Lãnh đạo Trạm Cảnh sát giao thông Ngọc Hồi (Kon Tum) cho biết đến tối 30/3, cơ quan chức năng mới giải tỏa hoàn tất hiện trường xe bồn lật chắn ngang đường bốc cháy trên đèo Lò Xo (huyện Đăk Glei). Đây là vụ cháy xe thứ tư trong ba tháng đầu năm nay ở cung đường đèo này.
Hiện trường vụ cháy xe bồn chở xăng dầu trên đèo Lò Xo chiều tối 30/3. Ảnh: V.H.
Kết quả điều tra ban đầu, vụ lật xe bồn chở dầu khiến lái xe Nguyễn Văn Tư và phụ xe Nguyễn Đắc Phước bị thương. Trong đó, anh Phước bị thương nặng đã tử vong trên đường đưa đi cấp cứu. Vụ cháy xe bồn gây ách tắc giao thông nhiều giờ trên đèo Lò Xo.
Trước đó, ngày 3/2, xe khách giường nằm loại 42 chỗ đi từ hướng Kon Tum về Đà Nẵng do tài xế Thái Văn Lợi (ngụ Gia Lai) lái xe đi trên đèo Lò Xo qua xã Phước Xuân, huyện Phước Sơn (Quảng Nam) bất ngờ gặp sự cố, cháy rụi. Rất may hàng chục hành khách kịp thoát ra ngoài nên không thương vong. Tiếp đó, ngày 4/2, một xe container cũng đã bốc cháy khi đi qua đèo Lò Xo.
Bốn ngày sau, sáng 8/2, một xe khách giường nằm đang chạy trên đèo Lò Xo khi đi qua huyện Phước Sơn (Quảng Nam) thì bất ngờ bị bốc cháy dữ dội. Rất may hành khách và tài xế kịp thoát ra ngoài trước khi xe bị lửa thiêu rụi.
Khám nghiệm hiện trường các vụ cháy xe trong tháng 2 nơi đây, cảnh sát ghi nhận hầu hết vụ tai nạn cháy ôtô trên đèo Lò Xo có điểm phát lửa xảy ra từ hệ thống phanh. Theo đó, xe container phát cháy từ phanh xe trục sau, còn các ôtô khách giường nằm phát lửa từ phanh của hai bánh trước.
Hiện trường sau khi ôtô khách đâm đầu vào đuôi xe container cứu 30 hành khách trên đèo Lò Xo. Ảnh: Trong Nghi.
Đại tá Lê Đình Toàn, Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông tỉnh Kon Tum, cho hay đèo Lò Xo là đường xấu, dốc dài quanh co, không có trạm dừng chân… là những yếu tố khách quan buộc lái xe thường xuyên đạp phanh quá nên phát ra lượng nhiệt lớn dễ gây ra cháy.
Đại tá Toàn đề xuất, nếu xây được điểm dừng chân trên đèo để lái xe có thể hiệu chỉnh các thiết bị trước khi cho xe lưu thông trên đoạn đường hiểm trở thì nguy cơ xảy ra tai nạn hay cháy nổ sẽ giảm thiểu rất nhiều. Nhận thấy đèo Lò Xo là đoạn đường nguy hiểm thường xảy ra tai nạn giao thông nên Phòng đã cử một tổ phụ trách vừa tuần tra, kiểm soát, vừa nhắc nhở lái xe cẩn trọng.
Để giảm thiểu tai nạn qua khu vực đèo Lò Xo, các hãng xe khi đưa phương tiện vào lưu hành phải được kiểm tra chặt chẽ. Trong quá trình lưu thông, nhà xe, lái xe phải chú ý công tác bảo dưỡng, kiểm tra kỹ hệ thống thắng (phanh), hệ thống phòng cháy chữa cháy trên xe. Việc sắp xếp hàng hóa trong khoang xe, những vật dụng dễ phát sinh nguồn nhiệt cần bố trí riêng, vật dễ cháy nổ phải được xe chuyên dụng vận chuyển…
Lái xe khách đâm vào đuôi container cứu 30 hành khách
Rạng sáng 23/2, xe chở hơn 30 hành khách đang đổ đèo Lò Xo thì bỗng dưng mất phanh. Vụ tai nạn xảy ra trên quốc lộ 14 (còn gọi là đường Hồ Chí Minh), xã Đăk Man, huyện Đăk Glei.
Phát hiện xe đầu kéo container do anh Phạm Ngọc Đắc (33 tuổi, ngụ TP Kon Tum) chạy cùng chiều phía trước, anh Nguyễn Thành Đô (38 tuổi, ngụ Hải Dương) cho đầu xe khách “đâm” vào phần đuôi xe này để cứu hàng chục hành khách. Hai xe tựa vào nhau, chạy được 50 m thì cùng dừng lại an toàn. Vụ tai nạn khiến anh Đô bị thương nhẹ, 30 người trên xe khách và tài xế xe đầu kéo container đều an toàn.
Đèo Lò Xo dài khoảng 30 km, quanh co gấp khúc và có độ dốc 10%, giáp ranh giữa huyện Phước Sơn (Quảng Nam) và huyện Đăk Glei (Kon Tum). Thống kê sơ bộ hai địa phương Kon Tum và Quảng Nam, từ năm 2011 đến đầu năm 2017, cung đường này xảy ra hàng chục vụ tai nạn giao thông, làm chết ít nhất 20 người và hàng chục người bị thương.
Đèo Lò Xo qua khu vực tỉnh Kon Tum thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông. Ảnh: Google Maps.
Minh Hoàng / Theo Zing