Cuộc sống số

Quảng cáo ăn theo cụm từ ‘thật không thể tin nổi’ bùng nổ

“Thật không thể tin nổi” là câu nói nổi tiếng của Nguyễn Tử Quảng – CEO Bkav – trong buổi ra mắt Bphone. Nhiều cơ sở kinh doanh ăn theo câu nói này để quảng bá sản phẩm.

Trên fanpage một công ty bán lẻ lớn ở Việt Nam, “thật tuyệt vời – thật không thể tin được” là câu mở đầu của những dòng trạng thái giới thiệu sản phẩm. Số lượt tương tác của khách hàng với các mẩu tin bắt đầu bằng cụm từ trên nhiều hơn so với cách thể hiện thông thường.

Cách quảng bá sản phẩm ăn theo cụm từ trên được đơn vị kinh doanh thực hiện 2 ngày. Dù chưa đem về các đơn đặt hàng, song theo đại diện công ty, chiến dịch thu được hiệu ứng khá tốt. “Số người cập nhật, lượt like toàn trang và mục quảng cáo tăng lên đáng kể. Nhiều khách hàng tỏ ra thích thú và có đáp lại (bằng bình luận) dưới mục quảng cáo”, vị này chia sẻ.

Cũng ăn theo trào lưu, một doanh nghiệp dịch vụ ứng dụng taxi còn dùng cụm từ “không tin nổi” làm mã đăng nhập cho chương trình khuyến mại. Nếu nhập cụm từ nói trên làm mã gọi xe, khách có thể được giảm 30.000 đồng mỗi chuyến trong 4 lần đi.

Quảng cáo ăn theo cụm từ ‘thật không thể tin nổi’ bùng nổ
Câu nói “thật không thể tin nổi” của Nguyễn Tử Quảng được nhiều nơi ăn theo để quảng cáo sản phẩm. Ảnh: FB.

Chị Nguyễn Thảo, phụ trách bộ phận truyền thông doanh nghiệp, bày tỏ, cụm từ “không tin nổi” là cách tạo ấn tượng cho khách hàng về sản phẩm. Theo chị, câu nói trên mang ý nghĩa giải trí cao nên khách khá thích thú. So với hiệu ứng những chương trình khuyến mại khác áp dụng từ đầu năm, lần này, khách hàng phản ứng tốt hơn.

“Thật tuyệt vời. Không thể tin nổi” cũng là cụm từ được nhiều trang bán hàng thời trang, web tuyển dụng, fanpage người nổi tiếng… áp dụng. Theo các đơn vị này, tính hài hước của câu nói sẽ kích thích sự tò mò, thu hút khách hàng và tăng tương tác cho trang. Dù ít nhiều bị cộng đồng “ném đá” nhưng câu nói trên lại được khách hàng đều đón nhận theo chiều hướng tích cực, không ảnh hưởng đến thương hiệu kinh doanh.

Đại diện một đơn vị kinh doanh còn nói, so sánh sẽ thấy trào lưu này giống như những trường hợp trước đây các đơn vị kinh doanh ăn theo cụm từ “đắng lòng”, “anh không đòi quà” hay nhân vật Lệ Rơi. Vị này cho biết, việc ăn theo trào lưu trên tuy không đạt doanh thu xuất sắc nhưng đã tạo dấu ấn đặc biệt đối với khách hàng.

Thạc sĩ Nguyễn Phan Anh, chuyên gia e-marketing đánh giá, trào lưu marketing bằng cụm từ “thật không thể tin nổi” thể hiện sự nhanh nhạy của người kinh doanh. Theo ông, chiêu marketing nói trên ít nhiều sẽ thu hút sự quan tâm của cộng đồng, đặc biệt là nhóm khách hàng qua mạng xã hội. “Hiệu quả nhìn thấy được là bước đầu, các đơn vị áp dụng đã tạo được hiệu ứng đám đông”, ông bình luận.

Tuy nhiên, lạm dụng câu nói nổi tiếng cũng có thể gây ra những hiệu ứng ngược. “Nếu các cơ sở kinh doanh không ứng dụng linh hoạt khiến nội dung chiến dịch nhạt nhoà cũng sẽ không nhận được sự quan tâm”, ông nói.

Trên thực tế, cụm từ “không thể tin nổi” đã từng phổ biến trên các chiến dịch quảng cáo của hàng loạt nhãn hiệu trên thế giới. Năm 2014, tại Anh, một chiếc dịch mang tên “không thể tin nổi” của hãng nước ngọt có ga xuất hiện với mật độ dày đặc, tạo hiệu ứng tương đối tốt.

Ngọc Lan – Tô Đức

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP