Phiên xử được đánh giá là kỳ lạ nhất Hà Tĩnh vừa được mở tại TAND huyện Hương Khê khi Hội đồng xét xử phải dựa vào kết quả giám định huyết thống của bò để ra phán quyết.
Theo bản án, tháng 11/2015, con bò mẹ của gia đình ông Cương (nguyên đơn trú tại xã Phương Mỹ) sinh một con bê cái. Cưng chiều con vật, lão nông đặt tên là "chị đẹp", đem thả nuôi trong rừng cùng với nhiều đàn trâu, bò của các hộ dân trên địa bàn.
Năm 2017, ông Quyết (bị đơn) được nhà nước hỗ trợ tiền mua một con bê cái 6 tháng tuổi. Ông đem thả chung vào rừng sinh sống cùng với đàn bò của ông Cương. Vài tháng sau, con bê nhà ông Quyết bị mất không rõ lý do, mọi nỗ lực tìm kiếm đều bất thành.
Một ngày đầu tháng 8/2018, trong lúc đi rừng, ông Quyết thấy "chị đẹp" của gia đình ông Cương có nhiều đặc điểm giống với bê con thất lạc nhiều tháng trước của mình nên lùa về chuồng, nhốt lại nuôi. Thấy hàng xóm bắt bò không rõ lý do, ông Cương yêu cầu trả song bị khước từ.
Sự việc khiến hai gia đình sứt mẻ tình làng xóm. Ông Cương kiến nghị tới UBND xã Phương Mỹ nhờ giải quyết nhưng không nhận được câu trả lời thỏa đáng nên làm đơn khởi kiện ông Quyết lên TAND huyện Hương Khê, yêu cầu trả lại con bò.
Tòa án nhiều lần tổ chức hòa giải bất thành nên định giá con bò đang tranh chấp là 12 triệu đồng, đề nghị trước khi xét xử phải đưa đi xét nghiệm ADN, trưng cầu giám định huyết thống mẹ con giữa "chị đẹp" với hai bò mẹ liên quan (gồm bò mẹ của gia đình ông Cương và bò mẹ mà ông Quyết mua của một hộ dân trong huyện).
Tại phiên xử, ông Cương và Quyết ngồi chung một chiếc ghế song không ai hỏi nhau câu nào. Được tòa cho trình bày, ông Cương khẳng định con bò mà ông Quyết đang giành nuôi chính là "chị đẹp" được ông cưng chiều, "dù có thất lạc hàng chục năm cũng nhận ra, không thể lẫn vào đâu được".
Giọng gắt, ông Cương nói "chị đẹp" của ông có lông màu vàng, sừng ngắn, hai xoáy ở chính giữa trán và gần bụng. "Lúc nhỏ con bò có một mụn cóc bên trái, dù đã chữa lành nhưng vẫn còn sẹo. Trước khi thả vào rừng tôi còn cắt một nhúm lông đuôi để làm dấu, giờ vẫn còn nguyên", ông cho hay.
Ông Quyết giải thích "do tin vào linh cảm" khi xác định con vật này là của gia đình mình. Ông chỉ nhớ con bò có lông vàng đậm, lúc thả vào rừng có buộc dây vải xanh ở cổ làm dấu, nhưng giờ dấu không còn. "Trường hợp nếu không phải là bò của tôi thì mong tòa xét công chăn dắt trong thời gian giải quyết tranh chấp", ông Quyết đề nghị.
Ngồi phía dưới theo dõi, người nhà của hai bên nhiều lúc bật cười trước những tranh luận về con bò của hai lão nông. HĐXX cho rằng đây là tranh chấp hy hữu, để xác định bò thuộc về ai cần căn cứ kết quả giám định huyết thống của con vật.
Cầm bản giám định ADN của các con bò trên tay, chủ tọa nói: Kết quả xét nghiệm huyết thống hồi cuối tháng 2/2019 cho thấy, con bò đang tranh chấp có mối quan hệ huyết thống mẹ con với bò mẹ của gia đình ông Cương, khi 28/28 market được giám định có sự cho nhận.
Vì lẽ đó, tòa chấp nhận yêu cầu khởi kiện, công nhận con bò thuộc quyền sở hữu hợp pháp của ông Cương, buộc bị đơn phải trả lại "chị đẹp" cùng 11 triệu đồng tiền chi phí giám định ADN cho nguyên đơn. Ông Cương có trách nhiệm hoàn lại cho ông Quyết 1,8 triệu đồng tiền công nuôi trong thời gian 187 ngày tranh chấp.
Nghe xong phán quyết, ông Cương vui mừng, nói sau lần này sẽ rút kinh nghiệm, chăm sóc "chị đẹp" cẩn thận hơn. Ông Quyết không nói câu nào khi rời toà.
* Tên các nhân vật đã được thay đổi
Tác giả: Đức Hùng
Nguồn tin: Báo VnExpress