Nữ sinh Lê Thị Hà Vi 15 tuổi, bị hoại tử chân được cho là “do bác sĩ kém chuyên môn”, đang điều trị tại khoa Ngoại – Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM). Sau ca phẫu thuật cắt bỏ 1/3 dưới đùi chân phải, hiện sức khỏe của em đã ổn định. Biết mình vĩnh viễn mất đi một phần thân thể, cô bé vẫn không tỏ ra buồn bã mà luôn động viên mọi người và gia đình. “Em chỉ lo mẹ đang bị cao huyết áp mấy ngày nay cứ khóc suốt lỡ ngã bệnh thì khổ”, cô bé nói và luôn miệng an ủi 2 đấng sinh thành rằng: “Con vẫn khỏe mạnh mà, con không sao đâu”.
Vi bảo mấy ngày trước chân phải rất đau, đến nay đã bớt nhiều, chỉ còn đau nhức ở phần mỏm cụt. Vết thương đang khô dần và ăn da non. Từ hôm bị tai nạn đến nay, cô bé không thể làm được việc gì, ngay cả vệ sinh cá nhân cũng phải nhờ bố mẹ giúp. Bản thân chịu nhiều đau đớn và mất mát song em lại trở thành chỗ dựa tinh thần động viên mọi người. Ngồi trên giường, thỉnh thoảng Vi với tay lấy chiếc lược chải đầu và tết tóc cao, thỉnh thoảng em nhoẻn miệng cười khi có người ghé đến hỏi thăm hoặc thầy cô, bạn bè gọi điện động viên. Nhìn nữ sinh tuổi trăng tròn gương mặt thanh tú xinh xắn phải mất đi một chân nhưng luôn lạc quan, ai cũng cảm phục.
Tiến sĩ Nguyễn Tiến Lý, Phó giám đốc Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng TP HCMcho biết đã liên hệ với Bệnh viện Chợ Rẫy và gia đình để bàn bạc về việc hỗ trợ lắp chân giả cho Vi. Theo bác sĩ Lý, bệnh nhân cần được tập luyện để mỏm cụt hồi phục tốt, giúp chân giả khi lắp vào sẽ hoạt động hiệu quả. Bé cũng được điều trị tâm lý để vượt qua cú sốc, ổn định tinh thần.
Loại chân nhân tạo dự định lắp cho Vi được gia công với khớp thủy lực linh hoạt, bàn chân và trụ kim loại vững chắc, dáng vẻ như chân thật. Sau khi lắp, bệnh nhân sẽ trải qua giai đoạn làm quen với chân giả, chịu khó tập luyện để có thể đi đứng gần như bình thường. Trước kia, việc lắp chân giả thường được tiến hành vài tháng sau mổ. Hiện nay, nhiều trường hợp thực hiện ngay trên bàn mổ. Nhờ vậy khi tỉnh lại, bệnh nhân bớt bị khủng hoảng tâm lý do biết mình vĩnh viễn mất đi một phần thân thể.
Trước đó, trưa 6/3, Vi trên đường đi học về thì bị tai nạn giao thông. Kẻ gây tai nạn bỏ chạy, người dân đưa nạn nhân vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin. Bác sĩ chẩn đoán Vi bị gãy mâm chày bên phải rồi bó bột. Tối cùng ngày, Vi đau đớn vì bó bột chặt quá, tê chân, phần dưới không còn cảm giác. Gia đình đề nghị bác sĩ tháo bột nhưng đến sáng 8/3 mới được đồng ý. Thấy chân Vi xuất hiện nhiều bỏng nước, sưng vù, gia đình đề nghị được chuyển viện nhưng các bác sĩ cho biết bệnh nhẹ không cần chuyển. Đến khi Vi được chuyển vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đăk Lăk, sau đó chuyển tiếp xuống Bệnh viện Chợ Rẫy, TP HCM, thì đã muộn. Kết quả xét nghiệm và chụp mạch máu cho thấy động mạch nuôi cẳng chân phải của Vi bị tắc hoàn toàn, xuất hiện hoại tử lan rộng, các cơ ở dưới chân không còn sống nữa. Để ngăn chặn hoại tử lan rộng, các bác sĩ buộc phải mổ cắt bỏ 1/3 dưới đùi phải để bảo toàn tính mạng cho bệnh nhân.
Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin thừa nhận nguyên nhân dẫn đến bệnh nhân mất chân là do bác sĩ yếu kém về chuyên môn, tắc trách trong công việc. Hiện bệnh viện đã tạm định chỉ công tác bác sĩ băng bột cho bé Vi.
Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã có công văn gửi Sở Y tế Đăk Lăk đề nghị khẩn trương làm rõ sự việc và xử lý theo quy định hiện hành., báo cáo về Cục trước ngày 28/3.
Trần Ngoan – Lê Phương