Tiềm ẩn từ các cơ sở nuôi tôm
Theo số liệu thống kê, Hà Tĩnh hiện có khoảng 6.793ha diện tích nuôi trồng thủy sản, với tổng số 17.975 cơ sở, gồm: 17.523 cơ sở nuôi nước mặt, 427 cơ sở nuôi lồng bè và 22 cơ sở sản xuất giống. Hoạt động nuôi trồng thủy sản đã góp phẩn giúp người dân, doanh nghiệp có hoạt động trong lĩnh vực này tăng thu nhập, kinh tế phát triển nhưng cũng từ đó đã phát sinh nhiều vấn đề về môi trường đáng lo ngại, đặt ra nhiều thách thức trong công tác quản lý.
Thanh Tra Sở TN&MT kiểm tra hoạt động tại cơ sở nuôi tôm trên cát ở huyện Nghi Xuân |
Đó là việc lạm dụng các loại hóa chất cấm, độc hại bị cấm sử dụng trong cải tạo và xử lý ao đầm; người dân cũng như doanh nghiệp chú tâm phát triển kinh tế mà chưa chú trọng công tác bảo vệ môi trường, như không tuân thủ thực hiện xây dựng, vận hành sử dụng các công trình xử lý chất thải và thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường đảm bảo…
Đáng chú ý là hoạt động gây ô nhiễm từ các cơ sở nuôi tôm, với các các hình thức nuôi như nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh, quảng canh, quảng canh cải tiến kết hợp, nuôi tôm trên cát,… Việc phát triển nhiều mô hình, mở rộng diện tích nuôi nhưng xem nhẹ những tác động xấu đến môi trường, thiếu giải pháp bảo vệ đã tạo nên áp lực nặng nề đối với môi trường trong thời gian qua.
Các cơ quan chuyên môn thuộc Sở TN&MT Hà Tĩnh lấy mẫu phân tích nguồn nước thải đã qua xử lý tại một cơ sở nuôi tôm |
Phân tích của Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Tĩnh chỉ ra rằng, quá trình chăn nuôi nhiều cơ sở sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, chất kháng sinh để xử lý bệnh cho tôm, không chỉ gây tác động xấu đến môi trường sản xuất mà còn làm ảnh hưởng đến môi trường sống xung quanh. Ngoài ra, vẫn còn tồn tại những cơ sở để xảy ra tình trạng bơm bùn thải trực tiếp ra các kênh nội đồng, thải nước trực tiếp ra các kênh thủy lợi hoặc xả trực tiếp ra biển khiến nguy cơ lây lan dịch bệnh, vừa gây ô nhiễm trực tiếp cho nguồn nước ngầm, nước mặt và gián tiếp ảnh hưởng đến môi trường sống cho người dân.
Không những vậy, các nguồn thải từ cơ sở nuôi trồng thủy sản không đảm bảo ra sông rạch đã tác động làm cho môi trường nước bị biến đổi. Chất thải trong nuôi trồng thủy sản chủ yếu là bùn thải chứa phân của các loài thủy sản, nguồn thức ăn dư thừa thối rữa bị phân hủy, các chất tồn dư của vật tư sử dụng như hóa chất, vôi, khoáng chất, lưu huỳnh lắng đọng… gây nguy cơ ô nhiễm hữu cơ cho nguồn nước xung quanh.
Hệ thống xử lý nước thải tại cơ sở nuôi tôm ở xã Xuân Đan, huyện Nghi Xuân được phát hiện không đảm bảo, yêu cầu tạm dừng hoạt động để khắc phục |
Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh về hiện trạng xử lý chất thải tại các dự án nuôi tôm trên cát hiện nay cho biết, đối với các cơ sở có công trình xử lý chất thải thì mỗi cơ sở chỉ bố trí 1-2 ao lắng để lắng lọc nước thải trước khi thải ra môi trường; một số vùng đã có hệ thống thu gom nước thải tập trung bằng đường ống bê tông trước khi thoát ra biển như vùng nuôi tôm 53 ha tại xã Cẩm Hòa, huyện Cẩm Xuyên. Ngoài ra, rất nhiều cơ sở không bố trí ao lắng hoặc ao lắng không đảm bảo khả năng chứa và lắng lọc nước thải, phổ biến ở các cơ sở nuôi tôm nhỏ lẻ, gây nguy cơ ô nhiễm môi trường cần phải kịp thời có giải pháp để chấn chỉnh.
Tiếp tục những giải pháp mạnh
Đánh giá của cơ quan chuyên môn, nhìn chung hiện nay việc xử lý nước thải nuôi trồng thủy sản trên địa bàn Hà Tĩnh là chưa đảm bảo, hầu hết các cơ sở chưa đầu tư các công trình xử lý nước thải theo đúng nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường, cam kết bảo vệ môi trường đã được phê duyệt. Theo đó, hậu quả để lại dự án hoặc hộ gia đình phải dừng nuôi, không còn hoạt động nữa, tác động xấu đến môi trường.
Đề cập đến vấn đề môi trường trong hoạt động nuôi trồng thủy sản, ông Hồ Huy Thành - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh, chia sẽ: “Đây là một trong những vấn đề trọng tâm của ngành, được tập trung xử lý trong năm nay. Để làm được việc đó, chúng tôi sẽ có kế hoạch thanh tra toàn bộ các cơ sở có hoạt động nhằm đánh giá về việc chấp hành bảo vệ môi trường, bên cạnh phát hiện sẽ áp dụng những chế tài đủ mạnh để chấn chỉnh những đơn vị cố tình vi phạm, chậm khắc phục… ”.
Thanh tra Sở TN&MT Hà Tĩnh phát hiện một cơ sở nuôi tôm xả thải trực tiếp ra môi trường biển |
Trên thực tế, những năm qua các cơ quan chức năng đã có những giải pháp tích cực để thực hiện công tác quản lý, kiểm tra đánh giá việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường tại các cơ sở, hộ gia đình nuôi trồng thủy sản, nhất là thời gian gần đây, có nhiều cơ sở nuôi trồng thủy sản đã bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, thậm chí yêu cầu tạm dừng hoạt động. Mặc dù vậy, ở một số địa phương trên địa bàn Hà Tĩnh vẫn còn tình trạng buông lỏng trong công tác quản lý.
Theo lời ông Đặng Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của ngành Tài nguyên và Môi trường tỉnh, đánh giá: “Sở TN&MT đã có những bước tiến đáng được ghi nhận trong năm qua, đặc biệt là việc kiểm soát vấn đề môi trường. Có những vụ việc vi phạm từ hoạt động nuôi trồng thủy sản được phát hiện, xử phạt gần nửa tỷ đồng, chưa từng có trong lịch sử xẩy ra ở địa phương. Năm 2019, tôi khuyến khích ngành TN&MT tiếp tục có những giải pháp mạnh như vậy để kiểm soát tốt hơn vấn môi trường…”.
Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong nuôi trồng thủy sản, theo đề xuất của Sở TN&MT Hà Tĩnh, ngoài sự nỗ lực trong công tác quản lý thì vấn đề ưu tiên và rất cần đó là ý thức và trách nhiệm của các tổ chức cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này đối với môi trường và việc tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Tác giả: Đức Cảnh
Nguồn tin: Báo Tài nguyên và Môi trường