Quốc hội khóa XIV

Quốc hội đồng ý miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch với ông Nguyễn Sinh Hùng

Với đa số phiếu thuận, Quốc hội vừa thống nhất cho ông Nguyễn Sinh Hùng thôi giữ chức vụ Chủ tịch Quốc hội. Tuy nhiên, Nghị quyết về việc miễn nhiệm sẽ chỉ có hiệu lực sau khi Quốc hội bầu được Chủ tịch Quốc hội mới.

 Quốc hội thống nhất cho ông Nguyễn Sinh Hùng thôi giữ chức vụ Chủ tịch Quốc hội. (Ảnh: Quochoi.vn)

Quốc hội thống nhất cho ông Nguyễn Sinh Hùng thôi giữ chức vụ Chủ tịch Quốc hội. (Ảnh: Quochoi.vn)

Ông Huỳnh Văn Tí – Trưởng Ban kiểm phiếu đọc biên bản kiểm phiếu chiều 30/3 cho thấy, có 477 đại biểu có mặt và bỏ phiếu, trong đó có 431 phiếu tán thành, 42 phiếu không tán thành. Điều đó có nghĩa, Quốc hội đồng ý miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội đối với ông Nguyễn Sinh Hùng.

Nghị quyết của Quốc hội về việc miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng do Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày sau đó cũng được thông qua với tỷ lệ phiếu thuận đạt 93,72%. Vẫn có 4 đại biểu không tán thành (chiếm 0,81%).

Nghị quyết có một điều khoản đặc biệt là sẽ có hiệu lực sau khi Quốc hội bầu được Chủ tịch Quốc hội – Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia mới.

Như vậy, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tiếp tục điều hành Quốc hội cho đến hết ngày mai 31/3, khi Chủ tịch Quốc hội mới ra mắt Quốc hội, tuyên thệ nhậm chức. Nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIII ghi nhận có 2 Chủ tịch Quốc hội.

Ngay sau khi tuyên bố việc miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội đương nhiệm, Quốc hội bước vào nội dung thứ hai, trình nhân sự ứng cử Chủ tịch Quốc hội thay ông Nguyễn Sinh Hùng. Nội dung này Quốc hội họp riêng.

Được biết, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân vẫn là nhân sự duy nhất được giới thiệu ứng cử chức vụ Chủ tịch Quốc hội – Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia thay cho ông Nguyễn Sinh Hùng. Không có đại biểu nào tự ứng cử hoặc được giới thiệu ứng cử thêm. Theo nguyên tắc, khi là Đảng viên, kể cả trường hợp được đại biểu khác giới thiệu ứng cử, đại biểu Quốc hội cũng sẽ tự xin rút vì không được Đảng phân công ứng cử chức vụ đó.

Cuối giờ chiều, các đại biểu Quốc hội có thời gian thảo luận tại đoàn về việc bầu Chủ tịch Quốc hội mới. Sáng mai, 31/3, Quốc hội sẽ bỏ phiếu kín bầu người thay thế Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng. Nhiều khả năng, Quốc hội Việt Nam sẽ có nữ Chủ tịch đầu tiên trong lịch sử.

Tân Chủ tịch Quốc hội có 3 phút để tuyên thệ nhậm chức theo quy định.

Trước đó bên lề hành lang Quốc hội ngày 23/3, chia sẻ với các phóng viên báo chí về nhiệm kỳ đã qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, ông không còn trăn trở điều gì bởi có hai việc lớn thì ông đều đã “hoàn thành nhiệm vụ”.

Việc thứ nhất đó là những nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, nhân dân tin tưởng giao phó, ông nói “tôi đã cố gắng làm hết sức, tận tâm tận lực, từ rèn luyện và đào tạo bản thân, tự vượt qua được chính mình để làm tốt công việc”. Còn nhiệm vụ thứ hai đó là chuẩn bị người thay thế.

Ông cũng trải lòng, việc soạn thảo và ban hành Hiến pháp 2013 là kỷ niệm lớn nhất trong cuộc đời làm lãnh đạo cũng như nhiệm kỳ Chủ tịch Quốc hội của ông.

Ông Nguyễn Sinh Hùng sinh năm 1946, quê quán Kim Liên – Nam Đàn – Nghệ An, là Uỷ viên Trung ương Đảng khóa VIII, IX, X, XI; Ủy viên Bộ Chính trị khóa X, XI; Đại biểu Quốc hội khóa X, XI, XII, XIII.

Trước khi đảm nhiệm vị trí Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Quốc hội, ông Nguyễn Sinh Hùng là Bộ trưởng Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ…

P.Thảo

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP