Địa Chí Hà Tĩnh

Rôộc Cồn (Phú Phong, Hương Khê): Đất anh hùng tiếp bước cha ông

Nhắc đến Rôộc Cồn (Phú Phong, Hương Khê), trong tâm thức của bao thế hệ người dân Hà Tĩnh không thể quên khí thế hào hùng, tinh thần dũng cảm đấu tranh của cán bộ, đảng viên và nhân dân ta trong cao trào cách mạng 1930-1931.

Phát huy tinh thần Xô viết Nghệ Tĩnh, người dân Phú Phong hôm nay đang ra sức xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, xứng đáng với sự hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh.


Cháy mãi ngọn lửa Xô viết


Một ngày chớm thu, tôi theo chân Bí thư Đảng ủy xã Phú Phong – Ngô Quang Hùng về thăm chiến tích Rôộc Cồn xưa. Vẫn còn đó đền Cây Chay, cầu Rôộc Cồn… những địa danh gắn với cuộc đấu tranh cách mạng năm xưa và là nơi Chi bộ Đảng Phú Phong thường xuyên hoạt động bí mật.


Ngày 20/4/1931, ở Phú Phong, chi bộ Đảng tổ chức một cuộc mít tinh để công bố việc chia ruộng đất công và vận động quyên góp, ủng hộ một số đồng bào bị địch đốt phá nhà cửa, giết hại trâu bò, cướp bóc tài sản. Được một tên phản bội cấp báo, viên Đồn trưởng Đồn Chu Lễ đã đưa 12 lính về Phú Phong đàn áp, bắt một số cán bộ, đảng viên, trong đó có đồng chí bí thư chi bộ, làm cho quần chúng càng sôi sục căm thù.

Đất anh hùng tiếp bước cha ông

Đền Cây Chay, nơi chi bộ Đảng Phú Phong hoạt động bí mật trong thời kỳ Xô viết Nghệ Tĩnh.

Theo kế hoạch của Huyện ủy Hương Khê, chỉ 2 giờ sau, hơn 1.500 quần chúng các xã Phú Phong, Phúc Ấm (Hương Long), Trừng Thanh (Hương Vĩnh), Phú Gia, Xuân Lụng (Hương Xuân), Gia Phố do các đội tự vệ dẫn đầu, kéo đến bao vây bọn lính để giải thoát cho những người bị bắt. Đoàn biểu tình của xã Phúc Ấm do đồng chí Phan Lũ – Bí thư chi bộ dẫn đầu đã xông vào bao vây tên đồn trưởng và bọn lính đồn. Cuộc đấu tranh dẫn tới xung đột giữa tự vệ và lính đồn rất quyết liệt.


Hoảng sợ trước khí thế của đoàn biểu tình, bọn lính đã bắn chết đồng chí Phan Lũ, bắn bị thương đồng chí Mai Tác và một số tự vệ khác, hòng chặn đứng cuộc đấu tranh. Khi thấy nhiều đoàn biểu tình của các xã lân cận lần lượt kéo đến Phú Phong, bọn địch hoảng sợ, mở đường tháo chạy. Đến Rôộc Cồn, chúng lại gặp đoàn biểu tình của các xã Xuân Lụng (nay là Hương Xuân), Phú Phong, Gia Phố ngăn chặn. Bí đường và sợ bị quần chúng trừng trị, bọn địch đã hoảng sợ bắn loạn xạ vào các đoàn biểu tình làm 11 người chết và 6 người bị thương.


Sục sôi ngọn lửa cách mạng, nhân dân các xã lân cận và nhiều xã khác đã nổi mõ, chiêng, trống hưởng ứng cuộc đấu tranh ở Rôộc Cồn làm náo động cả vùng thượng huyện… Cuộc đấu tranh Rôộc Cồn là một trong những minh chứng tiêu biểu cho tinh thần dũng cảm, ngoan cường của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong cao trào cách mạng 1930-1931 ở Hà Tĩnh.


Màu xanh trên vùng đất cách mạng


Dẫn chúng tôi đi trên những con đường bê tông rộng rãi, Bí thư Ngô Quang Hùng cho biết: Với sự hỗ trợ của Nhà nước từ xi măng đến nguồn vốn, người dân Phú Phong đã hiến hàng nghìn m2 đất, tường rào, chung sức, đồng lòng làm mới gần 10 km đường bê tông thôn xóm, đường trục chính, kênh mương nội đồng. Xem ra mục tiêu phấn đấu về đích sớm trong công cuộc xây dựng NTM của Phú Phong không còn xa bởi những tiêu chí quan trọng như: quy hoạch, giáo dục, y tế, văn hóa, điện, ANTT, thu nhập bình quân đầu người… cơ bản được hoàn thành. Với lợi thế là xã vùng ven thị trấn, Phú Phong đang tiến hành xây dựng vùng sản xuất rau, củ, quả, vùng tiểu thủ công nghiệp, sản xuất cây công nghiệp ngắn ngày.


Theo Bí thư Đảng ủy xã, đây chính là hướng phát triển mũi nhọn của Phú Phong trong chương trình phát triển kinh tế những năm tới. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của Phú Phong đạt 18,7 triệu đồng/năm; hộ nghèo chỉ còn 9,25%. Xã còn tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, trường học, trạm y tế, hội quán xóm, các công trình văn hóa và hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng… với tổng mức đầu tư hơn 20 tỷ đồng. Cơ sở vật chất khang trang, từng bước hiện đại là động lực thúc đẩy các phong trào thi đua trong nhân dân.


Chạy dọc theo con đường mòn Hồ Chí Minh, cả hai bên đường, người dân Phú Phong đã tận dụng triệt để từng thước đất để sản xuất. Thay vào những vùng đất khô cằn, quanh năm gió phơn thổi rát mặt, hôm nay, trên mảnh đất này đang phủ kín những gam màu xanh chủ lực từ cây lúa, màu, những rừng keo tràm bạt ngàn. Trong kháng chiến, những cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân yêu nước hy sinh tại Rôộc Cồn đã trở thành tấm gương, biểu tượng cao đẹp. Nay người dân Phú Phong, Hương Khê tiếp nối hào khí năm xưa, ra sức xây dựng quê hương Xô viết anh hùng ngày càng giàu mạnh.


Quang Linh

Báo Hà Tĩnh

  Từ khóa: Phú Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP