Mấy ngày qua, dư luận hoang mang khi báo điện tử Người Đưa Tin đăng tải thông tin hàng trăm tấn chất thải đen như bùn của Formosabí mật chôn trong trang trại của ông Giám đốc công ty môi trường đô thị, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh).
Trong khi các cơ quan chức năng đang khẩn trương điều tra làm rõ sự việc thì một sự việc vô cùng khó hiểu lại xảy ra. Đó là các đập ở thượng nguồn sông Trí thuộc địa phận Thị xã Kỳ Anh (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) bất ngờ xả lũ. Điều này khiến người dân dấy lên sự hoài nghi.
Xả nước bất thường tại đập sông Trí (Hà Tĩnh). |
Nhiều người cho rằng, việc xả lũ cường độ mạnh như vậy sẽ khiếnnhững chất độc từ chất thải bị chôn của Formosa sẽ lan rộng,ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và môi trường.
Liên quan đến vấn đề này, PV báo điện tử Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với GS. TSKH Lê Huy Bá, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý môi trường (ĐH Công nghiệp TP.HCM).
GS. TSKH Lê Huy Bá đề nghị xử lý nghiêm việc chôn chất thải của Formosa Hà Tĩnh. |
Đánh giá về việc Formosa chôn chất thải công nghiệp xuống đất gây bức xúc dư luận, GS. TSKH Lê Huy Bá lắc đầu ngao ngán: “Formosa đã hủy hoại môi trường biển giờ lại hủy hoại tiếp môi trường đất thì người dân sống ở đâu? Không thể chấp nhận được hành động cố ý vi phạm nghiêm trọng của Formosa về môi trường trên đất Việt Nam.
Trong chất bùn thải công nghiệp đó còn có các kim loại nặng. Ngoài ra còn có rất nhiều hóa chất nguy hại khác mà nhà máy súc rửa đường ống xả. Thậm chí, trong bảng danh sách các chất súc rửa Formosa nhập về còn có các chất cực độc”.
Trước việc các đập đang xả nước, GS. TSKH Lê Huy Bá tỏ ra lo ngại và cảnh báo: “Xả nước ở thượng nguồn có thể khiến các hóa chất độc hại từ hàng trăm tấn chất thải của Formosa đang chôn dưới đất sẽ lan nhanh chóng và ngấm vào mạch nước ngầm.
Nước cuốn theo chất độc sẽ ngấm rất nhanh xuống mạch nước ngầm. Chảy đến đâu bề mặt sẽ nhiễm độc đến đó. Tất cả hoa màu, cây trái, sức khỏe của người dân bị đe dọa. Nước lại tiếp tục chảy ra biển và rất có thể biển lại thêm một lần nữa nhiễm độc.
Việc xả nước đón lũ có đúng quy trình hay không đang diễn ra tại Kỳ Anh thì các cơ quan chức năng phải làm rõ. Nhưng trước khi xác minh được thì điều đầu tiên phải dừng xả lũ ngay. Tránh để các chất độc lan rộng”.
GS. TSKH Lê Bá Huy cũng nhấn mạnh: “Chất độc sẽ ngấm sâu vào trong đất theo nước nên việc xử lý sẽ rất khó khăn, phức tạp và vô cùng tốn kém. Thậm chí muốn xử lý triệt để sẽ phải mất rất nhiều năm, trải qua nhiều thế hệ. Và thế hệ con cháu chúng ta sẽ phải gánh hậu quả”.
Vị chuyên gia này cũng thẳng thắn thừa nhận, khó có thể đánh giá hết tác động trước việc xả thải và chôn chất thải của Formosa đối với môi trường Việt Nam.
Nhắc đến vụ việc chôn chất thải công nghiệp của Formosa và Công ty Môi trường Đô thị, thị xã Kỳ Anh, GS. TSKH Lê Huy Bá cho rằng: “Cả bên nhận và bên giao xử lý chất thải đều vi phạm nghiêm trọng trong việc xử lý chất thải công nghiệp chưa qua xử lý. Họ đã vi phạm nghiêm trọng, biết xả thải sai mà cố ý vi phạm là hành vi hủy hoại môi trường.
Hàng trăm tấn chất thải từ Formosa gặp nước xả lũ hậu họa sẽ khôn lường. |
Và đã là cố ý thì phải xử lý thật nghiêm, cần thiết có thể xử lý hình sự. Qua vụ việc này có thể thấy trách nhiệm quản lý về môi trường từ Bộ Tài nguyên và Môi trường đến các sở và các cơ quan chức năng liên quan rất lỏng lẻo, nhiều kẽ hở, thậm chí có hiện tượng tiếp tay, bao che, bảo kê cho vi phạm về môi trường”.
Vũ Phương