Nông Thôn Hà Tĩnh

Ðộng lực để nông dân Hà Tĩnh thoát nghèo

Không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ bà con nông dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất, thời gian qua, các cấp hội nông dân ở Hà Tĩnh còn hướng dẫn cho bà con kỹ thuật chăm sóc cây con theo chu kỳ sinh sản, hướng đến việc xây dựng các mô hình sản xuất liên kết.

Nhờ đó, hàng nghìn hộ nông dân vùng đất “chảo lửa, túi mưa” đã từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng trên đồng đất quê hương.


Từ những lớp học trực tiếp


Ðược biết đến như một địa phương hội đủ tiềm năng phát triển ngành chăn nuôi, với 127.680 ha diện tích đất tự nhiên, trong đó đất lâm nghiệp chiếm hơn 80%. Tuy nhiên, lợi thế phát triển chăn nuôi của huyện miền núi Hương Khê (Hà Tĩnh) bị khắc chế bởi tập quán sản xuất manh mún, nhỏ lẻ của người dân. Nhớ lại thời kỳ chăn nuôi đơn lẻ trước đây, chị Nguyễn Thị Nga ở xóm 2, xã Hương Thủy, cho biết, tận dụng nguồn thức ăn từ sản xuất nông nghiệp, năm nào gia đình cũng nuôi vài ba con lợn thịt, song hiệu quả chẳng đáng là bao. Khi thì dịch bệnh hoành hành, khi thì rớt giá, đến lứa xuất chuồng nhưng chẳng ai hỏi mua. Tháng 6-2011, sau khi tham gia lớp học kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh cho lợn do Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân Hà Tĩnh (Hội Nông dân Hà Tĩnh) tổ chức, với bản tính cần cù, cầu thị chị Nguyễn Thị Nga nhanh chóng lĩnh hội được những kiến thức cơ bản về kỹ thuật, quy trình chăm sóc vật nuôi. Lớp học được tổ chức ngay tại địa phương, với phương châm học đi đôi với hành, các học viên tham gia được truyền đạt, hướng dẫn trực tiếp quy trình, kỹ thuật chăm sóc vật nuôi theo chu kỳ sinh trưởng. Từ việc bố trí, xây dựng chuồng trại, bể bi-ô-ga đến khâu chọn giống, kỹ thuật tiêm phòng, trị bệnh cho vật nuôi và tư vấn đầu ra cho sản phẩm… đều được tiến hành theo từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của vật nuôi. Theo chị Nga, với phương thức lên lớp trực tiếp, học đến đâu thực hành đến đó, các học viên tham gia không phân biệt trình độ, tuổi tác đều có khả năng lĩnh hội được tất cả kiến thức, kỹ năng do giáo viên đứng lớp trình bày. Sau khi tham gia lớp học, chị Nga tiếp tục được Hội Nông dân xã Hương Thủy đứng ra tín chấp vay vốn ngân hàng để đầu tư, mở rộng mô hình chăn nuôi. Nhờ đó đến nay, bình quân mỗi năm gia đình chị xuất chuồng khoảng 300 con lợn thịt, thu nhập hơn 200 triệu đồng.


Qua giới thiệu của Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân Hà Tĩnh, chúng tôi được dịp tham dự lớp học dạy nghề ngắn hạn thú y cho 30 học viên là hội viên Hội Nông dân xã Trường Sơn (Ðức Thọ). Lớp học được tiến hành ngay tại nhà học viên, bài giảng được áp dụng ngay trên 300 con gà giống được mua từ nguồn hỗ trợ kinh phí lớp học. Theo thầy giáo Nguyễn Xuân Quảng, quy trình một bài giảng được phân thành hai phần chủ yếu, 15% thời gian khóa học được dành để trang bị cho học viên những kiến thức cơ bản về quy trình chăm sóc vật nuôi và các bệnh thường gặp trên các đối tượng vật nuôi trong gia đình; 85% thời lượng còn lại được dành cho phần thực hành. Theo học viên Trần Văn Thông, để bảo đảm hiệu quả các giờ thực hành và tạo điều kiện cho học viên được thực hành ngay trên vật nuôi của gia đình, mỗi học viên được trang bị thêm một bộ dụng cụ thú y để học viên có thể xử lý ngay các dịch bệnh xảy ra tại địa phương… Sau khóa học, phần lớn các học viên đã áp dụng được các kiến thức đã học vào thực tế sản xuất của hộ gia đình. Nhiều học viên tham gia học nghề, sau đó đã trở thành những nòng cốt trong phong trào sản xuất kinh doanh giỏi, phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm tại các địa phương và tự điều trị được các loại bệnh thông thường trên gia súc, gia cầm.


Ðến phong trào thi đua lao động sản xuất


Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hương Khê Võ Viết Minh Châu chia sẻ, với phương châm gắn đào tạo nghề với thành lập tổ nhóm sản xuất, xây dựng các mô hình trình diễn, tổ chức sản xuất hàng hóa và kết nối đầu ra sản phẩm cho bà con nông dân, các cấp hội ở địa phương tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ bà con xây dựng các mô hình sản xuất liên kết giữa người dân với người dân, giữa hộ chăn nuôi với doanh nghiệp cung ứng thức ăn, bao tiêu sản phẩm… Nhờ đó, đến nay toàn huyện Hương Khê đã xây dựng được 1.200 mô hình trang trại, gia trại với diện tích bình quân gần sáu ha/mô hình.


Chủ tịch Hội Nông dân Hà Tĩnh Trần Ðình Gia cho biết: Hà Tĩnh hiện có hơn 85% số dân là nông dân, số lao động ở khu vực nông thôn chiếm hơn 71% tổng số lao động. Bằng nhiều cách làm khác nhau, thời gian qua các cấp hội trên địa bàn đã động viên, khuyến khích bà con nông dân khai thác nguồn lực, các tiềm năng lợi thế của vùng miền, phát huy sức mạnh của cộng đồng để phát triển. Hội còn phối hợp các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng hỗ trợ cung ứng vốn cho nông dân (nông dân chiếm 50% thị phần vốn vay của Ngân hàng NN và PTNT, Ngân hàng CSXH). Các cấp hội đã giúp nhau chia sẻ kinh nghiệm, nắm bắt thông tin thị trường, cung ứng vật tư nông nghiệp, vay phân bón trả chậm… Từ trong phong trào giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình trong lao động, sản xuất và kinh doanh. Khắp các vùng quê ngày càng xuất hiện nhiều mô hình sản xuất quy mô lớn, có vốn kinh doanh hàng chục tỷ đồng, thu hút hàng trăm lao động. Nhiều tấm gương nông dân vượt khó, không cam chịu đói nghèo, cần cù, siêng năng, vượt qua khó khăn thách thức, tranh thủ các cơ chế chính sách, phát huy tiềm năng lợi thế để xây dựng các mô hình phát triển sản xuất hiệu quả, vươn lên làm giàu chính đáng ngay trên đồng đất quê hương.


Bài, ảnh: THÀNH CHÂU và NGÔ TUẤN

Nhân Dân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP