Sau vụ xả thải gây ô nhiễm môi trường biển và chôn chất thải của Công ty TNHH gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh, hiện đã và đang đặt ra nhiều yêu cầu cấp thiếp trong quá trình quản lý, giám sát về lĩnh vực môi trường từ các cơ quan quản lý nhà nước.
Đặc biệt, đối với Sở TN&MT Hà Tĩnh, đơn vị được giao nhiệm vụ trực tiếp giám sát, quản lý Formosa về vấn đề này càng phải là đơn vị có chuyên môn, năng lực cao để có thể “đối phó” trước người “khổng lồ” Formosa –vốn là công ty có nhiều tai tiếng về ô nhiễm môi trường trên khắp thế giới.
Tuy nhiên, chưa đề cập đến vụ xả thải ô nhiễm biển của Formosa gây rúng động dư luận đợt tháng 4, mà từ vụ việc gần đây nhất là Công ty CPTVXD và quản lý môi trường đô thị Kỳ Anh (Công ty môi trường đô thị Kỳ Anh) chôn chất thải của Formosa cho thấy nhiều bất cập, yếu kém về chuyên môn của một đơn vị thuộc Sở này.
Ong Võ Tá Đinh cho biết, có “thiếu sót” trong việc lấy mẫu phân tích, nguyên nhân là do anh em… “hoảng” quá. |
Gần đây nhất, ngày 2.8 vừa qua, Bộ TN&MT công bố kết luận 390,72 tấn (bao gồm cả đất, đá bị lẫn) mà công ty môi trường đô thị Kỳ Anh chôn lấp là chất thải công nghiệp có lẫn chất thải nguy hại. Trong chất thải này có một số mẫu bùn thải có chứa thông số xyanua (CN-) vượt ngưỡng chất thải nguy hại. Ngoài ra, kết quả khảo sát môi trường đất, môi trường nước cho thấy nước mặt, nước ngâm và đất tại vị trí chôn lấp bùn thải và khu vực xung quanh chưa bị ô nhiễm do việc chôn lấp trái phép bùn thải nêu trên gây ra.
Để đưa ra được các kết quả đó, các đoàn kiểm tra của Bộ TN&MT đã phải tiến hành lấy mẫu bùn thải, mẫu đất và mẫu nước mặt, nước ngầm tại các khu vực chôn lấp chất thải nêu trên (bao gồm 38 mẫu bùn thải, 30 mẫu đất tại vị trí chôn lấp và khu vực đất xung quanh, 1 mẫu nước giếng khoan và 3 mẫu nước suối trong khu vực). Việc phân tích mẫu được giao cho 3 Phòng thí nghiệm đủ tiêu chuẩn xử lý, phân tích và đối chứng.
Như báo chí đã đưa trước đó, cũng ngay sau khi phát hiện công ty môi trường đô thị Kỳ Anh đổ chất thải trái phép, Trung tâm quan trắc và kỹ thuật môi trường Hà Tĩnh của Sở TN&MT Hà Tĩnh cũng đã nhanh chóng vào kiểm tra, lấy mẫu để phân tích. Giữa tháng 7.2016, Sở TN&MT này đã công bố kết quả phân tích, theo đó có 13/15 chỉ tiêu an toàn, 2 chỉ tiêu vượt ngưỡng cho phép.
Tuy nhiên, ngay sau khi công bố như trên, ông Võ Tá Đinh, giám đốc Sở TN&MT Hà Tĩnh lại cho biết, kết quả trên là chưa đúng và chưa thể khẳng định đây là chất thải nguy hại hay thông thường. Lý do là Sở này chỉ lấy 4 mẫu, trong đó 1 mẫu ở bãi rác được chôn và 3 mẫu ở nhà máy Formosa. Chính vì vậy kết quả này là không đại diện được cho toàn bộ chất thải và không khẳng định được đó là chất thải nguy hại hay chất thải thông thường.
Và ông Võ Tá Đinh cho biết, có “thiếu sót” trong việc lấy mẫu phân tích, nguyên nhân là do anh em… “hoảng” quá.
Mọi so sánh có thể hơi khập khiễng, nhưng với một đơn vị trực tiếp thường xuyên làm việc và quản lý, giám sát, kiểm tra hệ thống xử lý môi trường của Formosa mà đến việc lấy mẫu phân tích như thế nào cũng không hoàn thành thì rất khó hiểu? nhất là trong hoàn cảnh càng cấp thiết, quan trọng thì đòi hỏi chuyên môn và tính chính xác cao càng trở nên quan trọng. Đó là chưa bàn đến việc phân tích các mẫu của Sở TN&MT Hà Tĩnh có đúng hay không. Chỉ cần nhìn vào quá trình lấy mẫu phân tích như trên cũng không hoàn thành thì sao người dân có thể yên tâm cho được?
Đối những vụ việc nghiêm trọng như trên, nếu như Bộ TN&MT không vào cuộc mà giao hẳn cho Sở TN&MT trực tiếp kiểm tra, phân tích và công nhận kết quả thì sẽ có những hậu quả gì xảy ra?
Đó là chưa nói tới Phòng TN&MT huyện Cẩm Xuyên – được Sở TN&MT quản lý theo ngành dọc từng được báo cáo có chất thải của Formosa đổ tại khu du lịch Thiên Cầm nhưng đã không lấy mẫu gửi để phân tích. Lý do là: “Sau khi liên hệ với Chi cục bảo vệ môi trường của Sở TMNT Hà Tĩnh và Viện công nghệ môi trường thì biết có những khó khăn về quy trình lấy mẫu, phân tích. Thêm nữa, căn cứ theo văn bản số 64 ngày 21.4.2014 của Chi cục bảo vệ môi trường Hà Tĩnh trả lời về 3 mẫu chất lượng bùn thải sinh hoạt của Cty Formosa đều bình thường.”, ông Nguyễn Văn Toàn – Phó Phòng TNMT huyện Cẩm Xuyên trả lời báo Lao động.
Có thể nếu như có trách nhiệm và chuyên môn cao, việc lấy mẫu ở Thiên Cầm đi phân tích vào thời điểm năm 2015 được thực hiện, có thể việc Formosa cho đổ chất thải trái phép ra ngoài môi trường đã được phát hiện sớm hơn?
Ông Võ Tá Đinh – Tư lệnh ngành môi trường Hà Tĩnh. |
Ngoài vấn đề chuyên môn của Trung tâm quan trắc và kỹ thuật môi trường Hà Tĩnh bị nghi ngờ, thì cũng cần xem lại một đơn vị nữa cũng thuộc sở TN&MT Hà Tĩnh, đó là Chi cục Bảo vệ môi trường. Theo như ông ông Nguyễn Văn Toàn – Phó Phòng TNMT huyện Cẩm Xuyên trả lời ở trên thì phòng này đã một phần căn cứ vào văn bản số 64 ngày 21.4.2014 của Chi cục bảo vệ môi trường Hà Tĩnh trả lời về 3 mẫu chất lượng bùn thải sinh hoạt của Cty Formosa đều bình thường để quyết định không lấy mẫu chất thải được đổ ở Thiên Cầm đi phân tích.
Ngoài ra, liên quan đến việc đổ chất thải, theo ông Lê Quang Hòa, giám đốc Công ty môi trường đô thị Kỳ Anh thì Formosa đã cung cấp cho công ty này văn bản số 07 ngày 18.1.2016 do Chi cục Bảo vệ môi trường – Sở TNMT ký với kết luận “theo kết quả phân tích thì bùn ép từ xưởng xử lý nước thải công nghiệp và tro than cốc, bùn than cốc số 1 xưởng luyện cốc của Cty FHS là chất thải rắn công nghiệp thông thường”. Và theo ông Hòa, thì dựa vào văn bản này nên công ty ông mới đồng ý kết hợp đồng vận chuyển và xử lý vận chuyển chất thải với Formosa.
Nhiều ý kiến cho rằng Chi cục bảo vệ môi trường không đủ thẩm quyền ký các văn bản với nội dung trên. Hơn nữa, với khả năng chuyên môn, phân tích các mẫu của các đơn vị thuộc Sở này còn hạn chế, yếu kém, khi phân tích không cho ra kết quả đúng mà lại ban hành các văn bản trên thì thực sự rất …“nguy hiểm”. Vì đó cũng chính là kẽ hỡ, một hình thức “tiếp tay” để Formosa lợi dụng “tuồn” chất trải ra ngoài một cách trái phép.
Ngày 2.8 vừa qua, cơ quan Cảnh sát điều tra tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định khởi tố vụ việc chôn lấp chất thải trái phép của công ty môi trường đô thị Kỳ Anh. Theo đại tá Bùi Đình Quang, thủ trưởng CQCSĐT công an tỉnh Hà Tĩnh thì ngay sau khi khởi tố vụ án sẽ đánh giá chứng cứ, xác định trách nhiệm hình sự đối với các cá nhân, tổ chức liên quan.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước cũng cần xem xét là yếu tố chuyên môn, năng lực của các đơn vị thuộc Sở TN&MT, vì đây là đơn vị quản lý trực tiếp lĩnh vực môi trường – lĩnh vực nóng và thực sự cấp thiết, quan trọng hiện tại cũng như tỏng thời gian tới.
Với những gì đã và đang diễn ra, nhiều người cho rằng phần thua chắc sẽ thuộc về “gã tí hon – Sở TN&MT Hà Tĩnh”.
Mai Nguyễn – Hà Vy