Những chiếc túi vải nylon đủ màu sắc được ông Nhọn chế bao cho xoài. Ảnh: Hoàng Nam. |
Những ngày này, vườn xoài tứ quý hơn một hecta của ông Trần Văn Nhọn (xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú) đang vào mùa thu hoạch nổi bật hơn các khu vườn xung quanh bởi trái được "mặc áo" đủ màu sắc, từ xanh, hồng đến đỏ, đen, vàng. Một số đoàn du khách thấy lạ ghé vườn xin chụp ảnh làm kỷ niệm.
"Những chiếc túi nhiều màu này do gia đình tôi tự mua vải nylon về rồi cắt, may sau đó mặc vào cho từng trái xoài", ông Nhọn lý giải.
Vườn xoài ngũ sắc để dễ thu hoạch
Bảy năm trước, gia đình ông Nhọn sống bằng nghề nuôi tôm. Sau đó, do giá cả con tôm bấp bênh, nên ông chuyển sang trồng xoài tứ quý. Những vụ đầu tiên cây xoài cho năng suất cao, nhưng liên tục thua lỗ do ruồi vàng gây hại, xịt thuốc không hiệu quả và gây ô nhiễm, ông nghĩ ra cách dùng bịch nylon có quai bọc lại. Sâu bệnh sau đó giảm, nhưng bịch nylon lại không kín, gây ứ nước nên ông tiếp tục thua lỗ.
Thời gian sau, túi bao xoài xuất xứ nước ngoài bắt đầu xuất hiện trên thị trường nhưng giá cả còn khá đắt. Ông Nhọn xem qua loại túi mới, rồi ra chợ mua vải mỏng về may thử nghiệm, nhưng tiếp tục thất bại vì loại này bị thấm nước, chịu va đập kém, trái xấu.
Không bỏ cuộc, nông dân này tiếp tục nghiên cứu và nhận thấy loại vải nylon có thể đáp ứng mọi điều kiện thời tiết, giá cả không quá đắt nên thử nghiệm lần ba và thành công đến nay.
Nói về về vườn xoài ngũ sắc, ông Nhọn lý giải, túi xuất xứ nước ngoài chỉ có một màu, trong khi cây xoài tứ quý cho trái quanh năm, cách 15-30 ngày có một đợt trái nên khi thu hoạch phải kiểm tra từng lứa mất nhiều thời gian. Ngoài ra, trái bị trầy xước, chất lượng không đồng đều. Ông nghĩ ra cách may túi nhiều màu, mỗi màu tương ứng với kích cỡ từng đợt trái, khi thu hoạch chỉ cần nhìn theo màu mà hái, giảm hơn phân nửa chi phí nhân công.
Túi được may theo kích thước 21 x 25 cm và 18 x 25 cm, trên miệng cũng lồng dây rút và miếng ron cao su để rút siết miệng bao. "Trước đây, xoài chỉ bán được 5.000 đồng mỗi kg do xấu mã, quả già, quả non; nay trái có màu sắc đẹp, có độ chín đồng đều nên bán được giá gấp đôi", ông cho biết.
Trái xoài được bao bằng túi vải nylon bóng đẹp, không bị nám. Ảnh: Hoàng Nam. |
"Hai lúa" ra thủ đô nhận giải sáng tạo
Kỹ sư Lê Minh Hoàng, Phó trạm khuyến nông huyện Thạnh Phú đánh giá, túi nylon nhiều màu do ông Nhọn sáng chế ngoài tác dụng ngăn côn trùng phá hoại và tác động thời tiết, va đập, còn có nhiều ưu thế so với túi nhập. Túi nhập dùng dây chì cột, trong khi túi vải nylon dùng dây rút nên thao tác nhanh gấp đôi, mỗi nhân công có thể bao 1.000 trái một ngày. Về giá thành, túi vải nylon chỉ khoảng 800 đồng, còn loại kia đến hơn 1.000 đồng.
"Mỗi chiếc túi này xài được bốn năm, trong khi loại ngoại nhập chỉ được khoảng một năm. Túi vải nylon cũng hạn chế việc sử dụng thuốc hóa học gây ô nhiễm môi trường, lợi nhuận tăng gấp đôi so với kiểu làm truyền thống", Phó trạm khuyến nông chia sẻ.
Xoài tứ quý thu hoạch quanh năm, sau 6-8 năm tuổi cho năng suất khá cao, 30-40 tấn mỗi ha một năm. Bình quân, trừ chi phí mỗi hecta ông Nhọn thu lãi khoảng 500 triệu đồng. Nhờ sáng chế độc đáo này, năm ngoái, ông được vinh dự ra tận Hà Nội nhận giải khuyến khích Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam.
Là huyện có diện tích xoài tứ quý lớn nhất Bến Tre với 240 ha, hiện nay, nhiều người trồng xoài ở địa phương đã áp dụng phương pháp "mặc áo" nhiều màu cho xoài như ông Nhọn. Nhiều nhà còn nhận may gia công bao xoài theo đơn hàng và phân phối cây giống, giải quyết phần nào việc làm cho người dân địa phương.
Nhiều hộ trồng xoài ở địa phương đã áp dụng phương pháp "mặc áo" cho xoài của ông Nhọn. Ảnh: Hoàng Nam. |
"Sắp tới, tôi rất mong được ngành chức năng hỗ trợ kết hợp hoạt động sản xuất của nhà vườn với các tua du lịch trên địa bàn. Nông dân sẽ có nhiều điều kiện để quảng bá sản phẩm hơn", ông Nhọn nói.
Tác giả: Hoàng Nam
Nguồn tin: Báo VnExpress