Trong nước

‘Phải minh bạch, quyết liệt trong vụ việc Thứ trưởng Kim Thoa’

Ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, vụ việc báo chí nêu về khối tài sản của bà Hồ Thị Kim Thoa đã công khai, chắc chắn sẽ có cách làm phù hợp.

Ngay sau khi báo chí có nhiều bài viết nêu hàng loạt câu hỏi liên quan tới khối tài sản lớn của Thứ trưởng bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa và gia đình, Văn phòng Trung ương Đảng đã ra thông báo ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về vấn đề này.

Theo đó, Tổng Bí thư yêu cầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì, phối hợp với ban Tổ chức Trung ương, ban Nội chính Trung ương, ban Cán sự đảng: bộ Kế hoạch và Đầu tư, bộ Tài chính, bộ Công Thương, Thanh tra Chính phủ khẩn trương kiểm tra, thanh tra, xem xét, kết luận những nội dung mà các bài báo đã nêu và những vấn đề khác có liên quan và sớm báo cáo kết quả với Ban Bí thư.

PV báo Người đưa tin đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam xung quanh sự việc này.

Trước những vấn đề báo chí và dư luận đề cập, bộ Công Thương lý giải thì tài sản của bà Thoa kê khai “đúng quy trình”, nội dung này xem ra chưa khiến dư luận hài lòng, ông suy nghĩ như thế nào về việc này?

Chắc chắn hàng chục triệu người dân và hàng triệu đảng viên chân chính cũng đang mong mỏi các cấp chính quyền có trách nhiệm sớm làm rõ đúng – sai. Bởi đây không còn là vấn đề cá nhân bà Thoa. Theo thông tin bộ Công Thương lý giải thì sự giàu có của bà Thoa theo kê khai là “đúng quy trình”. Chưa nói đến đúng, sai, nhưng làm quan chức mà giàu có thì rất cần phải công khai và minh bạch khối tài sản đó trước Đảng, trước nhân dân.

Đó là một đòi hỏi chính đáng! Và cũng là một việc làm cần thiết của các cơ quan chức năng của Đảng và Nhà nước. Nhất là tại thời điểm này, phải nói rằng, chưa bao giờ công tác chống tham nhũng, tiêu cực lại cấp bách như hiện nay. Chính quyền, dư luận, báo chí đã nêu, thì chắc chắn phải có lý do, có cơ sở.

Theo ông thì việc Tổng Bí thư trực tiếp chỉ đạo trong những vụ việc chống tham nhũng vừa qua có ý nghĩa như thế nào?

Việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trực tiếp chỉ đạo thể hiện quyết tâm cao, bởi Tổng Bí thư còn là Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng. Chưa có nhiệm kỳ nào mà Tổng Bí thư làm Trưởng ban Chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng.

Sự suy thoái, biến chất, cửa quyền, kéo bè, kéo cánh, chạy chức, chạy quyền, chạy tội; nạn đồng hương “đồng khói”, họ mạc; đưa con, đưa cháu vào các vị trí bất chấp họ có làm được việc hay không; vơ vét của công, sách nhiễu người dân… đang trở thành những căn bệnh vô cùng nguy hại, phát tán không chỉ ở cấp địa phương mà cả ở Trung ương; không chỉ ở những cán bộ cấp dưới mà cả cán bộ cấp cao.

Những căn bệnh này đang làm xói mòn lòng tin của người dân vào Đảng. Vì vậy, việc Tổng Bí thư gióng hồi trống chống tham nhũng đã đáp ứng được lòng mong mỏi của người dân.

Tại sao chỉ khi xảy ra vụ việc nào đó, mới vỡ lở ra cá nhân đó có bao nhiêu nhà, bao nhiêu tài sản… Điều đó chứng tỏ người ta kê khai nhưng chưa xác minh nghiêm túc?

Thẳng thắn mà nói, việc minh bạch kê khai tài sản từ trước đến nay vẫn còn mang nặng tính hình thức vì các cơ quan, tổ chức và cá nhân có thẩm quyền chưa chủ động trong việc tiến hành xác minh tài sản của cán bộ, công chức và đảng viên. Các bản kê khai chỉ được xác minh khi có sự nghi ngờ tính chính xác của các thông tin này; khi cần phải thu thập thêm thông tin cho việc bầu cử, bổ nhiệm, bãi nhiệm hay kỷ luật một cán bộ công chức; khi có cơ sở cho rằng, việc giải thích nguồn gốc tài sản tăng thêm là không hợp lý hoặc theo yêu cầu cụ thể của một cơ quan có thẩm quyền.

Có ý kiến đưa ra, cần đình chỉ chức vụ và ngừng phân công công việc mới cho bà Hồ Thị Kim Thoa để dành thời gian làm việc với đoàn kiểm tra, làm rõ những thông tin theo yêu cầu của Tổng Bí thư, ông nghĩ sao?

Tất nhiên, quan chức có tài sản hàng trăm tỷ đồng như vậy, người ta có quyền đặt ra những nghi ngờ.

Điều bản thân tôi cũng như dư luận quan tâm đó là, theo thông tin bộ Công Thương lý giải thì sự giàu có của bà Thoa theo kê khai là “đúng quy trình” vậy tại sao bà Thoa lại có tài sản lớn đến như vậy và liệu có vấn đề lợi dụng chức vụ quyền hạn thâu tóm lợi ích nhóm hay lợi dụng cổ phần hóa để sở hữu cổ phần?…

Nếu giải trình về tài sản, phải nhấn mạnh các vấn đề như: Trước khi làm Tổng giám đốc Điện Quang, tài sản của bà như thế nào? Sau khi làm Tổng giám đốc thì giàu lên từ những nguồn nào? Và, hiện nay tài sản của bà, mẹ của bà, em của bà, con gái của bà do đâu mà có? Thứ nhất là số tiền đó như thế nào. Thứ hai là quá trình một số người thân nắm công ty có đúng quy trình của một doanh nghiệp không?

Thời kỳ đổi mới, cổ phần hóa hơn chục năm trước hình thành nên nhiều người giàu, có người giàu bằng con đường tham ô, tham nhũng, có những trường hợp hợp thức hóa các chủ trương, quy định của Đảng, Nhà nước. Vậy trường hợp bà Thoa thế nào, cần mổ xẻ xem đúng sai ra sao?

Vụ việc đã công khai, chắc chắn sẽ có cách làm phù hợp. Cần làm từng bước một, đừng vội vàng, chưa chắc đã có kết quả tốt. Tuyệt đối không nên suy luận, cần làm rõ trên cơ sở thực tế, không quy chụp, đánh giá một cách đơn giản.

Tuy nhiên cần minh bạch, quyết liệt, tích cực. Điều quan trọng hơn cả là tới đây, các cơ quan vào cuộc có quyết liệt và nghiêm túc hay không?

Về ý kiến của cá nhân tôi, thiết nghĩ “dụng người như dụng mộc”. Tôi giả sử, nếu đúng như bộ Công Thương lý giải thì tài sản của bà Thoa theo kê khai là “đúng quy trình”. Vậy có nên bố trí một người kinh doanh tài giỏi như vậy ở cương vị như hiện nay hay không? Ai làm tốt việc gì thì dụng vào việc đó sẽ cho hiệu quả tốt nhất.

Nhiều vụ án tham nhũng được xét xử, tuy nhiên, vẫn còn có những vụ án, nhất là các vụ án tham nhũng có dư luận đánh giá chưa tốt như việc đưa ra xét xử ít, mức án còn nhẹ. Vậy theo ông, có giải pháp nào khắc phục tình trạng này?

Điều mà dư luận quan tâm lúc này là liệu đây có phải là trường hợp đơn lẻ, cá biệt, hay còn nhiều người khác, to hơn, bé hơn trong bộ máy lãnh đạo cũng giàu có không kém, chỉ có điều chưa được “sờ” đến?

Những tiêu cực trong công tác cán bộ cũng từ chuyện tham nhũng mà ra. Vì thế, phải chống tham nhũng triệt để hơn nữa. Và theo tôi, việc xử lý những trường hợp như Trịnh Xuân Thanh… cũng mới chỉ là xử lý phần ngọn. Nếu muốn triệt để, phải phòng từ gốc, không để xảy ra chuyện mới xử lý.

Rõ ràng, phải siết chặt lại công tác cán bộ ở tất cả các khâu. Có thể khi lựa chọn cán bộ, chúng ta chọn được người tốt nhưng trong quá trình công tác, khi đã có quyền lực trong tay, có người lại bị tha hóa, hư hỏng. Như vậy, lựa chọn tốt không thôi chưa đủ, mà phải làm tốt cả khâu giáo dục, rèn luyện và bồi dưỡng cán bộ.

Tóm lại, phải làm tốt cả quy trình: Từ tuyển chọn sử dụng, quản lý, kiểm tra, phải làm đồng bộ thì mới đảm bảo. Đảng đang cố gắng làm tốt Nghị quyết 12, hãy làm tốt, làm sớm, không loại trừ một ai, không có vùng cấm.

Tổng Bí thư đã gióng trống. Chúng ta, các cơ quan liên quan nhất định phải đánh trống tiếp, phải quyết liệt, đến nơi đến chốn. Có như vậy mới lấy được lòng tin từ dân. Cần loại bỏ sâu mọt của Đảng, dân mới yêu Đảng, tin Đảng.

Trân trọng cảm ơn ông!

Bích Hường (thực hiện)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP