Tin Hà Tĩnh

Phát triển chợ ở TX. Kỳ Anh: Đâu là giải pháp?

TX. Kỳ Anh (Hà Tĩnh) phấn đấu cán đích đô thị loại III, đô thị văn minh vào năm 2020. Tuy nhiên, bất cập trong công tác quản lý, quy hoạch chợ, việc quản lý trật tự đô thị trên địa bàn đòi hỏi thị xã phải có biện pháp mạnh để sớm hoàn thành mục tiêu đề ra

Bài 1: Nhiều bất cập

Trong khi chợ cóc, chợ tạm mọc lên như nấm, gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông thì nhiều chợ đầu tư tiền tỷ tại TX. Kỳ Anh lại vắng khách, đứng trước nguy cơ phải đóng cửa.

Chợ cóc, chợ tạm mọc lên như nấm

Hầu như xã, phường nào trên địa bàn TX. Kỳ Anh cũng có chợ cóc, chợ tạm, thậm chí có phường, xã có đến 2-3 chợ cùng mọc lên. Do các khu chợ này đều không được đầu tư bài bản nên tạm bợ, nhếch nhác, mất an toàn giao thông, gây ô nhiễm môi trường. Nguy hiểm hơn, các chợ cóc này nằm sát Quốc lộ 1A có lưu lượng phương tiện giao thông đông đúc, cảnh mua bán nhốn nháo khiến nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao.

Khi có mặt tại hiện trường các khu chợ cóc, PV ghi nhận thấy là cảnh tự ý chen lấn ra đường giao thông để kinh doanh, buôn bán. Các mặt hàng được tiểu thương bày bán rất đa dạng như quần áo, hàng rau, hoa quả, hải sản. Thậm chí, tại đây cũng là “lò mổ” quy mô nhỏ cho việc buôn bán cá, gà, vịt... Hành lang an toàn giao thông bị các vòm mái che cản trở, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân, nước thải từ các lò mổ, hàng bán tôm, cá bốc lên nồng nặc.

“Trên diện tích chưa đầy 13ha, với dân số 3.000 người nhưng phường Kỳ Liên lại có đến ba chợ, tôi thấy rất bất cập. Một khu chợ cóc có đến hơn 50 ki ốt bán đủ thứ đồ mà không có khu xử lý chất thải, xây dựng thì tạm bợ, nhếch nhác, lại sát khu dân cư khiến lúc nào cùng ồn ào, mất an ninh trật tự khiến chúng tôi rất lo lắng. Người dân đề nghị chính quyền có quy hoạch các chợ cóc về một chợ chính để đảm bảo an ninh, môi trường”, một người dân sống gần khu chợ cóc trên phường Kỳ Liên kiến nghị.

Năm 2015, chợ huyện Kỳ Anh được chuyển đến địa điểm mới, cách địa điểm cũ gần 2km. Mặc dù chợ cũ được dẹp bỏ, chợ mới được đầu tư xây dựng hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn chợ hạng 1 nhưng chỉ sau thời gian rất ngắn, chợ cũ lại “tái họp”. Người tham gia giao thông khi lưu thông trên Quốc lộ 1A qua khu vực chợ cũ TX Kỳ Anh thường xuyên bị ách tắc bởi việc họp chợ diễn ra ngay trên mặt đường nhiều người mua bán lộn xộn, người dừng đỗ xe tùy tiện.

Hàng ngày, vào khoảng 8 - 12 giờ, 16 - 19 giờ, khu vực này có hàng trăm người dân khắp nơi đổ về họp trên vỉa hè, dưới lòng đường. Trên trục đường chính dẫn vào các khu phố, nhà ở của dân cư được “tận dụng” tối đa diện tích để buôn bán, kinh doanh rau, củ, quả, hàng tạp hóa. Ngay phía sau, người dân tùy tiện tận dụng diện tích để bày bán bán tôm, cá, thực phẩm…

“Trước đây, cấm họp trên đường thì chúng tôi vào phía trong chợ. Sau một vài người ra đường bán nên nhiều người lại ra theo, biết là nguy hiểm nhưng bán ngoài này đông khách hơn”, một người bán hàng tại chợ cũ huyện Kỳ Anh cho hay.

Thường xuyên vắng khách, buôn bán ế ẩm là tình trạng chung các quầy hàng tại chợ Kỳ Anh, TX. Kỳ Anh.

Chợ tiền tỷ vắng người mua, kẻ bán

Mặc dù trên địa bàn TX. Kỳ Anh đã có những khu chợ được đầu tư bài bản với số vốn đầu tư không hề nhỏ, khang trang, sạch sẽ nhưng đang đứng trước nguy cơ phải đóng cửa vì không có người vào chợ.

“Chợ Kỳ Liên được đầu tư với số tiền 1,1 tỷ đồng, hoạt động từ năm 2013, từ đó đến khoảng năm 2017 thì rất đông đúc, nhộn nhịp. Thế nhưng, từ khi các chợ cóc vào hoạt động thì rất ít người vào chợ mua nữa. Nếu cứ để tình trạng thế này kéo dài thì chắc sẽ chẳng còn ai vào đây để bán”, một tiểu thương phản ánh.

Tương tự, năm 2015, chợ Kỳ Anh được UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp phép cho Công ty TNHH xuất nhập khẩu Châu Tuấn đầu tư 160 tỷ đồng xây dựng tại vị trí mới thay thế chợ cũ cách đó 2,1km.

Một khu chợ được đầu tư hàng trăm tỷ đồng, với gần 400 gian hàng nhưng lèo tèo được mươi khách vãng lai. Hàng trăm tiểu thương soạn hàng ra rồi ngồi nói chuyện phiếm. Người lướt điện thoại, kẻ ngủ gật, người buồn bã ngồi xa xăm. Thậm chí có nhiều ki ốt hàng bày la liệt nhưng chủ ốt bỏ mặc đi đâu không rõ vì vắng khách nên cũng không muốn bán buôn gì.

“Chợ mới đã được xây dựng khang trang nhưng tại khu vực xung quanh chợ cũ, người dân vẫn buôn bán một cách sầm uất, cả trên vỉa hè, thậm chí ngay trên lòng đường nhưng các cơ quan chức năng không có biện pháp xử lý cứng rắn, ảnh hưởng phần nào đến lượng khách tại chợ mới”, ông Long, tiểu thương chợ mới Kỳ Anh nói.

Bài 2: Loay hoay tìm giải pháp

Tác giả: Trà Giang

Nguồn tin: Báo Kinh tế nông thôn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP