Tin Hà Tĩnh

Sau 5 năm, dự án khách sạn, biệt thự hơn 240 tỷ đồng ở Hà Tĩnh vẫn là bãi đất trống

Được chấp thuận chủ trương đầu tư với nguồn vốn hơn 240 tỷ đồng, nhưng sau 5 năm, dự án Khu khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng Lộc Hà (Hà Tĩnh) vẫn chưa được triển khai xây dựng theo kế hoạch đề ra.

Dự án trăm tỷ ven biển “đắp chiếu”

Năm 2017, UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Khu khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng Lộc Hà . Dự án do Công ty Cổ phần Quốc tế Lộc Hà làm chủ đầu tư với nguồn vốn đầu tư hơn 240 tỷ đồng; quy mô dự án xây dựng trên 8,77ha diện tích đất ở xã Thịnh Lộc (huyện Lộc Hà).

Dự án sẽ triển khai đồng bộ các hạng mục gồm khu khách sạn nghỉ dưỡng đạt tiêu chuẩn 3 sao, công suất từ 80 đến 100 phòng, cao 5 tầng; 1 khu nhà hàng ẩm thực và giải khát; 1 khu dịch vụ và các khu vui chơi giải trí; 83 căn nhà biệt thự nghỉ dưỡng để bán và cho thuê (trong đó 30 căn biệt thự song lập và 53 căn biệt thự đơn lập), văn phòng điều hành dự án, các công trình phụ trợ, hệ thống cây xanh…

Hiện tại chủ đầu tư mới quây tôn xung quanh đất dự án triển khai xây dựng.

Theo quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, dự án có thời gian hoạt động 50 năm và tiến độ thực hiện dự án 36 tháng kể từ ngày ban hành Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư.

Sau nhiều năm “án binh bất động”, đến đầu năm 2021, Công ty CP quốc tế Lộc Hà xin điều chỉnh quy hoạch lại dự án và xin gia hạn thêm thời gian thi công. Tuy nhiên, đến nay sau hơn 5 năm được chấp thuận chủ trương đầu tư, dự án vẫn chỉ là bãi đất trống.

Qua ghi nhận, sau thời gian rục rịch triển khai, chủ đầu tư mới dùng tôn quây xung quanh khu đất nằm trong vùng quy hoạch đã bàn giao mặt bằng; hệ thống đường ống nước đang thi công dang dở; công nhân, máy móc không hoạt động; vật liệu xây dựng hoen gỉ sau thời gian dài phơi nắng, phơi sương…

Nhiều hộ dân nằm trong khu vực quy hoạch dự án chưa chịu di dời vì họ chưa đồng ý với phương án đền bù.

Theo tìm hiểu, Dự án Khu khách sạn, nghỉ dưỡng Lộc Hà chưa thể triển khai theo tiến độ đề ra có nhiều nguyên nhân. Ngoài thủ tục pháp lý về thay đổi quy hoạch dự án thì hiện tại có 16 hộ dân nằm trong vùng bị ảnh hưởng dự án chưa đồng ý với các phương án đền bù.

Điều đáng nói, để thực hiện phương án giải phóng mặt bằng cho 16 hộ dân này gặp rất khó khăn bởi phần lớn các hộ dân đều chưa có sổ đỏ, họ làm nhà trên đất trồng cây lâu năm. Một số hộ có nguyện vọng muốn có khu tái định cư để di dời đến chỗ ở mới, song đối với yêu cầu này khó được thực hiện bởi trái với quy định Nhà nước.

Khó khăn giải phóng mặt bằng

Gia đình ông Nguyễn Viết Tự (trú thôn Nam Sơn, xã Thịnh Lộc) có hơn 500m2 đất nằm trong đất quy hoạch dự án. Sau nhiều năm chưa thống nhất được phương án đền bù với chủ đầu tư nên gia đình vẫn chưa di dời. Ông Tự đề xuất, nếu giao đất cho chủ đầu tư thực hiện dự án gia đình phải có một mảnh ở khu tái định cư để xây nhà sinh sống.

“Nếu không có đất ở thì chúng tôi không thể đi được. Vấn đề này không chỉ tôi mà một số hộ dân tại vùng này cũng đã đề xuất có khu tái định cư để về chỗ ở mới. Giờ vướng mắc kéo dài như vậy gia đình cũng ảnh hưởng”, ông Tự cho hay. Ngoài ông Tự, một số hộ dân nằm trong vùng quy hoạch dự án cũng cho rằng, số tiền chi trả đền bù của chủ đầu tư đưa ra quá thấp, họ không đồng thuận.

Vật liệu xây dựng chất đống, phơi nắng, phơi mưa.

Hiện tại một số hạng mục như hệ thống mương nước đang làm dở dang.

Ông Nguyễn Khắc Phong - Chủ tịch UBND xã Thịnh Lộc (huyện Lộc Hà) cho biết, dự án chậm tiến độ có nhiều nguyên nhân, trong đó hiện tại đang vướng mắc giải phóng mặt bằng. Tại các cuộc họp có đại diện UBND tỉnh, UBND huyện, địa phương đã nhiều lần đề xuất phương án để dự án sớm triển khai đi vào hoạt động.

“Hiện tại còn 16 hộ dân chưa đồng ý với phương án đền bù. Dự án chậm tiến độ ảnh hưởng nhiều đến phát triển kinh tế địa phương, ngoài ra một số hệ thống đường nằm trong dự án không được sửa chữa nên mùa mưa xảy ra tình trạng ngập. Quan điểm địa phương luôn hỗ trợ chủ đầu tư trong việc giải phóng mặt bằng vì nếu dự án sớm được triển khai sẽ tạo công ăn việc làm, mở ra thương mại dịch vụ phát triển kinh tế”, ông Phong cho hay.

Một số hộ dân vẫn cố bám trụ, không bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.

Trao đổi với Tiền Phong, lãnh đạo UBND huyện Lộc Hà cho biết, dự án này không phải Nhà nước thu hồi đất mà chủ đầu tư thỏa thuận với các hộ dân. Trong quá trình thực hiện dự án, huyện đã phối hợp với chủ đầu tư tổ chức kiểm đếm, niêm yết giá theo quy định để hoàn thiện công tác giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên hiện tại còn vướng mắc một số hộ dân chưa đồng ý với phương án đền bù.

“Những hộ không đồng ý đền bù là do họ không hiểu, họ yêu cầu đất nông nghiệp vẫn phải tái định cư cho họ. Nhưng xét theo cơ bản thì công tác giải phóng mặt bằng tại dự án đã gần hoàn thiện. Còn đối với dự án chậm tiến độ thì do nhiều nguyên nhân, ngoài vướng mặt bằng thì trong quá trình thực hiện, chủ đầu tư đề nghị UBND tỉnh xin điều chỉnh một số hạng mục, đề xuất phương án thay đổi nộp tiền thuê đất một lần theo hình thức trả hàng năm…”, lãnh đạo UBND huyện Lộc Hà cho hay.

Tác giả: Hoài Nam

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP