Trong nước

Sai phạm được lên chức, cán bộ xã ‘có kinh nghiệm’ cần được ưu tiên?

Tuy bị chỉ rõ sai phạm trong kết luận của UBND huyện Lương Tài (Bắc Ninh) nhưng các cá nhân liên quan chỉ phải “rút kinh nghiệm sâu sắc”, thậm chí 3 cán bộ ở xã An Thịnh còn được lên chức cao hơn.

Khi cầm bút viết, dù bằng ngoại ngữ hay tiếng mẹ đẻ, ta luôn được dạy rằng phải chăm chỉ trau dồi vốn từ vựng, tránh sử dụng lặp đi lặp lại một từ, gây nhàm chán cho người đọc. Nhưng không hiểu vì nguyên do gì mà người ta vẫn dành sự ưu tiên số một cho cụm từ “rút kinh nghiệm” dù đáng lý trong trường hợp ấy, phải lựa chọn cụm từ biểu lộ hình thức xử lý triệt để hơn. Tuy không được người nổi tiếng “lăng-xê” nhưng cụm từ này vẫn rất phổ biến trong đời sống, thậm chí khiến một số người nghĩ ra giải pháp dùng “sợi dây” kinh nghiệm thay cho cáp quang AAG để tránh bị cá mập cắn đứt!

Thời gian qua, dây kinh nghiệm lại được đem ra thử độ bền ở Bắc Ninh, khi UBND xã An Thịnh (huyện Lương Tài) cùng lãnh đạo ở một số thôn và hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp thuộc xã An Thịnh để xảy ra những vi phạm nghiêm trọng về quản lý và sử dụng đất đai. Và nếu coi vụ việc là một tác phẩm có bố cục rõ ràng, thì “phân đoạn xử lý” sau khi có kết luận của UBND huyện rõ là một Happy Ending (kết thúc có hậu) với các cán bộ vi phạm.

Khu chợ UBND xã An Thịnh xây dựng trái phép. (Ảnh: CAND)

Cái kết ấy tưởng chừng như chỉ có trong mơ, vì các lãnh đạo thôn An Trụ và Thanh Lâm chưa bị xử lý bất kỳ hình thức nào về mặt kỷ luật Đảng, chỉ phải “rút kinh nghiệm sâu sắc”, thậm chí có 3 cán bộ còn được lên chức cao hơn. Song, cũng từ cái kết khiến nhiều người dân ở xã An Thịnh bất bình, khiếu nại, ta có thể học được một bài học đáng suy ngẫm về chuyện làm lại (ở vị trí cao hơn) sau thất bại.

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều “ông lớn” trên thế giới lại ưu tiên lựa chọn những người từng phạm sai lầm thay vì chỉ dựa vào danh tiếng của trường đại học và bề dày thành tích mà ứng viên đạt được trong quá khứ. Như Bill Gates từng nói: “Sai lầm không đáng sợ, đáng sợ là sai lầm vô ích”. Điều quan trọng là phải biết nhìn thẳng vào sai lầm và kịp thời điều chỉnh.

Giai đoạn “rút kinh nghiệm” rất có thể đã giúp những cán bộ vi phạm ở xã An Thịnh nhận được bài học thấm thía nhớ đời, trở thành cán bộ “có kinh nghiệm”, cần được trọng dụng. Nếu giải thích theo hướng này, việc huyện Lương Tài trước có sự buông lỏng trong quản lý đất đai, sau lại không xử lý triệt để sai phạm của cán bộ xã… là hoàn toàn dễ hiểu.

Tôi hy vọng các cán bộ vi phạm ở xã An Thịnh sẽ cẩn trọng hơn trong từng bước đi, vì mỗi cú ngã không chỉ trì hoãn thành công của các vị mà còn ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng trăm hộ dân trên địa bàn. Dù thật tâm, tôi chỉ mong các cán bộ thiếu kinh nghiệm từ chối đảm nhận chức vụ hoặc xác định không có chuyện “rút kinh nghiệm” ngay từ đầu!

Tác giả: Trương Chi

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP