Chuyện khó tin

Panama Papers: Âm mưu hoàn hảo để hủy diệt danh tiếng Tổng thống Nga

Thế giới đầu tuần rúng động bởi cái gọi là Panama Papers, một bản danh sách tố hơn 140 nhân vật quyền lực bậc nhất thế giới liên quan đến các vụ trốn thuế và che giấu tài sản ở nước ngoài. Đặc biệt, trong danh sách này có cả tên Tổng thống Nga Putin.

Panama Papers là gì?

Bên ngoài trụ sở Công ty luật Mossack Fosenca đóng tại Panama. Ảnh: Reuters.

Panama Papers là tên gọi của một vụ rò rỉ tài liệu mật được cho là lớn nhất thế giới cho đến nay. Nó liên quan đến hơn 11 triệu tập tin bí mật, có dung lượng lên đến 2,6 terabyte, bao gồm các thư điện tử, các dữ liệu định dạng pdf,… trong khoảng thời gian từ năm 1970 cho đến đầu năm 2016. Số tài liệu này còn lớn hơn cả các dữ liệu của Wikileaks Cablegate, Offshore Leaks, Lux Leaks, và Swiss Leaks gộp lại.

Panama Papers nhắc đến tư liệu thuộc một công ty luật có tên là Mossack Fosenca đóng trụ sở tại Panama và hàng chục chi nhánh ở khắp nơi trên thế giới. Công ty này gần đây đã tìm đến ICIJ, tập hợp ký giả quốc tế chuyên về điều tra, để giúp sàng lọc khối dữ liệu khổng lồ.

Theo thông tin từ truyền thông thế giới, Panama Papers cung cấp những thông tin về các hoạt động rửa tiền, trốn thuế và né tránh lệnh trừng phạt của nhiều nhà cựu lãnh đạo, cũng như các lãnh đạo hiện đang nắm quyền, các ngôi sao giải trí và nhân vật tiếng tăm khác với sự giúp đỡ của những công ty mang vỏ bọc nước ngoài.

Tại sao lại là những cái tên quá đặc biệt?

Tờ Guardian của Anh ngày 3/4 đưa tin, Panama Papers hết sức đặc biệt và rúng động trên toàn thế giới bởi nó liên quan đến các nhân vật quá lớn: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, các bộ trưởng của Iceland, Pakistan, Quốc vương Ả Rập Saudi, Tổng thống Ukaine, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Argentina, cha ruột của Thủ tướng Anh, gia đình Tổng thống Azerbaijan, họ hàng Tổng thống Syria và cả thân cận của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

hatinh
Tổng thống Nga Vladimir Putin, danh thủ bóng đá Lion Messi là những cái tên lớn trong vụ bê bối Panama Papers.

Tuy nhiên, điều đặc biệt của “những cái tên khổng lồ” là hầu như không có nhân vật phương Tây nào đáng kể ngoài cha ruột của Thủ tướng Anh. Ông Ian Cameron vốn dĩ không phải là người thực sự có ảnh hưởng sâu rộng, hơn nữa, ông cũng đã qua đời vào năm 2010. Những tư liệu về quỹ đầu tư  Blairmore Holdings của ông Ian Cameron và hành trình trốn thuế đều từ những năm trước khi con trai ông trở thành nhân vật quyền lực thế giới, cách đây hơn 30 năm.

Câu hỏi được đặt ra liệu có phải bởi những ông lớn phương Tây không có ai liên quan đến các vụ bê bối thuế lớn nhất hành tinh này? Hay bởi đằng sau đó là câu chuyện truyền thông nhằm đánh bại các đối thủ của phương Tây? Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin, quốc vương Ả Rập Xê út, Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đều không phải là những cái tên thân thiện với phương Tây. Một giả thuyết được đặt ra, liệu đây có phải là một âm mưu nhằm hạ bệ uy tín của các đối thủ mà phương Tây đang đối đầu, đặc biệt là Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Nga đã biết trước?

Ngày 28/3, Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov đưa ra một thông cáo báo chí, theo đó cáo buộc nhiều tổ chức nước ngoài đang cố gây xáo trộn và làm mất uy tín của Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng như những người thân cận với ông.

Người cha quá cố của Thủ tướng Anh David Cameron, ông Ian Cameron, là cái tên phương Tây lớn duy nhất được nhắc đến trong Panama Papers tính cho đến nay.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng, một số tổ chức, cơ quan an ninh và truyền thông nước ngoài đang tiến hành các chiến dịch nhằm can thiệp vào cuộc bầu cử quốc hội sắp tới của Nga để gây ảnh hưởng tới tình hình nước Nga.

Ông nói: “Họ đang tiếp tục gây ảnh hưởng đến đất nước chúng ta, họ tiếp tục làm xáo trộn đất nước chúng ta”. Theo ông, mục đích đầu tiên và quan trọng nhất của các tổ chức này là “làm mất uy tín của ông Putin” trong bối cảnh nước Nga sẽ tổ chức bầu cử quốc hội vào tháng 9/2016.

Theo ông Peskov, Hiệp hội các Nhà báo điều tra (International Consortium of Investigative Journalists – ICIJ), có trụ sở tại Mỹ, đã soi mói vào cuộc sống riêng tư, gia đình và bạn bè của ông Putin. Ông tố cáo ICIJ đang chuẩn bị “một cuộc tấn công thông tin” để bôi nhọ ông Putin. Ông Peskov cảnh báo, điện Kremlin đã sẵn sàng chống lại những âm mưu trên và có thể kiện các nhà báo về tội phỉ báng nếu họ đưa thông tin dối trá về ông Putin.

Một tuần sau cảnh báo này, ICIJ, thông qua báo chí phương Tây, cụ thể là tờ Sueddeutsche Zeitung của Đức mở màn cho loạt bài của truyền thông thế giới “phanh phui” vụ bê bối khổng lồ này. Và không hẳn ngạc nhiên khi truyền thông phương Tây giật tiêu đề cho các bài báo của mình nhắm vào nhà lãnh đạo người Nga, giống như những gì phát ngôn viên điện Kremlin đã cảnh báo trước đó.

Một cuộc chiến chống Nga toàn diện đang xảy ra?

Khó có thể kết luận Panama Papers là một chiến dịch toàn diện nhắm vào việc hạ bệ nhà lãnh đạo Nga cũng như làm mất uy tín của nước Nga trên trường thế giới. Tuy nhiên, không thể không đặt câu hỏi về thời điểm vụ bê bối này được tung ra hiện nay.

Nhiều chuyên gia trung lập trên thế giới từng nhận định, phương Tây đang cố hết sức để đánh bại vai trò ngày càng lớn của Nga trong việc giải quyết các điểm nóng xung đột hiện nay.

Theo những người này, khủng hoảng Ukraine đầu năm 2014 là mồi lửa lớn nhất nhằm đốt cháy ảnh hưởng của Nga đang lớn dần ở châu Âu. Người phương Tây đã kích động và trợ cấp cho phong trào Maidan phá hoại chính quyền Tổng thống Viktor Yanukovich vốn dĩ thân Nga, phá vỡ mối liên hệ mật thiết giữa Kiev và Moscow.

Khi ông Yanukovich bị phế truất, chính phủ của Tổng thống Petro Poroshenko được dựng lên không những không giúp Ukraine thoát khỏi cuộc khủng hoảng và nội chiến mà còn làm nền kinh tế nước này kiệt quệ hơn. Lời hứa đưa Ukraine vào khối liên minh châu Âu đã bị phá vỡ, cả lời hứa trợ cấp kinh tế đến nay chỉ được phương Tây nhỏ giọt. Kiev cắt đứt quan hệ với Moscow nhưng cũng không thể gần EU hơn được như mong đợi. Mục đích cô lập Nga của phương Tây dần bị thất bại, bởi người Nga đã chứng minh cho họ thấy vai trò của mình đối với việc cân bằng trục thế giới.

Điều này tiếp tục được Nga khẳng định qua những chiến thắng liên tục của họ tại chiến trường Syria. Phương Tây, dẫn đầu là Mỹ, đã chật vật với cuộc chiến chống lại lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trong suốt nhiều năm mà không có được một chiến thắng cụ thể nào. Tháng 9/2015, Nga tiến hành các cuộc không kích nhắm thẳng vào các sào huyệt của IS ở Syria một cách không khoan nhượng. Tháng 3/2016, chiến thắng mang tính biểu tượng của Nga tại thành phố cổ Palmyra, Syria đã nói lên tất cả. Người phương Tây im lặng sau chiến thắng này, mặc dù họ biết, Nga đã làm được nhiều hơn những gì họ đã làm trong suốt 5 năm nội chiến ở Syria. Phương Tây không muốn công nhận chiến thắng của Nga, nhưng cuối cùng họ phải làm điều đó trong lặng lẽ.

Vị thế của Nga là một vấn đề lớn với Mỹ cũng như liên minh châu Âu. Một âm mưu hạ bệ uy tín nước Nga, làm giảm ảnh hưởng của Nga trên thế giới không phải là điều khó tưởng tượng. Trong thông báo của mình hồi cuối tháng Ba, Phát ngôn viên điện Kremli Peskov cũng đã nói, các tổ chức nước ngoài đang cố tình bôi nhọ uy tín của Tổng thống Nga trước kỳ bầu cử quốc hội sắp tới, tạo cho các tổ chức dân chủ ở Nga những mục tiêu tấn công chính trị và giảm phiếu bầu cho đảng Nước Nga thống nhất của ông Putin.

Sóng gió giữa Azerbaijan và Armenia, hai quốc gia thuộc Liên Xô cũ và hiện vẫn nằm trong vùng ảnh hưởng của Nga ở vùng Karabakh, cũng là sự kiện có thể khiến Moscow phải phân tán lực lượng cũng như sự tập trung của mình ở Syria.

Quan hệ giữa Armenia và Azerbaijan trở nên xấu đi vào cuối thập niên 1980, bởi khu vực Nagorno-Karabakh, vùng lãnh thổ thuộc về Azerbaijan từ trước khi Liên Xô tan rã có dân số chủ yếu là người Armenia.

Từ năm 1991 đến 1994, xung đột đã trở thành một cuộc chiến tranh quy mô lớn nhằm giành quyền kiểm soát khu vực này. Hàng triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa và đã có đến 30.000 người thiệt mạng, trước khi một lệnh ngừng bắn được hai bên thông qua vào tháng 5/1994, qua đó thành lập một nhà nước Nagorno-Karabakh tự xưng trực thuộc Azerbaijan.

Phó Chủ tịch Hạ viện Nga Sergei Zheleznyak cho biết, nhiều khả năng một “thế lực thứ ba” đang đứng đằng sau cuộc xung đột vũ trang đang diễn ra tại khu vực Nagorno-Karabakh.

“Có thể thấy rằng một thế lực nào đó đang cố ý thổi bùng ngọn lửa chiến tranh tại vùng Trung Đông, Trung Á và Caucasus do cảm thấy tức tối trước những nỗ lực gìn giữ hòa bình và các chiến dịch chống khủng bố thành công mà Nga đang tiến hành. Hiện các nước đồng minh của Nga đang tỏ ra lo ngại trước sự leo thang xung đột ở khu vực Nagorno-Karabakh”, ông Zhaleznyak viết trên trang Facebook cá nhân của mình.

Cũng theo vị Phó Chủ tịch Hạ viện Nga, “cả Azerbaijan hay Armenia đều không muốn leo thang căng thẳng vào thời điểm này” và nói thêm, “rất có khả năng cuộc xung đột này là do một thế lực thứ ba gây ra”.

“Đó là lý do Nga kêu gọi Armenia và Azerbaijan hãy ngừng bắn và không để mình rơi vào bẫy của bất kỳ một tổ chức nào”, ông Zheleznyak viết. Ông còn cho biết, “Nga sẽ làm hết sức để xoa dịu xung đột ở vùng Caucasus. Tôi hi vọng những cái đầu tỉnh táo sẽ chiến thắng những cảm xúc tiêu cực”.

Chỉ rất ít thông tin chi tiết từ 11 triệu tập tin giữ liệu Panama Papers, các nhà điều tra của các nước trên thế giới sẽ còn phải đau đầu trong nhiều năm để giải mã hết và đưa ra được kết luận chính xác liệu thực sự có sự liên quan nào giữa công ty luật tai tiếng này với các nhà lãnh đạo thế giới được nhắc tên.

Đến nay, người ta chỉ mới xác nhận sự liên quan đến ông Putin chỉ mới dừng lại ở “một người bạn đại học lâu năm”. Vì thế, khó có thể kết luận Panama Papers là một kế hoạch hoàn hảo nhắm vào nhà lãnh đạo Nga. Nước Nga sẽ phản ứng như thế nào với những thông tin chấn động này và thế giới sẽ bình luận gì về Panama Papers vẫn còn là câu chuyện dài tốn giấy mực trong những ngày sắp tới.

Phan Sương

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP