Giáo dục - Đào tạo

Sinh viên sợ hãi trên chuyến xe về Tết

Tết đến, kèm theo niềm vui được sum họp với gia đình là sự thấp thỏm, lo lắng trên con đường dài hàng trăm km về nhà. Với nhiều bạn sinh viên ở xa, về quê ăn Tết còn trở thành nỗi sợ hãi khi nghĩ đến cảnh vật vờ chờ mua vé Tết, chen chúc nhau đứng trên những chuyến xe đông đúc, nhồi nhét gấp đôi, gấp ba số người theo quy định…

Việc rời Thủ đô về quê ăn Tết trở thành nỗi sợ hãi đến ám ảnh của nhiều bạn sinh viên ở xa.

Thấp thỏm lo vé Tết

Thấp thỏm ngóng tin ga tàu, bến xe bán vé Tết, mệt mỏi, chán nản vì đứng xếp hàng từ tờ mờ sáng để mua vé… là tâm trạng của nhiều bạn sinh viên xa quê lúc Tết đến xuân về.

Để có được tấm vé xe, nhiều bạn sinh viên phải đặt vé trước đó cả tháng trời. Nếu không kịp đặt vé, các bạn phải đến bến xe xếp hàng mua vé từ sáng sớm trong cảnh chờ đợi vật vờ, ngao ngán.

Sinh viên mệt mỏi mua vé xe về Tết

Để có được tấm vé về quê, Liên (sinh viên trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền, quê Nghệ An) đã phải săn thông tin bán vé ở ga tàu, bến xe từ hai tháng trước đó. Hễ có thông tin mở quầy bán vé là Liên tìm đến mua ngay.

Liên từng nghĩ đến cách mua vé xe qua mạng, nhưng sợ bị lừa thì coi như hết đường về quê ăn Tết nên cô bạn phải tìm đến tận nơi, cho dù phải xếp hàng chờ đợi.

4 năm đại học là 4 lần chầu chực, săn đón vé Tết, Liên từng thấy căng thẳng, thậm chí sợ hãi mỗi khi nghĩ đến chuyện về quê ăn Tết.

Liên chia sẻ: “Mình nhớ, có năm tàu hết vé, mình phải ra bến xe xếp hàng đợi suốt 3 tiếng đồng hồ mới mua được tấm vé xe khách. Cũng có lần, vì không về đúng ngày đặt vé, mình đã không bắt nổi xe về thẳng Nghệ An, cuối cùng đành phải bắt một tuyến xe Thanh Hóa, sau đó gọi người nhà ra đón. Năm đó, suýt nữa thì mình mất Tết”.

Đối với những bạn là sinh viên các trường an ninh, quân sự, không thể ra ngoài tự do, việc mua vé Tết càng gặp nhiều khó khăn. Hoàng Thị Lành (sinh viên năm 3, trường Học viện An Ninh) chia sẻ: “Mình học trường an ninh, việc ra vào bị kiểm soát rất chặt nên không thể muốn là ra ngoài mua vé được. Thường thì mình phải ngóng xem lịch nghỉ Tết rồi tranh thủ đặt vé xe qua mạng. Nhưng có năm, phải trực Tết đột xuất đến 28, 29 mới được nghỉ thì đành phải bắt xe dọc đường dù biết sẽ bị chặt chém. Nhưng bắt được xe về quê vẫn là may mắn lớn, có khi, xe chật khách rồi họ còn không thèm bắt khách dọc đường ấy chứ”.

Ai cũng mang theo trong mình nỗi lo lắng khi sắp phải “chiến đấu” trên chuyến xe về quê

Nhớ lại chuyến xe đầu tiên về quê ăn Tết, Lành bật cười: “Lúc đó là sinh viên năm nhất, mình chưa về quê dịp Tết bao giờ nên không biết bắt xe khó thế. Mình không đặt vé trước, cứ đến ngày về là ra bến bắt xe. Ra đó, mình chờ mãi mà không có xe Hà Tĩnh nào đón khách, đành nhảy liều lên một xe về Nghệ An. Xuống đến nơi, mình phải hỏi đường rồi bắt và đổi xe thêm mấy lần nữa mới về được đến nhà. Từ sau lần nhớ đời đó, mình luôn phải để ý mua trước vé xe”.

Đứng cả trăm km về quê

Bến xe Mỹ Đình mùa đông, trời lạnh lẽo, người người chen vai nhau, xung quanh là một vài cành đào hồng thắm, cài gọn trong đống hành lý. Trong không khí ngập tràn Tết ấy, nhiều  bạn sinh viên  vai đeo ba lô, tay xách túi hành lý to đùng cùng khuôn mặt bờ phờ đang tỏ ra rất căng thẳng. Dường như họ đang nghĩ về “cuộc chiến đấu” trên chuyến xe sắp tới.

Chen chúc nhau đứng, ngồi trên những chuyến xe đông đúc, nhồi nhét gấp đôi số người theo quy định đã là cảnh tượng quen thuộc trong những ngày giáp Tết. Có những bạn nhà cách thủ đô chỉ mấy chục cây số mà chuyện về quê ăn Tết đã như một “cuộc chiến” thì những bạn xa nhà đến 400 -500 cây số về quê hẳn phải là một cuộc “hành xác” kinh hoàng.

Xếp món đồ cuối cùng vào túi hành lý, Trà (sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, quê Thái Bình) thở dài ngao ngán: “Nghĩ đến việc ra bến xe về quê mà thấy nản. Chắc năm nay cũng đông lắm. Năm trước, mình về quê đúng ngày 26 Tết. Xe 30 chỗ mà họ nhét đến hơn 40 người. Chỗ ngồi không có, chỗ đứng lại càng không. Mình phải cố gắng lắm mới len lỏi đứng được một chân. Chỉ mong dọc đường có người xuống thì có chỗ ngồi tàm tạm, nào ngờ đứng suốt từ Hà Nội về đến nhà, hơn 100 cây số”.

Đinh Quang Tuấn (sinh viên trường Đại học Mỏ Địa chất Hà Nội, quê Nho Quan, Ninh Bình) cũng có chung nỗi sợ hãi. Ra Hà Nội học được ba năm, Tuấn đã ba lần trải qua nỗi kinh hoàng trên những chuyến xe về quê ngày Tết.

Tuấn chia sẻ: “Năm ngoái mình đi làm thêm, đến 27 Tết mới về quê. “Bơi” giữa biển người suốt 3 tiếng đồng hồ vẫn không bắt được xe Ninh Bình, mình đành lên liều một  xe về Thanh Hóa. Xe đông đến mức cố lắm mình mới tìm được một chỗ đứng khom người. Nhưng, đâu phải muốn đứng mà được, vì sợ công an phạt nên phụ xe nhét mình ngồi xuống giữa lối đi. Suốt quãng đường hơn 100km, mình gần như ngồi im bất động, bởi không còn một kẽ hở nào mà xoay người”.

An toàn về quê đón Tết là may mắn lớn của nhiều bạn sinh viên xa nhà (Ảnh Như Hoàn  – Khám phá)

Tuấn cười ngao ngán: “Mình còn trẻ nên chỉ mệt nhọc lúc đó thôi, xuống xe rồi là khỏe lại ngay. Chứ như mấy bác lớn tuổi, nhất là phụ nữ chen chúc về được đến quê rồi thì chắc cũng mất ăn Tết vì mệt và say xe”.

Nhưng Tuấn và Trà mới chỉ phải “chiến đấu” hơn 3 tiếng đồng hồ trên quãng đường 100km,  nhiều bạn sinh viên quê ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình… còn phải “hành xác” suốt 5 – 7 tiếng đồng hồ trên quãng đường dài 300 – 500 cây số.

Tuy số lượng và chất lượng tàu, xe hiện nay đã được cải thiện hơn trước, nhưng tình trạng quá tải trong dịp Tết là không tránh khỏi. Nhiều bạn sinh viên dù may mắn kiếm được tấm vé xe trước ngày nghỉ Tết nhưng vẫn thấp thỏm lo lắng chuyện bị nhồi nhét trên xe.

Thùy Liên (sinh viên trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền, quê Nghệ An) chia sẻ: “4 năm học ở Hà Nội là 4 lần mình phải chịu cảnh đứng không được, ngồi không xong trên chuyến xe ngày Tết. Vì nhà xa nên mình thường phải về quê bằng xe khách giường nằm. Tuy vậy, phải về Nghệ An ngày Tết mọi người mới hiểu được cảnh đi xe giường nằm mà phải chen chúc nhau ngồi khổ sở đến mức nào. Khoảng cách giữa những cái giường trên xe là rất nhỏ, chỉ đủ để ngồi đúng một thư thế ôm gối, ôm chân. Mà ngồi kiểu ôm chân như thế suốt hơn 400km thì không khác gì một hình thức tra tấn”.

Sự đông đúc, chen chúc trên những chuyến xe về quê ngày Tết trở thành nỗi sợ hãi, ám ảnh của nhiều bạn sinh viên. Đó là chưa kể đến tình trạng chặt chém của các nhà xe. Giá vé ngày Tết gần gấp rưỡi giá vé ngày thường, trong khi tình trạng quá tải, chất lượng phục vụ thì không hề được cải thiện.

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP