Máy bay Su-34 (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga) |
Ngày 30/1, mạng xã hội Nga lan truyền một đoạn video được cho là ghi lại cảnh máy bay chiến đấu ném bom siêu âm Su-34 của Nga phóng ra tên lửa Kh-35U nhằm vào mục tiêu mặt đất ở Syria.
Kh-35U vốn là một tên lửa chống hạm có tầm bắn 300km và mang đầu đạn nổ nặng 145kg. Đây là loại đầu nổ mạnh, có khả năng tiêu diệt tốt các loại mục tiêu cỡ trung trên biển như tàu chiến cỡ nhỏ, tàu khu trục. Ngoài ra, đầu đạn của tên lửa thuộc loại bán xuyên giáp, thường phát nổ khi xuyên sâu vào bên trong mục tiêu, làm gia tăng thiệt hại cho khí tài đối thủ.
Kh-35U là bản nâng cấp từ tên lửa Kh-35 đã phục vụ trong không quân và hải quân Nga trong nhiều năm. Kh-35U được trang bị thiết bị dò tìm radar chủ động X-band và một hệ thống định vị nội bộ hiện đại (INS).
Việc một tên lửa chống hạm được khai hỏa để diệt mục tiêu mặt đất có thể là thông tin bất ngờ, nhưng giới quan sát từ lâu đã biết rõ về năng lực của Kh-35U. Đạn video cho thấy tên lửa Nga đã nhắm trúng hoàn toàn mục tiêu một cách ấn tượng.
Kh-35U thuộc loại tên lửa đa nhiệm của Nga, không chỉ hoạt động hiệu quả trên máy bay quân sự, mà còn đầy uy lực và mạnh mẽ khi triển khai trên tàu chiến để đánh vào các mục tiêu mặt đất như kho vũ khí, cơ sở radar, trung tâm điều khiển và chỉ huy với độ chính xác rất cao.
Su-34, với biệt danh "xe tăng bay", là một trong những máy bay ném bom chiến đấu hàng đầu trong kho vũ khí của Nga. Tính linh hoạt là một trong những ưu điểm nổi trội của Su-34. Máy bay ném bom chiến đấu này có thể mang được hầu hết các vũ khí hiện đại của Nga từ bom không dẫn đường tới tên lửa dẫn đường vệ tinh. “Xe tăng bay” có thể nhằm tới nhiều mục tiêu đang di chuyển cùng lúc, phá hủy các xe bọc thép và các xe chở dầu tiếp tế của khủng bố.
Khả năng tàng hình ấn tượng của Su-34 cũng là một điểm khiến máy bay này trở thành một thế lực trên bầu trời. Su-34 được trang bị hệ thống tác chiến điện tử Hibin - sản phẩm của Tập đoàn Công nghệ Vô tuyến - Điện tử (KRET). Hệ thống này được triển khai trên đầu cánh máy bay, có nhiệm vụ tiến hành hoạt động đối kháng điện tử nhằm vào các radar, các hệ thống tên lửa phòng không hay máy bay cảnh báo sớm, mang lại khả năng “tàng hình” cho Su-34.
Tác giả: Đức Hoàng
Nguồn tin: Báo Dân trí