tài sản, nhưng kê khai lại không công khai. Thậm chí ở QH, khi thông qua nhân sự, ĐBQH cũng chỉ tiếp cận ở một thời gian nhất định chứ không sâu. Đặc biệt, việc kê khai tài sản có phản ánh đúng thực tế hay không.

Do quy định của chúng ta hiện đang còn thiếu, cho nên bản kê khai chủ yếu dựa vào sự trung thực của cán bộ, khi có vấn đề mới đi xác minh. Rồi nguồn gốc hình thành nên tài sản ấy cũng chưa phản ánh hết khối tài sản thực tế của họ. Người kê khai thường kê những tài sản mà xã hội chấp nhận được. Còn những cái bất lợi thì họ thiếu gì cách phân tán, hợp thức hóa, như chuyển sang cho con cái, người thân.

Vậy cần phải làm gì để ngăn ngừa thực trạng này, thưa ông?

Hiện pháp luật chưa có quy định chi tiết để giám sát điều này. Ví dụ như trường hợp phong tỏa tài sản, chỉ khi khởi tố bị can, công an mới có quyền tiếp cận. Việc phong tỏa tài sản, thu hồi tài sản đối với người vi phạm pháp luật, có dấu hiệu tham nhũng rất khó là như vậy. Cho nên giám sát cán bộ công chức, ngoài việc thực thi công vụ, phải giám sát cả tài sản của họ ngay từ khi họ bước chân vào cơ quan nhà nước.

Đồng thời phải quy định làm sao để việc kê khai tài sản phản ánh đúng thực tế, thực chất. Rồi sự giám sát của cộng đồng nhân dân xung quanh, có cơ chế kiểm tra hàng năm hay định kỳ, có sự vào cuộc của các cơ quan thanh tra, kiểm tra. Có sự phân công quyền lực, xác định rõ chức trách, nhiệm vụ của từng vị trí một. Muốn như vậy cần tổng kết thực tiễn, những chức vụ ở cương vị nào, chức danh nào dễ nảy sinh tiêu cực, tham nhũng thì ở đó phải có rào chắn pháp lý thật chặt chẽ.

Cùng với đó là việc kiểm soát có tính nội bộ. Cơ quan thanh tra ngành, thanh tra nội bộ phải vận hành khác. Từ khi vào “tầm ngắm” của pháp luật, từ khi bước vào cơ quan nhà nước, thực thi công vụ, thanh tra phải là vị quan giám sát toàn bộ quá trình vận hành của họ ngay từ đầu…

Tuy nhiên, đó cũng chỉ là hàng rào pháp lý, còn quan trọng nhất vẫn là sự trung thực của cán bộ. Cán bộ đảng viên không trung thực thì họ có trăm phương nghìn kế để biến tài sản bất minh thành tài sản hợp pháp. Hoặc thu nhập vượt quá mức kê khai, họ có thể tẩu tán cho người thân trong gia đình.

Ông có thể nêu ví dụ một số trường hợp biến tài sản bất minh thành hợp pháp?

Chẳng hạn như câu chuyện một bí thư tỉnh ủy xây biệt phủ triệu đô, nhưng khi kiểm tra lại bảo đó là tài sản của con cái. Lẽ ra phải điều tra tiếp, xem tài sản của người con đó hình thành như thế nào thì lại dừng lại ở đó. Rõ ràng chúng ta chưa có sự quyết liệt. Hay dư luận nghi ngờ khối tài sản trên Tam Đảo, nguồn gốc là của bố Trịnh Xuân Thanh, nhưng khi vào cuộc lại không phải như thế. Và bố của Trịnh Xuân Thanh lại không phải đối tượng pháp luật thanh, kiểm tra liên quan đến tài sản của Trịnh Xuân Thanh…

Muốn rõ vấn đề, chúng ta cần đi đến tận cùng của vấn đề. Nếu chỉ kiểm tra, thanh tra nhân vật quản lý mà không biết được người thân thích của họ chính là kênh tẩu tán tài sản sẽ không đi tới cùng được vấn đề. Pháp luật về kê khai tài sản phải hoàn thiện theo hướng những người thân trong gia đình cũng phải nằm trong “tầm ngắm” của pháp luật. Có như vậy, một mặt mới cảnh báo răn đe, mặt khác có cơ sở pháp lý để khi cần thiết sẽ vào cuộc điều tra, làm rõ.

Cảm ơn ông!

Theo Luân Dũng
Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP