Sau sự việc sai sót ở chương trình Đường lên đỉnh Olympia vừa qua đã làm đảo lộn kết quả cuộc thi, dẫn đến việc em Phú Vinh không được bước lên bục để nhận vòng nguyệt quế.
Sau khi nhận được phản ánh, Ban tổ chức cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia cũng đã công khai xin lỗi khán giả và gửi tặng thí sinh Phú Vinh vòng nguyệt quế danh dự.
Tuy nhiên, điều đáng nói đó là luật chơi và không thay đổi được kết quả. Điều này đã khiến nhiều người bức xúc.
Thanh Tùng và Phú Vinh (ngoài cùng bên phải) trong cuộc thi tuần 2 tháng 1 quý 3 của Đường lên đỉnh Olympia 2017.
Liên quan đến vấn đề này, cô Hoàng Kim Oanh – Giáo viên trường Phổ thông Năng Khiếu – ĐH Quốc Gia TPHCM chia sẻ: “Mỗi lần nhắc đến cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia là tôi lại nhớ lại nỗi oan ức của học sinh trường tôi.
Trước đó, vào năm 2012, một học sinh của trường tôi cũng bị tính sai điểm nên về nhì thay vì dành được vòng nguyệt quế.
Cụ thể, trong phần thi Tăng tốc của thí sinh Đặng Thái Hoàng (THPT Hòn Gai, Quảng Ninh) một câu hỏi Ban tổ chức đưa ra bị sai. Nhiều người cho rằng, nếu câu hỏi sai, đáp án phải không được công nhận.
Điều đó đồng nghĩa với việc em Đặng Thái Hoàng không được cộng thêm 30 điểm ở câu này và tổng điểm sẽ thấp hơn Thân Ngọc Tĩnh (THPT Năng khiếu, Đại học Quốc gia TP HCM) – người về nhì cuộc thi và là học sinh của trường tôi.
Ngày đó, nhiều fanpage trên Facebook được lập nên để ủng hộ thí sinh Thân Ngọc Tĩnh bởi đã em thi thuyết phục hơn Thái Hoàng. Tuy nhiên, “theo luật”, Ban tổ chức Đường lên đỉnh Olympia vẫn không thay đổi kết quả.
Một điều khiến tôi cảm thấy vô lý là trước mỗi vòng thi, thí sinh đều phải kí vào một bản cam kết có ghi rõ là: không khiếu nại về kết quả. Nếu kết quả mà sai thí sinh phải được quyến khiếu nại chứ nhỉ? Luật sai còn phải sửa cơ mà? Hà cớ gì mà chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” lại cứng nhắc như vậy để bao học sinh chịu thiệt thòi?
Quan điểm cá nhân của tôi là đã sai thì phải sửa. Không thể viện lí do học sinh kí tên vào quy định không khiếu kiện nên mặc nhiên chấp nhận sai như “chuyện không đừng được”.
Nhất là khi Olympia lại là một sân chơi trí tuệ thì phải tuyệt đối công bằng”.
Một giảng viên tại trường THPT Quốc học Huế chia sẻ: “Tôi là giáo viên về hưu, cũng có nhiều học sinh trường tham gia chương trình này nên hiểu được ước mơ của các em khi bỏ ra thời gian tập luyện, đi thi, kể cả tiền cá nhân. Chúng ta là Thầy, Cô nên hãy có giải pháp hợp lý để tạo niềm tin cho thế hệ mai sau”.
Trước đó, chia sẻ trên Infonet, nhà báo Nguyễn Như Mai – một thành viên Ban Cố vấn của chương trình Đường lên đỉnh Olympia cho hay: “Mỗi một đợt, chương trình thường tổ chức ghi hình liên tục hơn 10 cuộc trong vòng ba, bốn ngày để có sảnh ghi hình, lắp ráp thiết bị và tập hợp thí sinh từ các tỉnh thành xa về tham dự.
Thí sinh thi tuần xong, nếu đoạt giải nhất sẽ ở lại thi tháng. Em nào không thắng cuộc lại trở về ngay vì còn đang theo học ở trường, không có mặt ở Hà Nội nữa. Ngay sau đó đã diễn ra cuộc thi tuần khác và cuộc thi tháng khác. Kết quả các cuộc thi tuần như một phản ứng dây chuyền đến hàng loạt cuộc thi tiếp sau. Không thể kịp tổ chức thi lại nữa. Đó là lý do buộc phải coi như “sự đã rồi” nếu có sai sót.
Hoàng Thanh/Theo Infonet