Một đoạn QL1 qua Hà Tĩnh bị hằn lún |
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể vừa có chuyến thị sát QL1 đoạn qua Hà Tĩnh kiểm tra các vết hằn lún. Ông tuyên bố sẽ “cấm cửa” vĩnh viễn nhà thầu tại các dự án khác nếu không khắc phục triệt để hằn lún tại QL1.
Hàng chục km bị lún
Trao đổi với PLVN, ông Lê Ngọc Minh, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ 2 (QLĐB 2) cho biết, QL1 qua Hà Tĩnh chia làm nhiều dự án. Tuy nhiên, hiện tượng hằn lún vệt bánh xe xảy ra nặng nhất ở dự án do TCty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco 4) đầu tư thi công và dự án do Ban Quản lý dự án An toàn giao thông (BQLDA ATGT, nay là BQLDA 2) làm chủ đầu tư, DN tư nhân Xuân Trường thi công. Cũng theo ông Minh, ngoài tuyến Nam Bến Thủy - Bắc TP Hà Tĩnh do Cienco 4 thi công, khai thác năm 2014, các tuyến còn lại đều được bàn giao, khai thác từ giữa năm 2015. Hiện thời hạn bảo hành chỉ còn gần 1 năm.
Nói về việc QL1 hằn lún, xuống cấp, Cục trưởng Cục QLĐB 2 cho biết, đoạn BOT Cienco 4 thường xuyên được sửa chữa, khắc phục bằng nhiều biện pháp; nay đã hạn chế được cơ bản hiện tượng hằn lún. Riêng đoạn Km 556+00 - Km 589+600, do BQLDA ATGT làm chủ đầu tư, đơn vị thi công Xuân Trường và Công ty Đại Hiệp bị hằn lún, hư hỏng gần như toàn tuyến. Theo ông Minh, đoạn bị hằn lún hơn 2,5cm chiếm 22,9km/33,6km tổng chiều dài tuyến. Ban đã khắc phục được khoảng 15km (Km556-Km571) bằng việc cào tạo phẳng, cào bóc thảm lại bằng polymer, cào bóc tái chế thêm phụ gia xi măng. Tuy nhiên, hiện tượng hằn lún vẫn có dấu hiệu tái diễn.
Trong khi đó, đoạn từ Km571 - Km 589+600 do DN Xuân Trường thi công bị hằn lún rất nặng. Cục QLĐB 2 đã nhiều lần phát văn bản đôn đốc nhắc nhở nhà thầu nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục. “Nhiều đoạn hằn lún sâu từ 10 - 15cm, gây nguy hiểm cho người đi lại, nhất là với tuyến có lưu lượng phương tiện lớn như tuyến tránh thị xã Kỳ Anh”, lãnh đạo Cục QLĐB 2 cho biết.
Cũng theo lãnh đạo Cục QLĐB 2, đoạn tuyến này đã sửa chữa 6 lần, nhưng nhà thầu thi công là DN tư nhân Xuân Trường chỉ tham gia sửa chữa lần đầu tiên; sau đó họ không tham gia dù Ban đã nhiều lần có công văn chỉ đạo. Để đảm bảo an toàn, Ban đã dùng tiền tạm giữ bảo hành 5% theo hợp đồng để thuê đơn vị khác thực hiện sửa chữa.
Tại sao nhà thầu chây ì?
Trao đổi với PLVN, ông Nguyễn Hữu Long, nguyên Tổng Giám đốc BQLDA ATGT, đơn vị đại diện chủ đầu tư dự án nay bị hằn lún nghiêm trọng nhất cho biết, Bộ GTVT vừa có chương trình tiến hành đo đạc, khảo sát lại phần đường bị hư, lún. Với những phần lún trên 2,5 cm thì sẽ cạo đi, sửa lại; còn dưới 2,5 cm thì tạm thời để lại. Đây là cách sửa tạm thời. Tới đây sẽ sửa vĩnh viễn, bằng cách đào bỏ phần đó đi và thay mới vào.
Theo ông Long, hiện nay đang đưa ra khoảng 4-5 phương án sửa đường, tuy nhiên ông thừa nhận đến nay chưa có phương án tối ưu. “Đây là vấn đề khó. Cả ngành GTVT, các trường đại học ngành Giao thông cũng đã nghiên cứu, nhưng đến giờ chưa tìm được phương án tốt nhất”, ông Long nói.
Cũng theo ông Long, đại diện chủ đầu tư đã rất nghiêm khắc trong việc truy trách nhiệm nhà thầu, tuy nhiên nhà thầu này lại chây ì không hợp tác. “Chúng tôi phải giở hợp đồng ra, đưa nhà thầu khác vào để khắc phục sự cố lún. Ở các công trình khác, thấy sai thì nhà thầu sửa, nhưng nhà thầu này (DN Xuân Trường – PV) cứ ngang ngang, chây ì, không có trách nhiệm”, ông Long nói và cho biết, theo ông được biết thì quỹ bảo hành để thực hiện việc sửa chữa là khoảng từ 35 đến 37 tỷ đồng. “Do tôi đã chuyển công tác sang đơn vị khác nên tôi không biết quỹ này còn bao nhiêu”, ông Long nói.
Theo ông Long, DN tư nhân Xuân Trường chây ì, không chịu sửa chữa, khắc phục tình trạng hằn lún là do họ cho rằng trong quá trình làm ban đầu, xe tải trọng làm hỏng. “Tuy nhiên, vấn đề là kỹ thuật, nhựa đường, đá có đúng tiêu chuẩn không. Chuyện này phân tích thì nhiều vấn đề lắm”, ông Long cho biết thêm.
Để làm rõ những thông tin trên, phóng viên PLVN đã liên hệ bằng điện thoại với ông Nguyễn Văn Trường, Chủ tịch DN tư nhân Xuân Trường, tuy nhiên mọi nỗ lực đều không thành công.
Cấm cửa nhà thầu nếu không khắc phục
Liên quan đến việc hằn lún trên QL1, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã chỉ đạo các cục, ban liên quan cùng nhà thầu phải sửa chữa khắc phục xong trước khi kết thúc bảo hành. Nếu để kéo dài, nhà thầu và Ban phải chịu trách nhiệm làm tiếp. Chỉ khi đường được sửa xong, đảm bảo chất lượng mới được nghiệm thu, bàn giao. Nhà thầu nào cố tình không sửa chữa, Bộ sẽ nghiên cứu ban hành văn bản cấm cửa vĩnh viễn nhà thầu, không cho tham gia đấu thầu các dự án giao thông trên toàn quốc.
Tác giả: Minh Hữu
Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam