Tính đến tháng 9/2014, trên địa bàn tỉnh có 90 đơn vị đang khai thác và chế biến khoáng sản tại 108 mỏ (giấy phép khai thác còn hiệu lực). Hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản phần nào đáp ứng nhu cầu về VLXD trên địa bàn Hà Tĩnh, góp phần giải quyết việc làm cho 1.400 lao động và tăng nguồn thu NSNN.
Sau khi được cấp phép khai thác, nhiều đơn vị đã tiến hành đầu tư xây dựng mỏ và đi vào khai thác; quá trình hoạt động đã chấp hành đầy đủ các quy định của Luật Khoáng sản và các luật pháp khác có liên quan. Tuy nhiên, vẫn có một số đơn vị không chấp hành nghiêm túc các quy định của luật hiện hành, về thủ tục hồ sơ sau cấp phép chưa đầy đủ, chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế nhà nước. Qua kết quả kiểm tra và hậu kiểm của Đoàn kiểm tra liên ngành, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu đề xuất UBND tỉnh thu hồi 13 giấy phép khai thác, tạm đình chỉ hoạt động 22 giấy phép khai thác và cho thời hạn 45 ngày để hoàn thiện các thủ tục hồ sơ còn thiếu theo quy định.
Quá trình triển khai thực hiện hoạt động quản lý khai thác khoáng sản đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Đến nay, vẫn chưa có cơ chế bố trí ngân sách cho hoạt động bảo vệ khoáng sản chưa khai thác nên việc quản lý gặp khó khăn, nhất là tình trạng khai thác trái phép ngày càng diễn ra trên diện rộng, cách thức ngày càng phức tạp, khai thác chủ yếu vào ban đêm, ngày nghỉ. Đặc biệt, nhiều địa phương quản lý chưa tốt để các tổ chức, cá nhân vào khai thác, làm thất thu khoáng sản, ảnh hưởng môi trường và gây bất ổn chính trị trên địa bàn; việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp trong việc giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp thời gian qua cũng chưa tốt.
Tại buổi làm việc, Sở Xây dựng đề xuất điều chỉnh bổ sung quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh đến năm 2020 và xây dựng lộ trình cấp, thu hồi các điểm mỏ trên địa bàn tỉnh; đề nghị bổ sung một số tiêu chí vào quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh đến năm 2020, trong đó bổ sung công suất khai thác sản xuất gạch xây không nung trên địa bàn tỉnh phù hợp với yêu cầu thực tiễn và đề xuất của các ngành. Điều chỉnh giảm khối lượng sản xuất đá xây dựng, cát, đất san lấp, đất sét gạch xây, ngói phù hợp với Quy hoạch điều chỉnh bổ sung thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh đến năm 2020.
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn cho rằng, công tác quản lý hoạt động khai thác khoảng sản chưa được xử lý đầy đủ, kịp thời, chặt chẽ dẫn đến những vướng mắc. Các cơ quan quản lý chưa kiểm soát kỹ năng lực của nhà đầu tư, công tác kiểm tra, giám sát còn nhiều tồn tại.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Xây dựng phối hợp các sở, ngành sớm hoàn chỉnh thành văn bản quy định rõ việc tổ chức thực hiện quy hoạch, quản lý khai khác khoảng sản. Quy định phải phù hợp với thực tiễn của địa phương và không trái với quy định của pháp luật; đáp ứng được yêu cầu hiện đại hóa, công nghệ cao, quy mô lớn; phải cân đối giữa cung và cầu, xem xét tính khả thi khi mở rộng quy mô khai thác.
Dương Chiến