Xã hội

Nữ nghệ nhân đan móc duy nhất của Việt Nam không ngừng sáng tạo

Dạy nghề cho người bình thường khó mười phần, thì dạy nghề cho người khuyết tật khó khăn gấp bội. Những khiếm khuyết về tinh thần, những hạn chế về thể chất là rào cản để họ tiếp thu, học tập. Có người cả năm trời không làm được một mẫu.

Sinh ra và lớn lên ở huyện An Dương, thành phố Hải Phòng, ngay từ nhỏ, chị Đoàn Thị Nga (HTX thủ công mỹ nghệ An Dương, Hải Phòng) đã được bà, được mẹ truyền dạy cho kỹ thuật thêu, đan, móc chỉ độc đáo - một nghề truyền thống của địa phương.

Kể về nghề đan móc của quê hương, chị Nga không giấu được niềm tự hào: “Khi chị còn bé xíu, đan móc được coi là công việc nữ công gia chánh, từ già đến trẻ đều có thể làm và là nghề kiếm cơm của nhiều gia đình”.

Chị Đoàn Thị Nga và các sản phẩm đan móc truyền thống

Cuộc sống hiện đại với sự phát triển của ngành dệt, may công nghiệp đã dần mai một đi nghề thủ công vốn chỉ làm bằng tay, ráo mồ hôi là cạn tiền này. Đó là giai đoạn những năm đầu của thập niên 90, hàng loạt gia đình bỏ nghề, nhưng chị Nga vẫn quyết tâm bám trụ, vực dậy nghề truyền thống của quê hương và phát triển thêm nhiều dòng sản phẩm mới.


Chị Nga nhận ra: Các sản phẩm đan móc tuy không được thịnh hành như trước, nhưng nếu làm tỉ mỉ, sáng tạo, tinh tế, vẫn chiếm được cảm tình của người tiêu dùng và có được vị trí xứng đáng trên thị trường. Chị miệt mài học hỏi thêm nhiều mẫu mã mới.

Các sản phẩm đan móc qua bàn tay khéo léo của những người thợ không chỉ dừng lại ở các sản phẩm mang tính ứng dụng mà còn mang tính nghệ thuật độc đáo riêng biệt. Từ những kỹ thuật đan móc học được của bà, của mẹ, chị Nga đã sáng tạo thêm nhiều mẫu mã mới phục vụ nhu cầu quà tặng, lưu niệm.

Bên cạnh đó, chị còn phát triển thêm những món đồ nội thất từ đan móc như rèm, chăn, gối, hay những sản phẩm thời trang dành cho mẹ và bé như áo dài, khăn choàng, áo kiểu... Hiện nay, mỗi tháng chị Nga giới thiệu ra thị trường khoảng 120 mẫu sản phẩm.

Khi sản xuất đã đi vào ổn định, chị Đoàn Thị Nga dành thời gian cần mẫn tham gia các khu du lịch, các quầy hàng lưu niệm, hội chợ khắp các vùng miền để quảng bá những sản phẩm đầu tiên. Không phụ công người bền tâm dốc sức, các sản phẩm đều được thị trường trong nước chấp nhận và tìm được thị trường tiêu thụ tại nước ngoài, được người nước ngoài đánh giá cao... Đây chính là nguồn động lực để người phụ nữ đất Cảng ổn định, phát triển quy mô sản xuất.

Nếu chị Đoàn Thi Nga không giới thiệu, ít ai có thể nghĩ những sản phẩm đan móc khéo léo, đẹp mắt được bày bán tại khắp các khu du lịch ở Hải Phòng, hay nhiều địa phương trên cả nước được làm bởi những người khuyết tật.

Chị Nga chia sẻ: Dạy nghề cho người bình thường khó mười phần, thì dạy nghề cho người khuyết tật khó khăn gấp bội. Những khiếm khuyết về tinh thần, những hạn chế về thể chất là rào cản để họ tiếp thu, học tập. Có người cả năm trời không làm được một mẫu. Nhưng nếu kiên trì chỉ bảo cho họ, họ còn làm chăm chỉ và có trách nhiệm hơn rất nhiều.

Từ năm 2004 đến nay, HTX thủ công mỹ nghệ An Dương của chị Đoàn Thị Nga đã tạo việc làm và thu nhập đều đặn cho hơn 300 lao động, chủ yếu là phụ nữ nghèo và người khuyết tật, giúp chị em ổn định cuộc sống. Các sản phẩm đan móc thủ công của Hợp tác xã được thị trường ưa chuộng và đạt nhiều giải thưởng, nhiều bằng khen, giấy khen. Năm 2016, chị Đoàn Thị Nga đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Chị Nga cũng là nghệ nhân ưu tú duy nhất của Việt Nam về lĩnh vực đan móc.

Tác giả: Trần Lê

Nguồn tin: Báo Phụ nữ Việt Nam

  Từ khóa: đan móc , nghệ nhân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP