TS Đoàn Thu Trà, Phó khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai cho biết, khoa đang điều trị cho một nam bệnh nhân 70 tuổi (Ý Yên, Nam Định) bị áp xe gan do nhiễm sán lá gan.
Bệnh nhân được tuyến dưới chuyển lên trong tình trạng sốt cao, đau nhiều vùng gan, rét run, chẩn đoán áp xe gan không rõ nguyên nhân.
BS Trà thăm khám cho bệnh nhân mắc sán lá gan |
Khi làm thêm các xét nghiệm, men gan cũng như sắc tố mật trong máu (bilirubin) đều tăng cao. BS nghĩ nhiều đến nhiễm ký sinh trùng do bệnh nhân chia sẻ hay ăn nem chua, gỏi sống, rau sống... Kết quả xét nghiệm huyết thanh khẳng định bệnh nhân dương tính với sán lá gan.
BS Trà cho biết, gần đây khoa cũng tiếp nhận nhiều bệnh nhân nhiễm ký sinh trùng, đặc biệt là sán lá gan, giun lươn. Có bệnh nhân đến khoa khi cơ thể đã suy kiệt, nhiễm khuẩn huyết, tiêu chảy kéo dài rất nặng mà không tìm ra nguyên nhân.
Riêng giun lươn, chỉ trong vòng 4 tháng qua, khoa đã tiếp nhận gần 100 bệnh nhân với các biểu hiện bệnh lý ở phổi, tiêu hoá, ổ bụng.
Gần đây, BV điều trị một số ca mắc viêm màng não do giun đũa chuột gây nên. Bệnh nhân thường trong tình trạng rất nặng, trước đó không tìm ra căn nguyên.
Hình ảnh sán lá gan hoạt động trong cơ thể |
Tuy nhiên, do tỉ lệ nhiễm ký sinh trùng trong cộng đồng giảm nên nhiều BS tuyến dưới và kể cả BS tuyến Trung ương dễ bỏ qua bệnh lý.
“Với một số trường hợp chẩn đoán viêm màng não hoặc một số bệnh chưa rõ căn nguyên, nếu bệnh nhân có kèm theo các bệnh lý tiêu chảy kéo dài, có bệnh lý về áp xe gan thì nên sàng lọc để phát hiện các nguyên nhân do ký sinh trùng để có chẩn đoán và điều trị chính xác”, BS Trà nói.
Với các bệnh do ký sinh trùng, việc sử dụng kháng sinh không có tác dụng, gây kháng thuốc và tốn kém cho bệnh nhân.
BS Trà khuyến cáo, cách đơn giản nhất phòng bệnh ký sinh trùng là ăn chín, uống sôi, vệ sinh cá nhân và định kỳ tẩy giun sán 12 tháng/lần, tránh tiếp xúc gần gũi với các con vật nuôi, vứt bỏ các thảm cũ, bụi bặm…
Tác giả: T.Hạnh
Nguồn tin: Báo VietNamNet