Kinh tế

Sông Đà thu hàng trăm tỷ từ thoái vốn Thủy điện Hương Sơn

Có 3 nhà đầu tư tham gia đấu giá công khai hơn 15,38 triệu cổ phần của Tổng công ty Sông Đà tại Thủy điện Hương Sơn, mức giá chào mua dao động 13.500-15.300 đồng/cổ phần.

Tổng công ty Sông Đà vừa thông báo đấu giá thành công toàn bộ cổ phần sở hữu tại Công ty Cổ phần Thủy điện Hương Sơn (GSM).

Có 3 nhà đầu tư tham gia chào mua toàn bộ cổ phần, bao gồm nhóm nhà đầu tư đại diện là ông Lê Thái Hưng; nhóm đầu tư Công ty Cổ phần Dịch vụ - Khách sạn Kim Thành do ông Trương Hữu Phúc đại diện, và nhóm đầu tư Công ty Cổ phần Sông đà 11, đại diện là ông Trần Văn Ngư.

Mức giá chào mua mà 3 nhà đầu tư này đưa ra lần lượt là 13.500 đồng; 15.300 đồng và 13.819 đồng/cổ phần.

Cụ thể, nhóm ông Lê Thái Hưng chào mua 15,38 triệu cổ phần Thủy điện Hương Sơn, với mức giá 13.500 đồng/đơn vị, tổng giá trị chào mua đạt gần 208 tỷ đồng. Trong khi đó, nhóm Công ty Cổ phần Sông Đà 11 chào mua với mức giá 13.819 đồng/cổ phần, tổng giá trị đặt mua là 213 tỷ đồng.

Nhóm đầu tư Công ty Cổ phần Dịch vụ - Khách sạn Kim Thành đưa ra mức giá cao nhất 15.300 đồng/cổ phần cho hơn 15,38 triệu cổ phần Thủy điện Hương Sơn, tổng giá trị lên tới 235 tỷ đồng.

Như vậy, số tiền mà Tổng công ty Sông Đà thu về từ việc thoái toàn bộ vốn tại Thủy điện Hương Sơn không dưới 200 tỷ đồng.

Thủy điện Hương Sơn có vốn cổ phần là 285,6 tỷ đồng, tiền thân là dự án xây dựng nhà máy thủy điện Hương Sơn I, đi vào vận hành phát điện thương mại từ tháng 1/2011. Hoạt động kinh doanh chính của doanh nghiệp là sản xuất truyền tải và phân phối điện, xây dựng nhà các loại và tư vấn thiết kế dự án...


Tính đến hết quý II/2017, tổng tài sản của Thủy điện Hương Sơn đạt gần 649 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là tài sản cố định chiếm 93% tổng tài sản.

Nửa đầu năm nay, kết quả kinh doanh của Thủy điện Hương Sơn không mấy thuận lợi, khi doanh thu thuần chỉ đạt gần 50 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ.

Doanh thu thuần giảm 24% là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến kết quả lợi nhuận trước thuế của Thủy điện Hương Sơn giảm tới 10 lần, từ gần 17 tỷ cùng kỳ xuống chỉ còn vỏn vẹn 1,7 tỷ đồng kỳ này.

Trước khi quyết định thoái toàn bộ vốn tại đây, Tổng công ty Sông Đà là cổ đông lớn nhất tại Thủy điện Hương Sơn, khi nắm tới gần 57% cổ phần. Ngoài ra, Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh cũng đang sở hữu 19.75% vốn tại Hương Sơn.

Từ tháng 5/2017, Tổng công ty Sông Đà đã nhiều lần đăng ký bán đi toàn bộ số cổ phần Thủy điện Hương Sơn, nhưng công tác thoái vốn vẫn chưa hoàn tất.

Ngoài Thủy điện Hương Sơn, Tổng công ty Sông Đà cũng đã có thông báo về việc đưa cổ phần hàng loạt công ty thủy điện ra bán đấu giá, như Thủy điện Hồ Bốn, Thủy điện Nậm Mức. Đầu năm 2017, tổng công ty đã thoái hết vốn tại Thủy điện Sử Pán 2.

Tác giả: Quang Thắng

Nguồn tin: Báo Zing

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP