Trường Đại học Nông lâm TPHCM. |
Ông Đặng Công Huẩn - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ vừa ký thông báo kết luận thanh tra công tác quản lý, sử dụng đất của Trường Đại học Nông lâm TPHCM.
Theo kết luận thanh tra, Trường Đại học Nông lâm TPHCM là một trong những trường đại học được tạo điều kiện giao diện tích đất sử dụng khá lớn, nhưng đã để xảy ra tình trạng lấn chiếm ở 3 khu vực, trong đó có khu vực người dân sử dụng đất đã hình thành nên một khu phố. Tuy nhiên việc xử lý thiếu kiên quyết, không đồng bộ, dẫn đến tình trạng khiếu kiện kéo dài đối với chính quyền dịa phương, không giải quyết dứt điểm được.
Kể từ năm 1990, khi được giao đất cho đến nay, trường đại học này chưa trình duyệt được quy hoạch chi tiết về sử dụng đất cũng như quy hoạch chi tiết xây dựng phát triển không gian.
Các dự án đầu tư mang tính riêng lẻ, không thể hiện sự kết nối trên tổng thể giữa Trường Đại học Nông lâm TPHCM với Đại học Quốc gia TPHCM và các dự án quản lý hạ tầng của địa phương. Điều này không chỉ gây khó khăn cho công tác quản lý mà còn tiềm ẩn sự lãng phí nguồn vốn đầu tư tiền vốn và đất đai. Trách nhiệm này thuộc về Hiệu trường Trường Đại học Nông lâm TPHCM và Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM kể từ thời kỳ 15/10/1993.
Ngoài ra, việc giao nhà đất cho 25 trường hợp là cán bộ, công nhân viên Trường Đại học Nông lâm TPHCM bị cơ quan thanh tra nhận định là không đúng quy định. Sau khi giao đất không tiến hành quản lý để xảy ra tình trạng lấn chiếm, xây dựng không phép của các hộ và tách hộ. Việc hợp tác, liên doanh, liên kết không đúng quy định (bến xe buýt, ki-ốt, xưởng pallet, khu kinh doanh cây xanh đô thị). Trách nhiệm thuộc về Hiệu trưởng Trường Đại học Nông lâm TPHCM qua các thời kỳ.
Thanh tra Chính phủ khẳng định, việc tạm giao trên 6.000m2 đất hành lang đường Xuyên Á là không có cơ sở pháp lý, không có quy định pháp lý về tạm giao đất. Trách nhiệm thuộc về Giám đốc Sở Địa chính, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương thời kỳ 2003.
Kết luận thanh tra cho rằng, Trường Đại học Nông lâm TPHCM nằm trên địa bàn giáp ranh TPHCM và Bình Dương, có tình hình an ninh tương đối phức tạp. Về mặt tổ chức bộ máy, từ năm 1990 đến nay trường trải qua hai thời kỳ nhập tách với Đại học Quốc gia TPHCM. Điều này dẫn đến sự gián đoạn trong công tác quản lý bảo vệ đất.
“Bộ máy quản lý bảo vệ đất đai yếu và kém hiệu quả, thậm chí còn có biểu hiện buông lỏng, không tuân thủ nghiêm các quy định của Nhà nước. Về phía chính quyền địa phương, tuy có một số biện pháp như tiến hành kiểm tra, ban hành các văn bản chỉ đạo nhưng việc phối hợp để ngăn chặn, xử lý tình trạng lấn chiếm chưa quyết liệt, công tác quản lý địa chính không chặt chẽ” - kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu rõ.
Cơ quan thanh tra đã kiến nghị Hiệu trưởng Trường Đại học Nông lâm TPHCM tổ chức kiểm điểm và xử lý thoả đáng các sai phạm đã nêu trên đối với các cá nhân có liên quan và có trách nhiệm xử lý dứt điểm các vụ việc.
Vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình. Theo đó yêu cầu Trường Đại học Nông lâm TPHCM lập quy hoạch chi tiết về quản lý, sử dụng đất trình Bộ Xây dựng phê duyệt. Quy hoạch bao gồm diện tích dành cho đào tạo, phục vụ đào tạo, nhà công vụ; tách khu dân cư hiện hữu ra khỏi quy hoạch, dành diện tích hợp lý giao lại cho địa phương xây dựng khu tái định cư cho các hộ trong khuôn viên của trường phải di dời.
UBND TPHCM và tỉnh Bình Dương phối hợp với Trường Đại học Nông lâm TPHCM quy hoạch các khu tái định cư, lập phương án bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư đối với các hộ trong khuôn viên trường phải di dời và lập hồ sơ giải phóng mặt bằng theo quy định…
Tác giả: Thế Kha
Nguồn tin: Báo Dân trí