Chiến công triệt phá đường dây tội phạm ma túy với số lượng cực lớn, ở nội địa và xuyên quốc gia của lực lượng công an góp phần bảo vệ, giữ gìn sự trong sạch, bình yên cuộc sống.
Chỉ riêng một chuyên án 006-N gần đây, kết thúc giai đoạn I, cơ quan cảnh sát điều tra (CQCSĐT) Công an Quảng Ninh, phối hợp với các Cục Nghiệp vụ của Bộ Công an và Công an các tỉnh thành: Hà Nội, Phú Thọ, Lạng Sơn, Hòa Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh, Sơn La… đã điều tra khởi tố 147 bị can, thu giữ 112 bánh heroin, 11.500.000 viên ma túy tổng hợp, 1,28kg ma túy tinh thể đá, 15 ô tô, 80 điện thoại di động cao cấp, cùng nhiều vũ khí nóng như súng AK, súng tự chế, súng lục, lựu đạn… Và làm rõ số lượng ma túy bọn tội phạm đã tiêu thụ là 25.000 bánh heroin, nửa triệu viên ma túy tổng hợp, 40kg ma túy tinh thể đá.
Sau hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, trong số 89 bị can, có 29 tên lĩnh án tử hình, 14 tên lĩnh án tù chung thân…
Đường dây kinh doanh thần chết
Địa hình vùng biên giới Việt – Lào – Trung Quốc, phần lớn là rừng núi hiểm trở.
Luật phòng chống tội phạm ma túy của Nhà nước Lào, khác với Việt Nam. Người dân một số vùng núi của Lào, vẫn lén trồng cây thuốc phiện. Bạn đến nhà, mời nhau “vài khói” nàng tiên nâu, bình thường như dân miền núi ở bên ta, mời nhau chén rượu nhạt. Do vậy, bọn đầu nậu ở Lào mua bán, vận chuyển trái phép ma túy không quá khó khăn.
Ma túy từ Lào, phần lớn được lấy từ Miến Điện vào Lào, rồi được bọn tội phạm bí mật tập kết tại các vùng có địa hình hiểm trở, giáp ranh với biên giới nước ta, dọc các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hòa Bình, Sơn La… chờ tiêu thụ.
Đồng bào các dân tộc vùng biên còn nghèo, trình độ dân trí thấp. Họ lao động cả năm trên nương rẫy nhọc nhằn mà thu nhập không bằng công vận chuyển thuê một vài bánh heroin, giá năm, bảy triệu đồng, nên dễ bị bọn trùm ma túy dụ dỗ, lôi kéo để người nọ móc nối với người kia, thi nhau đi mua gom ma túy cho chúng.
Một số bản ở huyện Mộc Châu như Tà Dê, Lũng Xá… thuộc xã Lóng Luông, có những nhóm đàn ông mạnh khỏe, từ 20 đến 30 người, thông thạo đường rừng, sáng đeo gùi, ba lô, mang theo súng AK, lựu đạn, dao quắm… vượt rừng, sang Lào, mua heroin, chiều lũ lượt kéo về, dẫn theo cả người Lào sang nhận tiền bán ma túy tại bản.
Dư luận đã từng biết đến tên Sa Văn Cầu người Mông, cầm đầu một đường dây hơn 30 người. Hắn tinh ranh như sói đầu đàn, thuộc làu mọi ngõ ngách đường rừng từ Việt Nam sang Lào và có mối quan hệ thân thiết với các sắc tộc ở đây để thuê họ mua gom ma túy, chuyển về cho đường dây tội phạm của hắn tại Việt Nam tiêu thụ, hay xuất sang Trung Quốc.
Chỉ trong một thời gian ngắn, từ tháng 11/2011 đến tháng 7/2012 CQCSĐT Công an Quảng Ninh đã làm rõ: Sa Văn Cầu đã vận chuyển trái phép qua cửa khẩu Lao Mèo – Thanh Hóa, vào Việt Nam, để đưa sang Trung Quốc tiêu thụ 784 bánh heroin và chuyển ngược lại Việt Nam 80.000 viên ma túy tổng hợp, 18 kg ma túy đá…
Phần lớn số tội phạm ma túy của đường dây này đã bị bắt. Sa Văn Cầu hiện đã có lệnh truy nã tại Lào, nhưng có thông tin, hắn vẫn thuê nhà, cách Viêng – Chăn hơn chục cây số để tiếp tục mua bán trái phép cái chết trắng…
Trên cơ Sa Văn Cầu, phải kể đến “Bố già” Sồng A – Lâu, cầm đầu một đường dây 69 đối tượng. Tên này, người nhỏ thó, nhưng xảo quyệt, tinh quái. A-Lâu nguyên là một bộ đội giải ngũ, về Lóng Luông làm xã đội trưởng. Ngày còn tại ngũ, A-Lầu làm thủ kho, quân khí, hiểu rất rõ về tính năng các loại vũ khí nhẹ và cách chế tạo bom mìn.
Dân trong bản đồn thổi: A-Lâu đã chế tạo hai quả bom, mỗi quả nặng 20kg, trong chứa 5 kg thuốc nổ và rất nhiều bi chì, mảnh sắt phi 6, cắt vát để gây sát thương tối đa.
Một quả A-Lâu để trên xe, một quả để tại kho ma túy. Nếu bị vây bắt, đường cùng, y sẽ kích bom nổ bằng sóng điện thoại di động. A-Lâu bắn súng ngắn bằng cả hai tay và sử dụng súng AK thiện nghệ.
Nhà A-Lâu ở bản Lũng Xá, cách đường chính gần 5km, luôn có “vệ sĩ” cảnh giới 24/24 giờ. Số đông dân trong bản là người Mông, cùng họ tộc, rất nhiều người đi thu gom ma túy cho A-Lâu, nên gắn bó, bảo vệ nhau quyết liệt. Đặc biệt là bảo vệ tên “bố già” rất quyền lực của họ…
Các đường mòn trong bản, đám thanh niên cảnh giới của A-Lâu, đeo súng AK đi lại rất nghênh ngang. Người lạ vào bản, khó qua mắt bọn cảnh giới.
A-Lâu thường đi cùng Nguyễn Hùng Dũng (Dũng “ộp”) rất ngổ ngáo, từng có nhiều tiền án, tiền sự… về mua gom ma túy của người Mông hay người Lào vượt biên mang sang, đem về nhà, đóng gói. Rồi Nguyễn Duy Thắng cùng A-Lâu chở ma túy (có vệ sĩ mang súng, lựu đạn đi bảo vệ), sang nhà con rể là Khà-A-Tùng, thuộc bản Hang Kia, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, tập kết.
Mỗi khi vận chuyển ma túy từ bản Hang Kia ra quốc lộ 6, để về Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh… giao cho các đầu mối tiêu thụ, A-Lâu phân công cụ thể: Nhóm áp tải, nhóm dò đường, nhóm khóa đuôi, rất chu đáo. Mỗi nhóm đi trên một taxi mang theo súng AK, lựu đạn…
Trên đường đi, các nhóm có thể đổi vị trí cho nhau. Nguyễn Duy Thắng và A-Lâu ngồi trên một ô tô riêng. Đi đến đoạn rừng già, tiếp giáp giữa Sơn La – Hòa Bình, Trần Đức Việt một nhân vật có số má thuê taxi chờ sẵn tại địa điểm linh hoạt nào đó và bố trí lực lượng đối phó…
Tại đây, ma túy được chuyển sang xe taxi của Việt, rồi Việt cùng Thắng và các nhóm đi tiếp. Còn A-Lâu quay về bản, có bảo vệ đi kèm.
Từ giữa năm 2011, đến tháng 3/2012 (8 tháng), Dũng, Thắng đã được A-Lâu chỉ đạo, vận chuyển 60 chuyến ma túy (khoảng 5 ngày/chuyến)
Chỉ sau hơn một năm, đường dây Sồng A-Lâu đã vận chuyển, tiêu thụ trót lọt 3.428 bánh heroin, 260.750 viên ma túy tổng hợp, 17kg ma túy đá…
Vòng kim cô nghiệt ngã
Đại tá Nông Văn Đắc, Giám thị trại tạm giam lán 14 – nơi giam giữ tử tù của Công an tỉnh Quảng Ninh có dáng người cao to, lực lưỡng, nhưng hiền, chân chất. Ông và mấy cán bộ quản giáo đưa tôi xuống một căn phòng nhỏ, gặp một số tử tù của chuyên án 006 – N.
Tử tù đầu tiên là Hoàng Văn Hào được dẫn vào phòng.
Hoàng Văn Hào, chân đeo xiềng, khom khom cúi xuống chào chúng tôi.
Ý nhị, đại tá Đắc lùi ra. Khi chỉ còn lại hai người, tôi hỏi Hào:
– Cháu là người dân tộc Nùng, có vợ, có con, là kỹ thuật viên X – quang của bệnh viện Thái Nguyên. Ổn thế, sao lại đi mua bán ma túy?
Lặng im một lúc, Hào chậm rãi trả lời:
– Cháu chỉ là kỹ thuật viên X – quang, nên thu nhập không đủ sống. Lúc đó, anh Nguyễn Trọng Bình, quê ở thị trấn Mộc Châu biết hoàn cảnh kinh tế của cháu nên bảo: “Cái bằng kỹ thuật viên của mày, lương không đủ ăn sáng, vợ con nhờ vả gì được?”.
Lượng tiền khổng lồ từ buôn bán cái chết trắng thu về, được nhóm đổi tiền, gồm Nguyễn Duy Thắng, Nguyễn Chu Đức, Đỗ Khắc Thanh… đem đến tiệm vàng Toàn – Thủy, số 455, đường Nguyễn Trãi – Hà Nội, quy chuyển sang đôla Mỹ. Một số lần, do số tiền VNĐ quá lớn, không đếm xuể, các đối tác phải thống nhất, dùng cách cân tiền VNĐ để quy ra đôla (từ 4 đến 5 triệu USD).
Tiếp đó Bình bảo “Muốn rủng rỉnh tiền tiêu, tao giúp, nhưng phải có gan. Tao biết mày dũng cảm, nghĩ kỹ đi”. Anh Bình ghé vào tai cháu”: Bán một bánh heroin chỉ bằng phong bánh khảo, lãi bằng mấy tháng lương”. Nghe vậy, cháu run lên vì sợ.
Mấy lần gặp sau, lần nào anh ấy cũng đãi cháu ở nhà hàng rất hậu. Khi đã thân nhau, anh Bình bảo”: Tao có đầu mối rồi. Mày cứ thử một lần xem, làm sao phải sợ”…
Nghe dụ dỗ nhiều lần, cháu xiêu lòng, bán thử một bánh. Anh Bình trả công cháu 6 triệu đồng. Số tiền quá lớn với cháu lúc đó.
Lúc đồng tiền vào tay quá nhiều, quá dễ, cháu cũng khoái, khoái quá hóa say. Say và mê như thiêu thân lao vào lửa mà không để ý, mình đang phạm tội. Khi bị bắt, nghe cán bộ CQĐT phân tích, cháu mới tỉnh ra, hối hận lắm!…
Giờ đã quá muộn rồi. Với số lượng 109 bánh heroin được giao dịch, cháu khó thoát mức án cao nhất…
Tử tù thứ hai tôi gặp là Hoàng Trường Giang – người dân tộc Tày, 30 tuổi, sinh tại thành phố Bắc Giang, nghề nghiệp không, vợ con chưa có.
Giang có khuôn mặt khá điển trai, sáng sủa, da trắng hồng. Tôi hỏi Giang: “Cháu bị Tòa án quy tội vận chuyển trái phép 450 bánh heroin?”
“Vâng, nhưng cháu chỉ chở thuê cho chị Đào Thị Loan.
Lúc đầu, cháu không biết hàng chị Loan thuê chở là ma túy. Chở đến chuyến thứ ba, cháu mới biết. Lúc đó, cháu sợ lắm nhưng chị Loan bảo: “Tay nhúng chàm rồi, rửa không sạch được em ạ. Em bỏ việc, chị không nỡ hại em, nhưng sợ lộ, sẽ có người hại. Với lại, trước hôm nhận việc, thấy nhà em nghèo, chị cho vay 30 triệu đồng. Thanh toán đi, rồi tùy em…” Sợ bị thủ tiêu, lại không kiếm đâu ra tiền trả nợ. Thế là… cháu nhắm mắt đưa chân…
Tử tù thứ ba được giải vào là Nguyễn Bích Ngọc. Ngọc sinh năm 1960, tại xã Hoàng An, tỉnh Bắc Giang, là một phụ nữ có nhan sắc, khuôn mặt đẹp dịu dàng, giọng nói của Ngọc êm, nhẹ, rất thu hút người nghe.
Ngọc kể: chồng là bộ đội phục viên. Hai người con của Ngọc đều có gia đình sung túc. Trước năm 2006, Ngọc có một xí nghiệp may, hơn 400 công nhân.
Từ năm 2006, xí nghiệp sa sút vì thiếu vốn. Để duy trì xí nghiệp, Ngọc kinh doanh thêm mặt hàng chè khô, quả vải khô, xuất sang Trung Quốc, nhưng lãi không đáng kể.
Thời gian này, Ngọc quen biết Phạm Thị Kỷ ở thành phố Móng Cái – lấy chồng người Trung Quốc và Đỗ Hữu Thực, ở thành phố Thái Nguyên. Qua hai người ấy, Ngọc có quan hệ buôn bán với A Nịp, Voòng Chảy, A Phúc… tỉnh Quảng Tây.
Mối quan hệ này đưa Ngọc vào đường dây mua heroin từ Lào, qua Việt Nam, chuyển sang Trung Quốc và ngược lại đưa các loại ma túy tổng hợp, ma túy đá, từ Trung Quốc vào Việt Nam…
Và con đường phạm tội cứ thế như vòng kim cô trói buộc không buông tha Ngọc cho đến ngày bị bắt.
Còn nữa