Ông Lê Đình Kình bị xác định cầm đầu, chủ mưu trong vụ án sát hại 3 cảnh sát. |
Đòi đất bằng khẩu hiệu "chống nội xâm"
Như đã đưa, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CQĐT) Công an TP Hà Nội đã ban hành kết luận điều tra, đề nghị truy tố các bị can trong vụ án hình sự xảy ra tại thôn Hoành (xã Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội) ngày 9/1/2020.
Vụ án có nguyên nhân từ tranh chấp khu đất rộng hơn 32 ha tại xã Đồng Tâm. Kết luận điều tra cho rằng, từ năm 1980, Thủ tướng có quyết định cấp 208 ha đất cho bộ đội xây dựng sân bay Miếu Môn trong đó, diện tích của xã Đồng Tâm là hơn 47 ha.
Các năm 1981 – 1982, xã Đồng Tâm đã giao cho Bộ Tư lệnh Công binh hơn 34 ha, còn lại hơn 13 ha do chưa thi công nên xã được tiếp tục sử dụng.
Đáng chú ý, năm 2012, xí nghiệp đo đạc bản đồ thuộc Bộ Quốc phòng đo lại toàn bộ khu đất trên cơ sở 16 mốc giới sân bay Miếu Môn đã cho kết quả khu đất được bàn giao rộng hơn 326ha – tức nhiều hơn 28 ha so với quyết định năm 1980 của Thủ tướng Chính phủ.
Năm 2014, UBND TP Hà Nội ra quyết định giao 236ha đất trên cho Quân chủng Phòng không – Không quân (PKKQ) tiếp tục quản lý cùng với vị trí đóng quân của Lữ đoàn 28 (thuộc Quân chủng PKKQ). Lữ đoàn 28 sau đó đã đã phối hợp với địa phương để cắm mốc, hoàn thành hồ sơ xin giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Năm 2015, Bộ Tổng tham mưu ra quyết định thu hồi hơn 50ha đất của Quân chủng PKKQ giao cho Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel xây dựng dự án quốc phòng, trong đó phần của xã Đồng Tâm là hơn 32 ha.
CQĐT khẳng định, khi Viettel thi công, những người trong Tổ đồng thuận đã tập tung tại khu đất 32 ha này để tự ý đo đạc, phân lô, thuê máy móc san ủi nhằm lấp đất, canh tác…
Tổ đồng thuận được thành lập năm 2013, do Lê Đình Kình (SN 1936), Lê Đình Công (SN 1964, con ông Kình) và Bùi Viết Hiểu (SN 1943) đứng đầu. Trong đó, ông Kình là Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm giai đoạn 1981 – 1982, từng tham gia chứng kiến việc giao nhận đất giữa đại diện xã và bộ đội công binh.
Tuy vậy, Tổ đồng thuận của ông Kình thường lôi kéo, kích động quần chúng khiếu kiện phức tạp về quản lý sử dụng đất của chính quyền. Việc này được thực hiện dưới khẩu hiệu chống tham nhũng, chống giặc nội xâm.
Khi xã Đồng Tâm thông báo cho người dân không vào sân bay Miếu Môn, những người trong Tổ đồng thuận vẫn hoạt động gây cản trở việc xây dựng dự án của Viettel. Đặc biệt, điều tra xác định ông Lê Đình Kình còn hứa nếu đấu tranh đòi đất thành công sẽ chia đều cho các đối tượng tham gia và đi theo Tổ đồng thuận.
Bắt công an, đánh cán bộ
Năm 2017, huyện Mỹ Đức cử 2 đoàn công tác về Đồng Tâm nhưng bị can Lê Đình Công cầm đầu một số đối tượng đến ủy ban xã chửi bới, lăng mạ buộc cán bộ huyện phải về. Lúc này, một số người chặn đầu xe giả vờ ngất rồi hô bị công an đâm nhằm kích động.
Cảnh sát cơ động bị bắt giữ trái pháp luật ở Đồng Tâm năm 2017. |
Ngày 30/3/2017, CQĐT khởi tố vụ án gây rối trật tự công cộng và sau đó khởi tố bị can với Lê Đình Kình, Lê Đình Công cùng 2 người khác. Ngày 15/4/2017, Công an Hà Nội và lực lượng điều tra của quân đội tiến hành bắt giữ người này nhưng bị chống đối quyết liệt.
Người dân đã đánh bị thương cảnh sát (nặng nhất tổn hại 60% sức khỏe), chiến đoạt tài sản, bắt giữ 34 cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn Cảnh sát cơ động và Công an huyện Mỹ Đức. Thậm chí, 4 cán bộ các huyện Mỹ Đức, Chương Mỹ không liên quan, chỉ đi ngang qua cũng bị bắt.
Quá trình giam giữ 38 cán bộ, chiến sĩ này, các đối tượng uy hiếp họ bằng cách xích khóa chân tay theo nhóm từ 4 – 6 người, không tháo kể cả khi ăn uống, vệ sinh; mang vật dễ cháy cùng xăng, kíp nổ ra đe dọa nếu có giải cứu sẽ biến tất cả thành biển lửa.
Thanh tra Hà Nội sau đó kết luận, toàn bộ 236 ha gồm hơn 64 ha của xã Đồng Tâm đều là đất quốc phòng. Ông Kình cùng Tổ đồng thuận khiếu nại kết luận này đồng thời xuyên tạc nguồn gốc đất ở đồng Sênh.
Trong các năm 2018 – 2019, nhóm Lê Đình Công nhiều lần xông vào các cuộc họp tại UBND xã Đồng Tâm, tự ý đi lại, chửi bới cán bộ. Họ cũng cản trở việc cấp phát thuốc miễn phí cho người già, người nghèo vì cho rằng thuốc này gây ung thư.
Một số cảnh sát, cán bộ còn bị người trong Tổ đồng thuận đánh, dọa giết hoặc đe sẽ làm hại gia đình họ.
Năm 2019, Thanh tra Chính phủ ra thống báo, xác định kết luận về đất đai tại Đồng Tâm là chính xác. Từ đây, ông Lê Đình Kình và Tổ đồng thuận tích cực mua sắm vũ khí, chuẩn bị lực lượng nhằm chống đối lực lượng cưỡng chế thu hồi đất đồng Sênh.
Tại các cuộc họp tìm cách chống đối công an, bị can Nguyễn Văn Tuyển nói: “Muốn lấy đất phải bắt hết anh em mình mới thực hiện được. Tôi cũng phải giết được 100 thằng”; Lê Đình Kình chỉ đạo: “Giết được 3 thằng là chúng nó chạy hết”…, theo kết luận của cơ quan điều tra.
Trên thực tế, rạng sáng 9/1/2020, các bị can trong vụ án đã dùng xăng thiêu chết 3 cảnh sát khi họ bị ngã xuống hố. Ông Lê Đình Kình cũng bị bắn chết trong vụ việc nên phía điều tra không đề cập xử lý. |
Tác giả: X.A
Nguồn tin: Báo Tiền Phong