Bức xúc vì thiếu giáo viên nước ngoài
Theo tìm hiểu của PV Dân trí, Trường Đại học Hà Tĩnh thành lập cho đến nay đã được hơn 10 năm trên cơ sở nâng cấp từ Trường Cao đẳng Sư phạm của tỉnh này. Cùng với nhiều chuyên ngành đào tạo khác, Anh ngữ là một trong những chuyên ngành thu hút đông đảo sinh viên, gồm cả nước bạn Lào theo học. Tuy nhiên, một bất cập kéo dài suốt nhiều năm qua, khoa Anh ngữ trường này không có bất kỳ một giáo viên nước ngoài nào tham gia giảng dạy.
Trường đại học Hà Tĩnh |
Một cán bộ tại Khoa Ngoại ngữ Đại học Hà Tĩnh thông tin, cho đến trước năm 2012, khoa chỉ có lác đác giáo viên tiếng Anh từ các tổ chức nước ngoài, chủ yếu là các tổ chức từ thiện, đến tham gia giảng dạy cho sinh viên. Còn từ năm 2012 lại đây, sau trường hợp một giáo viên người Mỹ gốc Lào gặp tai nạn trở về nước, Trường đại học Hà Tĩnh đã chấm dứt hẳn sự hiện diện của các giáo viên nước ngoài tham gia giảng dạy tại đây.
Việc thiếu các giáo viên nước ngoài, đặc biệt là các giáo viên đến từ các nước ngôn ngữ tiếng Anh chuẩn như Anh, Mỹ, Úc… đã khiến các sinh viên theo học ở đây chịu quá nhiều thiệt thòi.
M.K.A, sinh viên thuộc K7 Ngôn ngữ Anh không giấu được nỗi thất vọng của mình “thực sự thì chúng em rất thất vọng khi không có bất cứ một giáo viên quốc tế nào đến giảng dạy. Đây là thiệt thòi rất lớn nếu so với các trường đại học khác trong cả nước. Khả năng nghe nói của em và các bạn theo học ở đây chắc chắn sẽ được cải thiện đáng kể nếu quá trình học tập được giao tiếp, lắng nghe giáo viên nước ngoài giảng dạy”.
Cũng bức xúc như Kim Anh, nhiều sinh viên khi được phóng viên đề cập đến vấn đề này, đã nói thẳng: “Trường đại học bọn em không bằng mấy Trung tâm Anh ngữ ngay ở TP.Hà Tĩnh. Các trung tâm này đều có giáo viên nước ngoài dạy. Còn sinh viên chúng em, những người học chuyên ngành Anh ngữ lại không được học bất kỳ tiết học với giáo viên nước ngoài nào”.
|
Trang web của Khoa Ngoại ngữ Trường đại học Hà Tĩnh quảng bá hình ảnh giáo viên, sinh viên nước ngoài giảng dạy, học tập rất hoành tráng. Tuy nhiên, thực tế suốt nhiều năm trường không lấy một giáo viên Anh ngữ nước ngoài đến tham gia giảng dạy, nâng cao chất lượng đào tạo cho sinh viên.
Theo một số sinh viên chuyên ngành Anh ngữ tại Trường đại học Hà Tĩnh, thời gian qua rất nhiều bạn tìm cách cải thiện khả năng giao tiếp của mình thông qua mạng xã hội, hoặc ra trung tâm thành phố Hà Tĩnh tìm gặp khách du lịch nước ngoài. Dù rất nỗ lực, nhưng Hà Tĩnh có rất ít khách nước ngoài tới thăm, nên khả năng gặp gỡ, giao tiếp nhằm nâng cao khả năng giao tiếp gặp nhiều khó khăn.
Do tỉnh không cho phép?
Thầy Nguyễn Gia Việt, Trưởng khoa Ngoa ngữ, Trường đại học Hà Tĩnh cho biết: “Bản thân tôi và anh em cán bộ, giáo viên rất mong muốn đưa giáo viên nước ngoài về dạy để tăng cường cho sinh viên, nhưng nói chung rất khó khăn”.
Theo thầy Việt, năm 2016, trường đã rất nỗ lực xúc tiến xin được 1 chuyên gia nước ngoài đến giảng dạy và nghiên cứu cho trường nhưng không hiểu vì lý do gì phía tỉnh không đồng ý tiếp nhận.
PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ, Hiệu trưởng trường đại học Hà Tĩnh cho biết, có hai lí do khiến trường thiếu vắng giáo viên chuyên ngành Anh ngữ như phản ánh. Trước hết, chi phí chi trả cho giáo viên nước ngoài khoảng 2000USD/tháng là một rào cản trong bối cảnh trường gặp nhiều khó khăn về kinh phí.
“Mặt bằng chung các đơn vị trả cho giáo viên nước ngoài vào khoảng 2000USD/tháng, tuy nhiên với trường đại học Hà Tĩnh như thế là cao, khó đáp ứng được”- ông Thọ nói.
Vì chi phí chi trả cao, nên theo ông Thọ, trường đã liên hệ, đàm phán với các tổ chức, đại sứ quán để xin hỗ trợ nhà trường giáo viên theo dạng tình nguyện. Tuy nhiên, ngay cả có giáo viên nước ngoài tình nguyện giảng dạy không lương thì việc tiếp nhận cũng gặp khó khăn, mà nguyên nhân là phía tỉnh không cho phép.
“Năm trước trường có xin được một đại sứ quán cử cán bộ vào dạy miễn phí nhưng khi báo cáo tỉnh, thì tỉnh không cho về vì liên quan đến công tác quản lí người nước ngoài” – ông Thọ nói.
Cũng theo ông Thọ, hiện tại trường chưa có phương án nào khác để giải quyết bất cập này. Như vậy, những thiệt thòi của sinh viên Anh ngữ Trường đại học Hà Tĩnh sẽ còn kéo dài.
Tác giả: Văn Dũng - Tiến Hiệp
Nguồn tin: Báo Dân trí