Sau lễ thả bò rầm rộ ngày 11/10/2015, các cấp chính quyền Hà Tĩnh và người dân trong vùng dự án phấn khởi, hồ hởi cho rằng, dự án này “nói thật làm thật”, đồng thời đặt kỳ vọng con em địa phương sẽ sớm được tiếp nhận vào làm công nhân cho Cty hoặc liên kết sản xuất cây thức ăn cho bò.
Ông Nguyễn Văn Duê kiên quyết không giao đất cho Cty Bình Hà |
Tuy nhiên, “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, chính quyền và người dân hi vọng càng nhiều, thất vọng càng lắm. Khu vực trang trại xây dựng ở xã Kỳ Tây – Kỳ Hợp (Kỳ Anh) và Cẩm Quan (Cẩm Xuyên) thực chất chỉ là nơi trung chuyển, vỗ béo bò để kiếm lợi nhuận, còn việc liên kết trồng cỏ hay giải quyết việc làm chỉ đắp đổi theo thời vụ.
“Vỡ mộng” làm công nhân cho Cty Bình Hà đã đành, hàng nghìn hộ dân các xã Kỳ Tây, Kỳ Hợp, Kỳ Văn ăn không ngon, ngủ không yên vì những hệ lụy dự án gây ra.
Đầu tiên là mất đất sản xuất, sau đó là ô nhiễm môi trường do phân bò thải ra đường, tiếng ồn của hàng trăm lượt xe “hổ vồ” chở bò, thức ăn chăn nuôi chạy suốt ngày đêm nhiều tháng liền; đường điện dân sinh năm lần bảy lượt bị xe tải kéo đứt đoạn. Đặc biệt, tuyến đường liên xã từ QL12 đi Tây – Hợp – Văn phẳng lỳ bỗng dưng nát bét chỉ sau gần 1 năm dự án đi vào hoạt động.
Ông Lê Hữu Số, Bí thư chi bộ thôn Trường Xuân, xã Kỳ Hợp thở dài: “Dự án này đúng là “đầu voi đuôi chuột”. Ban đầu hô hào rầm rộ nhưng hoạt động không hiệu quả. Đã thế còn cày nát con đường huyết mạch của các xã Kỳ Tây, Kỳ Hợp, Kỳ Văn. Đề nghị Cty phải hoàn trả đường cho dân, nếu không hoàn trả thì chính quyền phải sửa chữa con đường để dân đi lại, làm ăn”.
Bí thư Lê Hữu Số đề nghị Cty hoàn trả đường cho dân |
Theo ông Số, cuối năm 2013 tuyết đường QL12 đi Tây – Hợp – Văn, dài khoảng hơn 20km, mặt đường rộng gần 4m được nhà nước đầu tư rải nhựa phẳng lỳ. Dân trong vùng mừng như “mở cờ trong bụng” vì có đường đẹp để đi. Đùng một cái dự án chăn nuôi bò về đầu tư trên địa bàn làm đảo lộn hết cả.
Đường lớn bị cày xới không kể ngày đêm, thậm chí có những giai đoạn cao điểm bình quân mỗi ngày có đến hơn 100 lượt xe tải lớn chở vật liệu xây dựng, chở bò và thức ăn chăn nuôi vào trang trại. Nhiều hôm xe chạy kéo đứt đường dây điện khiến người dân hết sức bức xúc.
Khoảng gần một năm sau khi dự án đi vào hoạt động cũng là lúc con đường huyết mạch liên xã Tây – Hợp - Văn bị “khai tử”. Hàng loạt ổ trâu, ổ gà nằm chi chít giữa đường; mặt đường nhựa đoạn gần khu vực trang trại (khoảng hơn 3km) bị vỡ kết cấu, bong tróc trơ lại phần đá, cát, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông của người dân.
|
|
Tuyến đường QL12 nối Tây – Hợp – Văn bị cày xới |
Anh Lê Viết Đoàn, một hộ dân thôn Trường Xuân cho hay, nhiều vụ tai nạn đã xảy ra do người tham gia giao thông không phát hiện được ổ trâu, ổ gà hoặc xe trơn trượt do đá giữa mặt đường bong tróc.
Hiểu bức xúc của người dân, chính quyền các xã Kỳ Tây, Kỳ Hợp yêu cầu Cty Bình Hà phải sửa chữa, hoàn trả lại hạ tầng cho địa phương, tuy nhiên việc chắp vá đường của doanh nghiệp chỉ như “muối bỏ biển”, được một thời gian rất ngắn lại hư hỏng nặng hơn.
Trang trại tại xã Kỳ Hợp, Kỳ Tây bỏ hoang hơn 1 năm nay |
Không đồng tình ngay từ chủ trương
Thất bại của dự án chăn nuôi bò Bình Hà tiếp tục làm giảm niềm tin của người dân đối với các dự án đầu tư nông nghiệp. Theo tìm hiểu của NNVN, ngay từ những ngày đầu, rất nhiều cán bộ và người dân đã không đồng tình với dự án.
Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Tây Nguyễn Hồng Thắng nói: “Nội bộ cán bộ xã đại đa số không thán thành, nhưng do đây là chủ trương của cấp trên nên anh em cũng không dám nói ra”.
Theo ông Thắng, thời điểm năm 2015, để bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư ngoài việc thành lập các đoàn đến vận động người dân nhường đất cho dự án, một số giáo viên, bộ đội là con em các hộ có đất trong vùng dự án đi làm ăn xa cũng được huy động về để vận động GPMB. Tuy nhiên, đến nay toàn xã chỉ thu hồi được 90ha, còn gần 100ha nữa bà con không đồng tình giao cho doanh nghiệp.
“Chúng tôi không bàn giao đất cho Cty Bình Hà bởi đây là miếng cơm manh áo. Hơn nữa ngay từ đầu khi họ hứa hẹn về dự án, chúng tôi đã thấy không khả thi. Bây giờ thì đúng quá rồi, dự án thất bại, đất bỏ hoang, cỏ mọc um tùm. Tôi thấy mình đã sáng suốt khi không giao đất cho họ”, ông Nguyễn Văn Duê, thôn Trường Xuân, xã Kỳ Tây cho biết.
Gia đình ông Duê có 5,8ha đất lâm nghiệp nằm trong quy hoạch dự án chăn nuôi bò. Khi chính quyền GPMB, đất của ông đang trồng cây keo hiệu quả, bình quân thu lợi nhuận trên dưới 100 triệu đồng/ha/năm (sau 6 năm trồng), trong khi giá bồi thường chỉ 50 – 60 triệu đồng/ha.
“Có đất, cuộc sống sẽ ổn định, bền vững nhưng mất đất dân sẽ khổ muôn đời. Con tôi đang đi bộ đội ở xa bị bắt nghỉ về vận động giao đất cho dự án nhưng nay dự án thất bại thì ai chịu trách nhiệm? Tôi có cảm nhận chính quyền không đứng về phía dân”, ông Duê bày tỏ.
Được biết, ngoài việc gây lãng phí đất lâm nghiệp, trong khi thực hiện dự án, nhiều m3 đất từ trang trại bò Bình Hà còn đổ xuống bồi lấp hơn 1ha đất ruộng, gây bức xúc cho người dân xã Kỳ Tây.
Tác giả: Thanh Nga
Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam