Xã hội

Rùa khổng lồ liên tục xé lưới và chuyện làm thịt cụ rùa 2,8 tạ ở Ba Vì

Ông giải khổng lồ hay nổi lên ở chỗ đảo thông. Tôi nhìn thấy mấy lần rồi, đầu to như cái phích, bằng với cụ rùa ở Hồ Gươm.

Ông Cao Xuân Tý ngoài 70 tuổi, có cả cuộc đời gắn với hồ Suối Hai (Ba Vì, Hà Nội), là người hiểu rõ nhất mọi luồng lạch của hồ nước khổng lồ này.

Quê ông Ty vốn ở huyện Phúc Thọ. Năm 1958, Nhà nước đắp đập chặn suối tạo hồ, thì ông thành công nhân của Xí nghiệp dịch vụ và du lịch Suối Hai cho đến lúc về hưu. Nhà ông cũng chuyển lên xã Cẩm Lĩnh ngay mép hồ nước này.

Sống cạnh hồ, mấy chục năm đánh cá ở hồ nước, nên chuyện về con giải ông nắm rõ nhất.

Hồ Suối Hai được tạo thành bởi 3 con suối lớn, là suối Ao Vua, suối Cầu Rồng, Cầu Tài, lấy nước từ đỉnh Ba Vì hùng vĩ, chảy ra sông Tích. Xưa kia, con sông Tích, sông Đáy, đều là lãnh địa của loài giải khổng lồ. Thế nhưng, những con sông ngày một nhỏ lại, ô nhiễm, sự tàn sát của con người, nên từ khoảng những năm 70 thế kỷ trước, loài giải khổng lồ cơ bản đã biến mất sạch sẽ.

Những hồ nước lớn nhân tạo như Suối Hai, Đồng Mô, Xuân Khanh là phần hạ nguồn của những con suối lớn, nơi từng có loài rùa mai mềm khổng lồ sinh sống, là những hệ sinh thái cuối cùng lưu giữ được loài rùa này. Hồ Đồng Mô, cách hồ Suối Hai không xa, vẫn còn một con nặng gần tạ, từng sổng ra sông Tích, được bắt thả lại, là một mình chứng cho sự tồn tại của loài này.

Theo lời ông Tý, xưa kia, hồ Suối Hai là lãnh địa cực kỳ phù hợp cho sự sinh tồn của rùa khổng lồ mai mềm, tức rùa Hồ Gươm, mà ông và cư dân ở đây gọi là con giải.

Rùa khổng lồ ở Đồng Mô. Ảnh internet

Hồ nước lớn mênh mông, cả chục hòn đảo lô nhô, nước sâu hun hút, những hốc đá dưới đáy hồ, là môi trường tuyệt vời cho loài bò sát khổng lồ này sinh cư, trốn chạy khỏi sự truy sát của con người. Chỉ tiếc rằng, một thời, con người không hiểu được giá trị của loài vật, thi nhau bắn giết nó, nên nó mới tuyệt chủng một cách cực kỳ đáng tiếc.

Khoảng những năm 80 của thế kỷ trước, là thời kỳ tàn sát mạnh nhất loài rùa khổng lồ, bởi khi đó nó là đặc sản, cho lượng thịt cực kỳ nhiều và bổ dưỡng.

Mỗi mẻ lưới ở hồ Suối Hai kéo lên cả chục tấn cá.

Ông Tý thích nhất là mùa rùa khổng lồ đẻ trứng. Con rùa to bằng cái nong, cái nia, bò lên các đảo đào đất, đẻ vào hố vài trăm quả trứng, rồi lấp đất lại. Bọn rùa khổng lồ hay đẻ ở khu vực nào, ông đều biết cả. Cứ bới mỗi hố lên, đầy xô trứng, đủ cho mười mấy người ăn no ễnh bụng.

Cũng như những thợ đánh cá ở Suối Hai và các hồ nước lớn khác khu vực Ba Vì, ông Tý rất ghét bọn giải khổng lồ. Chúng có bộ móng như bọc thép gắn dao lam, cào một nhát thì bất kỳ lưới nào cũng tan hoang. Có bao nhiêu con giải vào lưới, thì có bấy nhiêu vết rách dài đến vài mét.

Ông Cao Xuân Tý kể chuyện về giải khổng lồ ở Suối Hai.

Theo ông Tý, nhiều khi bọn giải khổng lồ còn nhắm chuồng gom cá của bộ lưới liên hợp để chén chiến lợi phẩm của những người đánh cá. Chúng có sức mạnh vô địch, nên chẳng sợ gì lưới, mà cứ xông vào đớp cá, ăn no chán chê, rồi phá lưới thoát thân. Nhiều mẻ lưới kéo lên, vớt được cả chục con cá bị đớp mất nửa thân ngọt như dao chém.

Ông Cao Xuân Tý kể: “Trong đời đánh cả của tôi, anh em thợ thuyền bắt được tổng số 10 con giải khổng lồ nặng trên 1 tạ. Hầu hết là sêm sêm 1,2 đến 1,4 tạ. Còn những loại vài chục kg, bằng cái mâm, thì nhiều không nhớ nổi. Thịt giải ngon lắm, có thời kỳ là đặc sản, bán giá 5.000 đồng/kg. Thịt nó nhiều lắm, ăn ngon như thịt trâu. Chúng tôi kéo nó lên bờ, vật ngửa ra, mổ bỏ vứt hết nội tạng đi là không tanh. Đặc biệt không được làm vỡ bóng đái của nó. Nước tiểu mà dính vào thịt, 100 người ăn vào, thì 100 người bị Tào Tháo đuổi”.

Anh Cao Xuân Trường, Giám đốc xí nghiệp thủy sản và dịch vụ du lịch Suối Hai là thế hệ sau ông Tý một chút, nhưng mọi chuyện về loài rùa Hồ Gươm khổng lồ ở hồ Suối Hai anh đều nắm rõ chi tiết. Bản thân anh cũng từng chứng kiến vô số giải khổng lồ bị bắt lên khỏi hồ Suối Hai và cũng từng ăn món om chuối đậu loài rùa mai mềm khổng lồ này.

Anh Cao Xuân Trường khẳng định hồ Suối Hai vẫn còn giải khổng lồ và bản thân anh vẫn nhìn thấy.

Thời kỳ tóm được nhiều rùa nhất là từ năm 1991 đến 1993, riêng ông Hoành nhà ở xã Bằng Tạ bắt được tổng số 4 con to nhất, trong đó, có một con nặng tới 2,8 tạ. Hai con mổ tại nhà ông Xơ ở thôn Cẩm Tân xã Cẩm Lĩnh, 2 con còn lại mổ ở chỗ trạm công an cũ, cách bến thuyền hiện tại không xa.

Thời kỳ đó, nước hồ rút thấp, trơ cả dòng suối cũ, nên việc bắt giải khá dễ dàng. Ông Hoành chế ra những chiếc móc câu to bằng ngón tay, buộc với dây thừng. Một hệ thống gồm nhiều móc câu, nên con giải càng giãy, càng bị nhiều móc bám vào. Mỗi khi mắc câu, cả chục người hò nhau ra bắt, vật ngửa, rồi kéo lên bờ, mổ thịt.

Năm 1993, nghe tin ông Hoành bắt được nhiều giải quá, nên chính quyền đã “xin” một con, nặng 2,2 tạ, đem ướp phoóc môn rồi trưng bày ở khu du lịch Ao Vua cho nhân dân chiêm ngưỡng “quái vật giải”. Thế nhưng, quá trình bảo quản không đúng nguyên tắc, nên con giải bị thối, phải đem chôn, rất đáng tiếc.

Những con rùa mai cứng, giống lạ nặng 20-40kg như thế này có nhiều ở hồ Suối Hai

Hồ Suối Hai còn rùa Hồ Gươm khổng lồ?

Tôi đặt câu hỏi: “Hồ Suối Hai còn giải khổng lồ hay không?”, thì điều thú vị tất cả những người làm việc liên quan đến hồ nước khổng lồ này đều khẳng định chắc chắn như đinh đóng cột là còn giải khổng lồ.

Anh Cao Văn Sơn (con trai ông Cao Xuân Tý), hiện là thợ đánh cá của Xí nghiệp ở hồ Suối Hai cho biết: “Hồ Suối Hai còn vài con giải khổng lồ, nặng cả tạ. Loại lưng bằng cái mâm, đầu bằng nắp phích thì nhiều lắm. Riêng loại 30-40kg thì còn rất nhiều. Chúng liên tục xé lưới. Có đợt anh em mất mấy tháng vá lưới vì chi chít vết rách toang do giải xé. Mấy cụ giải to hay nổi ở chỗ cống xả, chỗ cái vực gần bến thuyền. Lúc đánh cá, anh em chúng tôi gặp toàn phải gọi là cụ, và xin cụ tránh ra, đừng phá lưới, mất rất nhiều công sức. Lần nào chúng tôi kéo cá lên, thấy lưới rách và vài con cá bị cắn đứt thân, thì chắc chắn do giải”.

Người dân đánh cá vẫn liên tục nhìn thấy giải nổi trên mặt hồ Suối Hai.

Anh Cao Xuân Trường, Giám đốc xí nghiệp thủy sản và dịch vụ du lịch Suối Hai: “Hồ Suối Hai có nhiều giải to hay không, thì tôi không rõ, nhưng có một ông giải lớn thì tôi chắc chắn. Ông giải khổng lồ hay nổi lên ở chỗ đảo thông. Tôi nhìn thấy mấy lần rồi, đầu to như cái phích, bằng với cụ rùa ở Hồ Gươm. Ngư dân đánh cá kể gặp liên tục. Hồ quá lớn, mà giải nổi xa, bất chợt, nên chưa chụp được ảnh. Nếu có máy móc tốt, lưu ý, thì kiểu gì cũng chụp được”.

Anh Lê Trung Tuấn chỉ bụi tre ở hồ Xuân Khanh (cạnh hồ Suối Hai), nơi giải khổng lồ liên tục nổi lên.

Anh Lê Trung Tuấn, hiện là chủ thầu hồ Suối Hai cho biết: “Mới đây, tôi nghe tin đồn một người đánh cá bắt được cụ rùa khoảng 1,9 tạ, nhưng bán đi đâu thì tôi chưa điều tra được. Cụ rùa là động vật vô cùng quý hiếm, việc bắt cụ là vi phạm pháp luật, nên tôi phải tìm hiểu kỹ thông tin đã mới công bố. Tuy nhiên, việc các cụ rùa to ở Suối Hai là có thật, vẫn còn nhiều. Tôi cũng quán triệt anh em không được xâm phạm đến các cụ. Kể cả các cụ có xé lưới, làm mất cá, thì cũng chấp nhận. Phải tìm mọi cách bảo tồn cụ. Tiếc rằng, cái bãi rác Xuân Sơn cứ hàng ngày đổ nước thải xuống hồ, chẳng mấy năm nữa, không chỉ cá, mà các cụ rùa cũng sẽ chết hết.

Bản thân tôi hết sức tạo điện kiện cho các cán bộ Quỹ nghiên cứu bảo tồn Rùa Châu Á làm việc, theo dõi, tìm hiểu về rùa ở suối Hai và hồ Xuân Khanh. Cậu tên Hà là cán bộ của Quỹ bảo tồn rùa châu Á suốt ngày phục kích ở hồ Suối Hai và Xuân Khanh. Mấy anh em nói cậu Hà đã chụp được hình ảnh cụ rùa to lắm nổi lên ở chỗ bụi tre gần đập hồ Xuân Khanh. Chắc họ muốn giữ bí mật nên chưa công bố rộng rãi thôi. Người dân ở đó thì nhìn thấy suốt. Các cụ rùa phá hoại công tác đánh cá của tôi nhiều lắm, làm rách hết cả tay lưới giá bạc tỷ, nhưng tôi hết sức kêu gọi các nhà nghiên cứu vào cuộc để tìm hiểu, bảo tồn các cụ rùa ở đây”.

Tác giả: PHẠM DƯƠNG NGỌC

Nguồn tin: Báo VTC News

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP