Truyền hình thực tế khi đổ bộ vào Việt Nam đã tạo ra những món ăn tinh thần mới cho độc giả. Tuy nhiên, thời gian gần đây, những chiêu trò, một phần của truyền hình thực tế đang đi quá đà khiến khán giả ngán ngẩm bởi sự phản cảm.
Cảnh đập đồ, tranh cãi không thiếu trên truyền hình |
Câu chuyện đầu tiên cần nhắc tới là chương trình “Căn hộ trong mơ”. Chương trình có tên gốc là “The Apartment” – show thực tế đình đám của Starworld và được lên sóng HTV7 từ tháng 9 đến nay.
Đây là chương trình truyền hình thực tế đầu tư hoành tráng với mức chi được cho là lên đến hơn 40 tỷ. “Căn hộ trong mơ” là chương trình dành cho các thí sinh có đam mê, có khả năng làm việc nhóm, có sự sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế nhà ở. Giải thưởng của chương trình này cũng lên đến 1 tỷ đồng.
Thế nhưng trái với kỳ vọng về một chương trình khơi dậy tinh thần làm việc nhóm, ngay những tập đầu phát sóng, chương trình để lại những dấu ấn xấu đối với khán giả khi có những màn cãi nhau nảy lửa của các thí sinh chung đội.
Nếu như tập 5 là màn chửi nhau theo kiểu thô lỗ “ra đường đừng đi bằng 4 chân”, thì đến tập 10 khán giả lại chứng kiến màn đập đồ phản cảm. Với sự khác biệt về tính cách và phong cách làm việc đáng nhẽ các thí sinh phải dùng lý lẽ thuyết phục nhau để cùng đạt một mục đích thì họ lại chỉ tay thẳng mặt nhau và dùng lời lẽ khiếm nhã. Điều đáng nói là những điều này lại vô tư được phát sóng trên truyền hình khiến nhiều lúc người xem cứ ngỡ mình đang chứng kiến một cuộc xô xát của một nhóm anh chị nào đó.
Các thí sinh tham gia tranh tài dường như chỉ cố thỏa mãn cái tôi cá nhân mà gạt bỏ hết những cố gắng của đồng đội. Xem chương trình khán giả nhiều lúc cảm thấy bực tức vì các thí sinh ai cũng nghĩ là mình giỏi không chịu lắng nghe ý kiến của người khác. Cứ thử thách đưa ra là cãi nhau, là có hiềm khích.
Tranh cãi tay đôi như hàng cá hàng chợ, những thứ văn hóa độc hại này đang được công nhiên chấp nhận? |
Không chỉ “Ngôi nhà trong mơ”, trước đó khán giả xem đài đã từng phản ứng với những chương trình truyền hình thực tế khác như “Cuộc đua kỳ thú”, “Việt Nam next top model”, “The Face”,… những “màn kịch” của Phạm Hương, Lan Khuê hay Hà Hồ khiến khán giả ngán ngẩm. Những cuộc cãi vã trong ngôi nhà chung khiến khán giả hoảng vì cách xử lý của các thí sinh. Thậm chí ngay cả với chương trình “Vua đầu bếp nhí”, chuyện chí chóe cãi nhau của con trẻ cũng được đưa vào trailer giới thiệu của chương trình.
Không ít những màn cắt xén thêm bớt được phát sóng trên truyền hình đã tạo ra những lùm xùm giải thích… Các thông điệp của chương trình đưa ra nghe có vẻ “đao to búa lớn” như đề cao sự mạnh mẽ, cá tính của thí sinh tham gia, nhưng thực tế lại không được như vậy. Các tập lên sóng đa phần được cắt xén, lắp ghép để đẩy kịch tính lên cao.
Không biết thông điệp mạnh mẽ của các nhà sản xuất là gì khi các thí sinh liên tục quát vào mặt nhau, la hét, đập đồ? Đây là mạnh mẽ hay cách ứng xử thiếu văn hóa?
Không hiểu những nhà sản xuất, những nhà quản lý có để ý đến đối tượng xem truyền hình thực tế có rất nhiều người trẻ? Các em đang tuổi ăn, tuổi lớn, việc tiếp nhận văn hóa độc hại như vậy sẽ làm ảnh hưởng lớn đến nhân cách các em.
Vẫn biết truyền hình thực tế, chiêu trò là một phần không thể thiếu, tuy nhiên, cái gì cũng nên có giới hạn. Khoảng cách giữa gia vị để tăng sự hấp dẫn và những hành vi phản cảm rất mỏng manh. Chửi rủa, đập phá trên truyền hình thực tế… đang trở thành những thứ văn hóa độc hại đầu độc khán giả hàng ngày. Thiết nghĩ đã đến lúc cần nhìn nhận lại những giới hạn để tránh sự quá đà trên truyền hình.
Trần Phương