Phần lớn nữ sinh theo trào lưu đồng tính thường gặp khó khăn khi xây dựng mối quan hệ tình cảm nghiêm túc với người khác phái. Ảnh minh họa.
Hai nữ sinh: Một tóc ngắn, một tóc dài – chẳng ngượng ngùng ngồi âu yếm nhau trước mặt bạn bè chung trường. Thậm chí thầy cô đi ngang các em cũng… mặc kệ.
Đó một hình ảnh mà người viết tình cờ bắt gặp khi đến một trường THPT trên địa bàn thành phố. Đem vấn đề này hỏi chị Bí thư Đoàn trường, chị thở dài: “Biết là thế nhưng trường không cách nào cấm cản được”.
Đồng tính theo… phong trào
Một chiều cuối tháng 10, tại một trường THPT, trong khi chúng tôi đợi đến giờ liên hệ với Ban Chấp hành Đoàn trường thì bắt gặp cảnh trên. Thoạt nhìn, nhiều người chỉ nghĩ các em là bạn bè có việc cần gặp nhau nhưng nghe qua câu chuyện thì không phải vậy.
Nữ sinh tóc ngắn hỏi: “Sao anh để em chờ lâu vậy?”. Nữ sinh tóc dài giọng lí nhí: “Anh chưa hết giờ học mà. Đợi có tí mà em làm gì dữ vậy?”. Nữ sinh tóc ngắn truy vấn: “Lần sau còn để em đợi là em giận đó. Mà nè, sao hôm qua con X. nói anh đi chơi với thằng T. Chuyện này có không?”. “Làm gì có. Nó thấy nhầm ai rồi nói bậy đó…”.
Cuộc tranh luận chỉ chấm dứt và khi nữ sinh xưng “anh” hứa “học xong mình đi ăn bánh tráng trộn”. Mặc dù ngồi ngay cửa ra vào trường nhưng sau đó cặp nữ sinh này vẫn không ngượng ngùng nắm tay, âu yếm. Điều ngạc nhiên là một số bạn bè của nữ sinh trong trường cũng túa ra bắt chuyện, tự nhiên xem như không có chuyện gì.
Phần lớn nữ sinh theo trào lưu đồng tính thường gặp khó khăn khi xây dựng mối quan hệ tình cảm nghiêm túc với người khác phái.
Trao đổi với chúng tôi về câu chuyện ở trên, chị Bí thư Đoàn trường này lắc đầu ngán ngẩm: “Trường tôi có 6 cặp đồng tính như thế nhưng các em không phải đồng tính thật đâu. Toàn là theo trào lưu hết. Thấy mùi mẫn chứ qua một năm là “tan đàn xẻ nghé” hết. Tuy nhiên, thời gian đầu thì gây rất nhiều phiền phức cho giáo viên, học sinh ở trường”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, những học sinh này đều xưng hô “anh, em”. Một trong hai đều sẵn sàng cắt tóc ngắn và ăn mặc như nam cho ra vẻ là người đang yêu. Khi ngồi trong lớp hay ra khỏi trường thì các em đều nắm tay tình tứ, có khi không ngại chuyện hôn nhau trước đám đông. Điều đặc biệt là những học sinh nữ đều có hoàn cảnh éo le, gia đình không hạnh phúc, sức học cũng yếu.
Chị Bí thư Đoàn trường nói: “Đoàn trường cũng sinh hoạt với các em nhiều lần. Thậm chí giáo viên phụ trách mảng tâm lý giới tính cũng tìm nhiều cách giúp em nhưng đâu vẫn vào đó. Cách ly các em vài bữa thì đã thấy các em tay trong tay. Chúng tôi hỏi thì các em bảo… quên”.
Dạo quanh nhiều quán nước dành cho tuổi mới lớn, chúng tôi bắt gặp khá nhiều những cặp đồng tính nữ còn mặc đồng phục học sinh. Rất khó nhận ra khi các em đến quán như đôi bạn chung lớp, cũng uống trà sữa, lướt Internet… Tuy nhiên, có phải là nữ sinh đồng tính hay không thì chỉ 15 phút sau là rõ.
Quản lý một quán trà sữa trên đường 3-2 nói: “Nhiều em đến quán này rồi ôm nhau hôn hít, trông rất phản cảm nhưng chúng tôi chẳng biết giải quyết thế nào. Không lên tiếng thì các em làm ảnh hưởng đến mọi người nhưng lên tiếng thì mất khách lại còn mang tiếng xấu là ác cảm với người đồng tính. Mà tôi thấy có mấy em là đồng tính thật đâu. Nhiều cặp mới năm học trước còn đến đây quấn quýt nhưng năm sau thì trở lại với bạn trai”.
Ngay trên mạng xã hội, nhiều nữ sinh cũng tham gia vào những diễn đàn “đấu tranh” cho việc kết hôn đồng tính. Có em còn đăng nguyên ảnh đang mặc đồng phục của trường mình học thừa nhận mình là đồng tính nữ. Đau đầu hơn khi nhiều em còn công khai những tấm ảnh hôn hít với bạn cùng giới dù thật sự em chẳng phải là người đồng tính.
Giúp các em ổn định tâm lý
Theo các chuyên gia tâm lý, sự xuất hiện nhiều cặp đồng tính nữ “giả” với những thái độ, cử chỉ âu yếm thái quá của các bạn làm cho thầy cô và các bạn trong lớp khó chịu, chủ yếu do một số nguyên nhân như sau: Sự xuất hiện một số trang web, Facebook tạo nên một hiệu ứng xã hội về các quan điểm như quyền riêng tư đã tạo nên xu hướng sống mới trong các bạn trẻ. Bên cạnh đó, có một số bạn bị bạn bè rủ rê tham gia và trở thành nạn nhân của xu hướng sống mới này.
Anh Ngô Thành Thuận, chuyên gia tâm lý, chia sẻ: “Tìm hiểu những nguyên nhân khiến các em chạy theo xu hướng trên, chúng ta không thể không nhắc đến vai trò của gia đình. Nhiều em đang sống trong một môi trường thiếu sự chăm sóc toàn diện về thể chất, tâm lý và sự giáo dục hòa nhập với xã hội của gia đình. Chính sự thiếu thốn tình cảm, biểu hiện chung của các em trong tuổi dậy thì đã dẫn đến sự “nổi loạn” về tâm lý được biểu hiện ra những hành vi bên ngoài để nhiều người để ý đến”.
Đối với những em bị lôi cuốn bởi bạn bè của mình thì cũng có rất nhiều xung đột từ chính bản thân của mình như: Sự kỳ thị nơi bạn bè, sự phản đối, sự xa lánh của xã hội mà đặc biệt là những người xung quanh đã làm cho các em trở nên cô đơn.
Anh Ngô Thành Thuận nói: “Khi các em biểu hiện đồng tính dù giả hay thật, thì giáo viên chủ nhiệm, Ban Giám hiệu nhà trường, cán bộ Đoàn không thể hành xử theo cách “các em có tội” mà nên nhẹ nhàng tâm sự, tìm nguyên nhân cốt lõi của vấn đề để hỗ trợ các em một cách thiết thực, giúp cho các em có một chỗ dựa vững chắc trong một môi trường sống với trạng thái tâm lý thoải mái và tin tưởng nhất”.
Anh Lương Hiển Đạt, Trưởng Ban Thanh niên trường học Thành đoàn Cần Thơ, cho rằng: Đang ở lứa tuổi học sinh, nhiều bạn chưa hiểu rõ được các vấn đề, nhất là vấn đề giới tính, nhưng nếu chúng ta cố tình dùng những biện pháp cứng rắn và cứng nhắc đối với những vấn đề này thì sẽ không hiệu quả, ngược lại sẽ làm cho tâm lý của những bạn này trở nên mất cân bằng hơn nữa và có thể có những suy nghĩ không hay.
Tốt hơn, khi phát hiện những cặp đồng tính này chúng ta phải tìm hiểu và giải thích rõ các vấn đề liên quan đến giới tính để định hướng cho các em hiểu rõ hơn và động viên các em cứ an tâm học tập, sinh hoạt bình thường miễn không có cử chỉ, hành động gì làm ảnh hưởng đến các bạn khác.