Nơi khác thì tôi không biết tục lệ gọi tên con dâu như thế nào còn ở chỗ tôi, phụ nữ cứ cưới chồng rồi chỉ được gọi bằng tên chồng. Nhiều người sống ngay cạnh nhà mà tôi chẳng biết tên bà hay cô ấy mà chỉ gọi thân mật bằng cái tên của chồng họ.
Nhà bà Chung, ở gần nhà tôi, năm trước cưới được cô con dâu xinh xắn lắm. Cô còn trẻ măng, chắc cũng vừa mới qua tuổi học sinh. Cũng như lệ, tôi chẳng biết tên cô ấy là gì, chỉ thấy mẹ chồng cô ấy gọi “vợ Thành” thì cũng gọi theo như vậy.
Chồng bà Chung mất lâu rồi. Nhà bà còn hai con gái, là chị của chú Thành. Nhưng hai cô đã đi lấy chồng ở xa và có con nên thi thoảng mới ghé thăm, chỉ có chú Thành ở với bà. Từ ngày có con dâu, cứ tưởng bà Chung đỡ quạnh quẽ hơn, không ngờ có cô Thành mà hộ nhà bà Chung đâm ra lại trở thành hộ “tiêu biểu” của khu bởi vì quá ầm ĩ.
Có cháu, bà Chung càng vui mừng, xoắn xuýt con dâu. Ảnh minh họa |
Chẳng mấy ngày là hàng xóm không thấy bà Chung kể tội con dâu. Nhiều chuyện chẳng đáng gì thế mà với bà Chung, cô con dâu như mang tội lớn lắm. Một lần, cô Thành ngồi giặt quần áo còn bà Chung đứng rửa mặt ở sân giếng.
Cô đổ nước đã giặt xong ra khỏi chậu, nước ào ra hơi mạnh một chút, thế mà bà mắng chửi. Ai nghe thấy cũng buồn cười. Bà chửi thế thôi chứ bà đứng cao như thế, còn cô Thành ngồi dưới đất cơ mà.
Có hôm cô Thành quét nhà, ấy thế mà bà Chung cũng kiếm được cái cớ để mắng. Khổ, có gì đâu. Hôm trước bà Chung khuân đủ thứ hoa quả, rồi thùng mì ăn sáng của bà xếp dưới chân giường. Biết tính mẹ chồng, đụng vào nhỡ sai đi bà nghi cho cô lục đồ của bà thì lại càng to chuyện, nên cô mới tránh góc ấy ra.
Ai dè bà lại bẻ ngoe, cho rằng cô không quét chỗ bà ngủ. Chuyện độc có mỗi vậy mà bà Chung chửi con dâu sa sả, cô Thành vẫn một lặng hai nín như mọi lần.
Hàng xóm nghe cũng thấy thương cô Thành. Lần nào to tiếng cũng chỉ nghe tiếng lấn át của bà Chung, chẳng thấy cô Thành ho he dám cãi. Có bận vừa nghe tiếng cô Thành lí nhí: “Con xin lỗi mẹ, mẹ bỏ quá cho con”, đã thấy bà Chung gào lên: “Tao không tin cái mặt mày, thơn thớt thơn thớt xong đâu lại vào đấy”. Ai cũng thở dài ngao ngán. Có người còn bảo khẽ: “Đấy, mình có con gái sau này đừng gả cho người như bà Chung, khó tính, hay bắt bẻ con dâu”.
Một hôm cô Thành đi làm về, thấy bà Chung đang quét sân, cô vội nói: “Con chào mẹ, con đã về”. Chẳng biết bà Chung không nghe thấy thật hay là bà kiếm cớ mà cũng làm toáng lên: “A, đi về mẹ chồng còn sờ sờ ra đây mà mày không thèm hỏi lấy một câu. Mày giỏi quá rồi”.
Chú Thành chẳng biết đầu đuôi, bênh mẹ xen vào: “Cô chào mẹ lấy một câu thì nặng nhọc lắm hay sao?”. Bấy giờ, cô Thành nói rất nhỏ: “Tôi chào mẹ rồi. Mẹ cứ bảo là tôi không chào thì tôi biết làm sao? Lần sau đi đâu về tôi đứng ngoài đầu ngõ chào thật to cho hàng xóm chứng kiến hộ tôi nhé. Thật cũng chẳng ở đâu như cái nhà này. Tôi thấy không phải tôi làm sai mà là tôi có làm bất cứ việc gì, mẹ con anh cũng không vừa mắt. Không vì đứa con trong bụng, tôi cũng chẳng một lặng hai nín cho mẹ con anh bẻ ngoe bẻ ngoắt”.
Mẹ chồng và chồng cô đều nín lặng. Cô Thành không cãi to, không lu loa nhưng từng lời của cô thay đổi cả suy nghĩ, cách hành xử của mẹ chồng và chồng.
Một thời gian sau, cô Thành sinh con. Có cháu, bà Chung càng vui mừng, xoắn xuýt con dâu. Nhưng hàng xóm vẫn đồn thổi, không hiểu bà thay đổi vì cháu hay là vì sự phản kháng của cô Thành.
Tác giả: Xuân Hương
Nguồn tin: Báo Phụ nữ Việt Nam