Phóng sự - Ký sự

Sự thật về tướng cướp “không mang họ”

Buổi tối trở về nhà cùng với nắm giấy bạc đã nhàu nát, chính là chương đầu tiên cho cuộc đời đầy tội lỗi của tướng cướp tương lai Trương Hiền. Để rồi, những năm sau đó, từ một tên chân ướt chân ráo du nhập ra Vinh, Trương Hiền nhanh chóng trở thành  tướng cướp; cùng với Sơn Hảo, Lợi râu, cu Thanh tạo nên một băng đảng liều lĩnh.

  >> Người không mang họ: Nước mắt mẹ tướng cướp

LTS:Giữa năm 1982, dưới chân núi Quyết (thành phố Vinh, Nghệ An), Công an tỉnh Nghệ Tĩnh đã thi hành bản án tử hình đối với băng cướp do Truơng Hiền cầm đầu. Trong 30 đệ tử của tướng cướp sừng sỏ này, ngoài Trương Hiền lĩnh án tử hình còn có thêm: Đoàn Thanh (cu Thanh), Trần Đức Lợi (Lợi râu), Đậu Kim Sơn (Sơn hảo). Số phận 4 tướng cướp từng là “tứ trụ triều đình”, từng làm mưa làm gió dọc dải đất miền Trung một thời cuối cùng đã kết thúc.Năm 1983, tiểu thuyết “Người không mang họ” của nhà văn Xuân Đức ra đời. Ngay lập tức, tác phẩm này đã tạo ra một tiếng vang lớn trong văn đàn. Nhân vật chính trong tác phẩm: Nguyễn Viết Lãm được Xuân Đức hư cấu chính từ hồ sơ vụ án về tên tuớng cướp khét tiếng một thời mang tên Trương Hiền (thường được gọi là Toọng).

Cho đến nay, nhiều người vẫn nhầm lẫn, rằng tướng cướp sừng sỏ một thời Trương Hiền, từng làm náo động cả thành phố Vinh, từng dùng súng nhả đạn vào công an để tẩu thoát, từng vượt ngục thành công… chính là Trương Sỏi, là Nguyễn Viết Lãm, là Lạng trong “Người không mang họ” của nhà văn Xuân Đức.

Sự thật về băng nhóm khét tiếng do Trương Hiền cầm đầu này như thế nào? Vì sao Trương Hiền lại trở thành Đại ca, trở thành thủ lĩnh của một nhóm du thủ, du thực và thâu tóm quyền lực giang hồ vào tay mình? Vì sao nhiều lần bị bắt, Trương Hiền vẫn vượt ngục trốn thoát…đang là một bí ẩn được chôn vùi.

Sau rất nhiều thời gian cố gắng để giải mã bí ẩn về cuộc đời tướng cướp với biệt danh cu Toọng, cuối cùng, PV VietNamNet cũng đã tiếp cận được bộ hồ sơ vụ án về băng cướp từng làm náo loạn một thời. Tập hồ sơ dài hơn 500 trang, ghi rõ lời khai của Trương Hiền đã hé lộ phần nào cuộc đời và hành trình tội ác của tướng cướp. Bí mật về tướng cướp Trương Hiền cùng những lần hắn vượt ngục thành công dần dần được hé lộ.

Bí mật tưởng chừng như bị chôn vùi và toàn bộ hồ sơ về tướng cướp Trương Hiền sẽ được VietNamNet đăng tải trong loạt bài: “Tướng cướp trong Người không mang họ – hồ sơ vụ án”.

u thơ của tướng cướp

Ấu thơ cơ hàn nơi ngã ba thị xã Đông Hà (Quảng Trị) cùng với gánh hàng rong trĩu nặng của người mẹ, có lẽ là “sợi chỉ đỏ” để níu giữ tên tướng cuớp khét tiếng Trương Hiền quay trở lại với những giá trị đạo đức con người.

Đọc toàn bộ hồ sơ vụ án về Trương Hiền, đôi lúc chúng tôi thấy ẩn sâu trong tiềm thức của tên tướng cuớp này còn le lói 1 chút ánh sáng làm Người. Dù rằng, chút ánh sáng đó chỉ le lói rồi vụt tắt như ngọn đèn dầu leo lắt trước cơn bão tố. Những giây phút hiếm hoi đó, những giây phút mà Trương Hiền trút bỏ cái mác đại ca để trở về thành con người chính là giây phút hắn nghĩ về người mẹ. Chính điều đó đã thúc giục chúng tôi tìm về ngã ba thị xã Đông Hà…

Bí mật tưởng chừng như bị chôn vùi và toàn bộ hồ sơ về tướng cuớp Trương Hiền sẽ được VietNamNet đăng tải trong loạt bài: “Tướng cuớp trong Người không mang họ – hồ sơ vụ án”.

Hồ sơ vụ án về tướng cướp Trương Hiền được lập năm 1980 còn ghi rất rõ: Tên thật là Truơng Hiền, sinh năm 1957, còn có tên khác là Toọng, Vui, Đức; quê quán: xã Vĩnh Hoà, huyện Vĩnh Linh, trú quán: xóm Choi, thôn Tây Trì, thị trấn Đông Hà; bố là Trương Hé, mất năm 1978; mẹ là Hoàng Thị Nuôi, làm nghề bán nước chè.Loay hoay mất mấy ngày ở thị xã Đông Hà với hy vọng sẽ tìm được người thân của Trương Hiền còn sống sót, nhưng đi đến đâu, chúng tôi cũng nhận được cái lắc đầu: “Thằng Toọng ấy à, cả nhà nó chết hết rồi. Trước, gia đình nó ở Vĩnh Linh, sau đó vượt tuyến ra sinh sống tại cái thị xã bé tin hin này. Bố nó chết từ cái thủa tám hoánh, khi đó, hắn đang là đại ca, đang tung hoành ở đất Vinh, hình như là năm 78 thì phải. Mẹ nó chết năm chín mấy gì đó, sau khi đưa mộ hắn từ núi Quyết (TP Vinh) về cải táng tại đồi thông thị xã Đông Hà. Nhà chẳng còn ai thân thích nữa đâu”.

Trước đó, khi quyết định vào Đông Hà, chúng tôi đã nhận được một số thông tin: hiện đang còn một người đàn ông sống ở thị xã này, là bạn thân của Trương Hiền từ thời tóc còn để chỏm. Những ngày Trương Hiền ngập say trong hơi khói thuốc phiện, trong men tình của gái làng chơi, trong nỗi khiếp sợ của người dân thành Vinh thì người đàn ông này vẫn một mình ở nhà chăm sóc mẹ của tướng cuớp – bà Hoàng Thị Nuôi.

Nhưng, làm sao có thể để tìm đuợc người đàn ông này giữa thị xã đông đúc, để có thể hiểu thêm về tuổi thơ của tướng cuớp, để tự tìm một câu trả lời: Vì sao Trương Hiền lại trở thành đại ca, trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng của ngưòi dân những năm sau giải phòng, thì không phải là điều dễ dàng.

Trương Hiền (Ảnh tư liệu)

Lân la mãi hết gần 3 ngày ở thị xã Đông Hà, cuối cùng, chúng tôi nhận được một thông tin khá quan trọng từ một ông lão bán nước chè ở chợ: “Tôi chỉ biết về thằng Toọng thôi, chứ không biết Hiền hiếc gì cả. Cả xóm chợ ngày xưa vẫn gọi nó là Toọng chứ có biết tên thật của nó là chi mô. Muốn biết về hắn, chừ các chú đi tìm đến nhà ông Đông. Từ chỗ ni đến đó khoảng gần 10 cây số. Cứ đi hết đường lớn, rẽ theo đường Nguyễn Thái Học, đi qua đường tàu, nhìn về bên trái, số nhà 63”.Võ Văn Đông người nhỏ thó, nước da ngăm ngăm đen như là đặc sản của miền quê bỏng rát gió Lào này. Hỏi về Toọng, anh Đông húng hắng ho rồi kể. Ký ức mấy chục năm trước tưởng chừng như bị chôn vùi giờ lại hiện về.

Ngày đó, cách đây cũng đã hơn 40 chục năm có lẻ, anh Đông với Trương Hiền nhà ngay sát vách nhau. Mái nhà được lợp bằng tranh, vách nhà được trét bằng bùn non với rơm rạ phơi khô.

Mẹ Trương Hiền tên thật là Hoàng Thị Nuôi, quê xã Vĩnh Hoà, huyện Vĩnh Linh. Nghe đâu, thủa nhỏ, cụ lỡ có con với một ông địa chủ nên phải bỏ quê mà ra đi. Mỏi gối, chồn chân, chẳng tìm được bước dừng chân, cụ đành vượt tuyến sang bờ Nam, chọn cái ngã 3 thị xã Đông Hà làm nơi dừng chân.

Vĩnh Linh lúc đó là “đất của cộng sản”, còn thị xã Đông Hà này là thuộc quyền quản lý của chế độ ngụy. Đông Hà ngày đó chỉ là một cái ngã ba với dăm bảy quán nhà lợp tranh, nằm khép nép bên mép sông Cửa Việt. Người Mỹ tới, Đông Hà trở thành điểm đầu của cung đường chiến lược, là động mạch chủ nuôi sống toàn bộ phòng tuyến Macnamara.

Một mình một thân nơi đất khách quê người, cụ Nuôi tìm mọi cách để kiếm kế sinh nhai. Quán nước chè xanh cùng với gánh hàng rong lỉnh kỉnh đã cùng cụ quăng quật nơi ngã ba này.

Một ngày, cụ Nuôi gặp người đàn ông tên Trương Hé (quê ở làng Tráng Lực, huyện Phong Điền, Thừa Thiên – Huế), cũng là một người chuyên bán hàng rong. “Môn đăng hộ đối”, toàn là những người bỏ xứ, bỏ quê đi tha phương cầu thực nên sau một thời gian, họ thành vợ chồng, sinh ra Trương Thị Nhàn, Trương Hiền. Cái tên Trương Hiền xuất hiện từ đó, năm 1957.

“Nhúng chân” vào giang hồ

Tuổi thơ của Trương Hiền bầm dập, nghèo đói và cơ hàn như chính gánh hàng rong trên vai của cụ Nuôi và cụ Hé.

“Thủa còn nhỏ, ngày đi học, tối về, tui với hắn đi bán bánh mì dạo. Bà Nuôi lúc này vừa bán nước chè dạo, kiêm thêm một ít khoai, sắn luộc. Trầy trật cả ngày nhưng cũng không đủ nuôi 4 miệng ăn. Thế là học hết lớp 2, Truơng Hiền bỏ học. Mà hắn bỏ học thật, sáng tui qua gọi hắn đến trường, hắn giẫy đành đạch, bảo: Học thế thôi, biết đọc, biết viết là được rồi. Học có kiếm ra tiền đâu?

Năm 1983, tiểu thuyết “Người không mang họ” của nhà văn Xuân Đức ra đời. Ngay lập tức, tác phẩm này đã tạo ra một tiếng vang lớn trong văn đàn. Nhân vật chính trong tác phẩm: Nguyễn Viết Lãm được Xuân Đức hư cấu chính từ hồ sơ vụ án về tên tuớng cướp khét tiếng một thời mang tên Trương Hiền (thường được gọi là Toọng).

Những ngày sau đó, khi tui dậy chuẩn bị lục tục đi học thì hắn vẫn còn ngủ, khi tui về thì hấn lủi mất tăm đâu rồi. Đến khuya lắc, khuya lơ mới thấy nó trở về dúi cho tui mấy đồng bạc. Tui tròn mắt, vì thời đó, mấy đồng bạc đối với lũ trẻ như bầy tui là một số tiền quá lớn. Hỏi thì hắn nhe răng: “Thấy không, học có kiếm ra tiền đâu”. Mãi sau ni, tui mới biết, rằng hắn cùng lũ trẻ con ăn cắp được 1 cái máy ảnh của một tên Trung uý ngụy đem bán” – anh Đông nhớ lại.Chiến lợi phẩm đầu tiên cho những ngày lang bạt giang hồ, cho những đêm tụ tập cùng lũ trẻ bỏ nhà đi lang thang của Toọng là mấy đồng bạc. Số tiền đó, mẹ của Toọng phải còng lưng cả tháng trời may ra mới kiếm được. Kiếm tiền dễ, Trương Hiền lại tự khẳng định rằng “con đuờng đi của mình là hoàn toàn đúng đắn”. Con đường sa ngã để sau này trở thành tên tướng cướp, làm náo loạn cả dải đất miền Trung được thai nghén chính từ cái hôm Hiền cùng lũ trẻ đi ăn cắp được cái máy ảnh đó.

Cái buổi tối trở về nhà cùng với nắm giấy bạc đã nhàu nát, chính là chương đầu tiên cho cuộc đời đầy tội lỗi của tướng cướp tương lai Trương Hiền. Để rồi, những năm sau đó, từ một tên chân ướt chân ráo du nhập ra Vinh, Trương Hiền nhanh chóng trở thành  tướng cướp; cùng với Sơn Hảo, Lợi râu, cu Thanh tạo nên một băng đảng liều lĩnh.

Cũng chính cái đêm đó đã đưa Trương Hiền từ một cậu bé bán bánh mì dạo để kiếm tiền phụ giúp gia đình thành thủ lĩnh đại ca của “hội Miền đù”, ngập ngụa trong khói thuốc phiện và đĩ điếm.

Và, cũng chính cái đêm hôm đó đã mở đầu cho những đêm sau này, khi mẹ Hiền – cụ Hoàng Thị Nuôi ngồi vò võ một mình với nỗi đớn đau, khi con mình trở thành tướng cướp, mà người đời vẫn gọi là Toọng.

  • Hoàng Sang – Duy Tuấn

Kỳ tới: Những ngày trở thành đại ca, sống trong tiền –tình-tù- tội, ngập sâu trong khói thuốc phiện và những cuộc tình với gái giang hồ, Truơng Hiền không thể hình dung ra biết bao nhiêu đêm, mẹ hắn đã từng khóc cạn nước mắt. Và, vĩnh viễn Trương Hiền không thể biết đuợc cái ngày cụ Hoàng Thị Nuôi nhận được tin hắn bị xử tử hình.

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP