Trong nước

Sáng nay, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn

Sáng 4-6, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh là thành viên Chính phủ đầu tiên 'đăng đàn' trả lời chất vấn tại Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh - Ảnh: GIA HÂN

Theo chương trình kỳ họp thứ 7 của Quốc hội, từ sáng nay (4-6) đến hết sáng 6-6, diễn ra phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với 4 nhóm vấn đề thuộc các lĩnh vực.

Cụ thể là Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Kiểm toán, Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn và Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng.

Phiên chất vấn, trả lời chất vấn sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri, nhân dân theo dõi.

Cũng theo chương trình, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn sẽ phát biểu mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đồng thời chủ trì điều hành chất vấn.

Nhóm vấn đề đầu tiên được chất vấn trong sáng 4-6 thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Người trả lời chất vấn là Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh.

Thời gian trả lời chất vấn của Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh từ 8h10 sáng 4-6 đến 14h20 chiều cùng ngày.

Ông Khánh sẽ trả lời về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường, gồm việc quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên biển quốc gia; tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về an ninh nguồn nước.

Giải pháp phòng, chống tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu, suy giảm, ô nhiễm nguồn nước.

Ông Khánh cũng trả lời về giải pháp nghiên cứu, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng và tài nguyên, khoáng sản quý hiếm.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, bộ trưởng các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Giao thông vận tải cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình những vấn đề có liên quan.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) cho biết cả 4 lĩnh vực được lựa chọn chất vấn có nhiều vấn đề được dư luận xã hội, cử tri, nhân dân quan tâm.

Ông nói đã chuẩn bị những vấn đề sẽ chất vấn, trong đó có vấn đề an ninh nguồn nước bởi lâu nay việc sử dụng nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt vẫn theo thói quen mà chưa thấy rõ tầm quan trọng của nguồn nước.

Bên cạnh đó vấn đề ô nhiễm nguồn nước, biến đổi khí hậu cũng là những vấn đề được ông ưu tiên, lựa chọn mong chất vấn với "tư lệnh" ngành tài nguyên và môi trường.

Phục hồi, làm sống lại các "dòng sông chết"

Trước đó, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đã có báo cáo một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp thứ 7.

Trong đó, theo bộ trưởng, việc phục hồi, làm sống lại các "dòng sông chết" đã đến lúc phải xem là một trong những vấn đề cần được ưu tiên triển khai trong những năm tới.

Việc này nhằm khôi phục nguồn nước, tạo dòng chảy, cải tạo cảnh quan môi trường sinh thái và các giá trị của nguồn nước đã mất do quá trình phát triển kinh tế, đô thị hóa, các hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp gia tăng.

Trong thời gian tới, ông Khánh cho biết bộ sẽ xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ kế hoạch, chương trình, đề án phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm.

Ưu tiên phục hồi các "dòng sông chết" nhằm khôi phục nguồn nước, tạo dòng chảy, cải tạo cảnh quan môi trường sinh thái, trong đó kèm theo chương trình, đề án, dự án ưu tiên làm "sống lại" các dòng sông.

Bên cạnh đó, bộ trưởng cũng nhấn mạnh đến việc bảo đảm quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả khoáng sản, tính minh bạch trong việc kiểm soát hoạt động khoáng sản và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của ngành địa chất, khoáng sản.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương để địa phương chủ động trong việc phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với thực tế gắn với trách nhiệm thẩm quyền được giao.

Đồng thời thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực, giám sát thực hiện; góp phần xử lý được những tồn tại, tiêu cực trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản.

Chấm dứt hoạt động các dự án khai thác, chế biến khoáng sản sử dụng công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường hoặc dự án tạm dừng hoặc dừng hoạt động nhưng doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ cải tạo phục hồi môi trường khi kết thúc khai thác (đóng cửa mỏ).

Khắc phục tình trạng khai thác lãng phí gây thất thoát tài nguyên khoáng sản.

Tác giả: THÀNH CHUNG

Nguồn tin: Báo Tuổi Trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP