Sau một tuần phẫu thuật cắt bỏ 1/3 dưới đùi chân phải, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) cho biết sức khỏe của Lê Thị Hà Vi (15 tuổi, Đắk Lắk) đã ổn định. Tuy nhiên, về mặt tâm lý, bệnh nhân chưa thực sự cân bằng vì chưa thích nghi với việc mất đi phần cơ thể quá đột ngột. Hiện tại, cứ vài phút phần mỏm cụt đang được bó bột lại giật lên từng cơn khiến nữ sinh đau đớn.
Chị Nguyễn Thị Lan, mẹ của Vi, cho biết những ngày đầu rời phòng mổ, bất ngờ đón nhận tai họa mất một phần cơ thể ập đến, Vi gần như không hề chợp mắt, cô bé liên tục khóc. Thế nhưng những ngày sau đó thấy mẹ khóc nhiều quá cô bé tỉnh táo dần, thậm chí có lúc còn tươi cười động viên ngược lại cha mẹ.
Mỗi lần chân lên cơn đau, thay vì nhăn mặt kêu than, Vi chỉ nhíu mày, miệng khe khẽ “con không sao đâu, bố mẹ đừng lo, chắc chỉ vài hôm rồi sẽ quen và sẽ hết đau thôi”.
Vi nói, từ ngày nạn nhân bị mất chân đã có rất nhiều người chia sẻ nỗi đau mà mình phải gánh chịu. Có người đã làm thơ tặng động viên Vi như “thân dù khuyết tật nhưng trí không tàn, vẫn sống yêu đời ở thế gian… nghị lực vươn cao hơn số phận…”.
Nghĩ là số phận trớ trêu nên nữ sinh 15 tuổi chấp nhận đối mặt với sự thật dù chỉ còn một chân. Ảnh: Khánh Trung. |
Mang trong mình một tinh thần lạc quan, Vi tự nhủ “chỉ là số phận trớ trêu… không ai lường trước được điều gì. Thứ em cần bây giờ là gia đình và nghị lực sống. Một chân nhưng không sao”… Vi nói bây giờ em chỉ cần mẹ vui vẻ, khỏe mạnh để chăm sóc em.
“Ba mẹ vui thì con mới vui được nên mẹ đừng khóc hay suy nghĩ nhiều nữa, mẹ phải lạc quan lên như con này. Con chỉ cần mẹ vui là con cũng vui rồi. Con thương ba thương mẹ nhiều lắm, chỉ vì con mà ba mẹ đã phải thức mấy đêm liền không ngủ. Cũng vì con mà ba mẹ gầy đi rất nhiều. Nhưng đây là số phận của con rồi, phải chấp nhận thôi ba mẹ ạ. Con yêu ba mẹ nhiều”, Vi viết.
Khi truyền thông đưa tin, tiến sĩ Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết Bộ Y tế đã nhận được báo cáo sơ bộ của Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk về vụ việc bệnh nhân Hà Vi bị cưa chân vì sự tắc trách của nhân viên y tế Bệnh viện đa khoa Cư Kuin.
Bước đầu, bệnh viện đã tạm thời đình chỉ công tác của 2 bác sĩ và điều dưỡng, trong đó có một Phó giám đốc kiêm trưởng Khoa ngoại.
Ông Khuê cũng cho biết qua đường dây nóng y tế, Bộ Y tế cũng chỉ đạo ngành y tế Đắk Lắk trước mắt phải có sự chia sẻ về cả vật chất, tinh thần với bệnh nhân và gia đình người bệnh, đồng thời phải xin lỗi gia đình em Vi.
“Bộ Y tế cũng yêu cầu trong quá trình điều trị của bệnh nhân Vi, phía cá nhân có sai sót và bệnh viện phải có trách nhiệm chi trả viện phí và các chi phí lắp chân giả sau này cho bệnh nhân” – ông Khuê nhấn mạnh.
Hội đồng chuyên môn phải làm việc dựa trên Luật Khám chữa bệnh và các thông tin, nghị định hướng dẫn chuyên môn, xử lý sai sót y khoa, quy định về chuyển tuyến, hội chẩn trong khám chữa bệnh… để tìm hiểu lỗi sai sót, đồng thời quy trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân.Cũng theo ông Khuê, hiện Sở Y tế Đắk Lắk đã thành lập Hội đồng chuyên môn với nhiều chuyên gia y tế để xem xét nguyên nhân trực tiếp xảy ra tai biến y khoa kể trên. Đồng thời quy rõ trách nhiệm của từng cá nhân và tập thể có liên quan. Sau khi có kết quả cụ thể sẽ báo cáo về Bộ Y tế.
Trường hợp gia đình bệnh nhân không thấy thỏa đáng với kết luận của Hội đồng thì Bộ Y tế sẽ thành lập Hội đồng chuyên môn cấp Bộ để xem xét. Nếu vẫn chưa hài lòng, gia đình có thể kiện ra tòa, căn cứ vào giám định y khoa, luật định để xử lý theo luật pháp. Trước mắt, ngành y tế sẽ phải có sự chia sẻ với người bệnh và gia đình.
Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh ĐắK LắK đến thăm Hạ Vi
Sáng 17/3, bà Nguyễn Thị Xuân Thủy – Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) thăm bệnh nhân Hà Vi đang nằm điều trị tại đây.
Bà Xuân Thủy thay mặt Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk gửi lời xin lỗi gia đình nạn nhân. Bà nói những ngày qua đều theo dõi thông tin về Vi trên báo. Bà thừa nhận “phải chi bác sĩ giỏi hơn một chút nữ sinh không phải lắp chân giả”.
Vị phó giám đốc Sở Y tế động viên: “Cháu phải cố gắng lên để ba mẹ khỏi buồn. Dù phải lắp chân giả nhưng vẫn đến trường được, sau này vẫn đi làm, lập gia đình…”
Bà Thủy cũng cho biết, hiện ca trực bó bột cho bé Vi đã bị đình chỉ công tác. Sở Y tế sẽ thành lập đoàn thanh kiểm tra về ca bệnh này. Sau đó hội đồng chuyên môn sẽ họp lại để có kết luận cuối cùng.
Mẹ của Vi mong muốn sau đợt điều trị này Vi sẽ được lắp chân giả, đến trường đi học như bao bạn bè bình thường khác.
Trước đó, vào trưa 6/3, trên đường đi học về, Vi bị tai nạn giao thông té xuống đường. Sau khi người gây tai nạn bỏ chạy, người dân đã đưa Vi vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin.
Chị Lê Thị Thùy Trang (chị gái của Vi) cho biết sau khi nhập viện, các bác sĩ chẩn đoán Vi bị gãy mâm chày bên phải rồi bó bột. Đến tối cùng ngày, Vi kêu bó bột chật quá, kêu gào đau đớn và bị tê chân, phần dưới không còn cảm giác. Do vậy gia đình đã đề nghị bác sĩ tháo bột ra và cho chuyển viện nhưng đến sáng 8/3, các bác sĩ mới đồng ý.
Thấy chân Vi xuất hiện nhiều bỏng nước, sưng vù, gia đình tiếp tục đề nghị được chuyển viện nhưng các bác sĩ bảo bệnh nhẹ, không cần chuyển viện. Suốt những ngày sau đó, bệnh viện hầu như không có động thái xem xét kỹ lưỡng vết thương, đến ngày 11/3 nơi này mới cho chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk.
Tại đây, sau khi thăm khám, các bác sĩ cho biết chân Vi đã hoại tử. Chiều cùng ngày, các bác sĩ đã chuyển Vi xuống Bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM phẫu thuật cắt bỏ gần hết chân phải do hoại tử.