Đơn khiếu nại của nhiều hộ dân vì không có tên trong danh sách xét cấp đất TĐC đợt 3 năm 2017. |
Cuộc sống chen chúc, tạm bợ
Khi không thấy tên trong danh sách được xét di dời vào khu tái định cư (TĐC) Dăm Quan đợt 3 năm 2017, nhiều hộ dân tại tổ dân phố Tuần Cầu, phường Trung Lương đã tìm đến Văn phòng Báo Xây dựng tại Hà Tĩnh để cầu cứu.
Trao đổi với phóng viên, ông Ngô Văn Minh, 70 tuổi cho biết: “Năm 1999, vợ chồng tôi mua đất và nhà tại xóm Tuần Cầu để ở và sinh sống. Vì nhà có 3 con trai nên năm 2004, tôi mua thêm một mảnh đất có diện tích 220m² với giá 16 triệu đồng ở phía trong đê tại xóm 8 Trung Lương. Mọi giấy tờ đều do tôi đứng tên”.
“Năm 2009 con trai tôi lấy vợ, đến năm 2012 thì tôi làm nhà cho ra ở riêng. Cuối 2013, vợ chồng tôi chuyển vào sống cùng các con nhưng ngôi nhà ngoài đê vẫn để vậy và vẫn đóng thuế đầy đủ”, ông Minh nói thêm.
Cũng theo ông Minh, hiện tại gia đình ông có 2 hộ và 8 nhân khẩu sống chen chúc trong một căn nhà chật hẹp. Đợt cấp đất lần này, vợ chồng ông không được xét bởi lý do ông đã có đất ở. Hai con trai thứ đã đến tuổi lập gia đình nhưng không biết ở vào đâu.
“Tôi thật sự không hiểu nổi. Tại sao họ lại đặt ra những điều kiện quái đản như vậy? Nếu trước đây tôi không mua nhà ở trong đê mà dùng số tiền đó mua vàng hoặc gửi tiết kiệm thì không những tôi được cấp đất TĐC mà còn có một số vốn để phòng khi tuổi già”, ông Minh bức xúc.
Danh sách 66 hộ dân được UBND phường Trung Lương lập làm dự án TĐC. |
Một hoàn cảnh rất đáng quan tâm nữa là hộ chị Lê Thị Trúc và anh Phan Văn Lộc. Họ cưới nhau năm 2004, tách hộ khẩu năm 2011, có hai con 13 tuổi và 11 tuổi. Lộc là con ông Khôi và bà Lân (ông Khôi đã vào TĐC năm 2014 - PV).
Chị Trúc chia sẻ: “Không biết đi đâu nên chúng tôi phải theo bố mẹ vào TĐC để ở. Lúc này gia đình tôi có tất cả 11 người, sống chen chúc trên diện tích 170m² được cấp. Bố mẹ tôi có 4 anh em trai đều đã lớn, hai người đã lấy vợ và có con cái. Nhà đông người, hoàn cảnh gia đình lại khó khăn nên chúng tôi phải nằm chung giường, chứ không có không gian riêng”.
“Hiện tại, em trai chồng tôi là Phan Văn Cảnh 29 tuổi và Phan Văn Hào 23 tuổi đều đã lớn nhưng chưa thể lập gia đình vì không có chỗ ở. Do đông người, diện tích nhà ở lại chật chội, cuộc sống chung chạ nhiều phức tạp nên vừa qua vợ chồng chú Phan Văn Định buộc phải thuê nhà ra ở riêng”, chị Trúc nói thêm.
Cùng chung cảnh ngộ là hộ chị Phạm Thị Yến và anh Nguyễn Văn Chiến. Hai người cưới nhau năm 2010, tách hộ khẩu 2011, có hai con nhỏ. Gia đình anh Chiến đang sống cùng mẹ đẻ là bà Đậu Thị Thương (đã vào TĐC - PV). Hiện tại bà Thương ở cùng 2 con trai, 2 con dâu và 3 cháu nhỏ, tổng cộng có 8 người. Cũng vì chật chội, cuộc sống chung đụng quá phức tạp nên vợ chồng con cái chị Yến phải dắt díu nhau qua ta túc bên Ngoại.
Năm 2014, ông Ngô Văn Minh vẫn phải đóng thuế đất ở cho 02 lô đất của gia đình. |
Ban hành quy định có “làm khó” dân?
Nói về chủ trương của dự án cũng như quan điểm của địa phương trong việc xét cấp đất TĐC, một cán bộ phường Trung Lương cho biết: “Bản chất của dự án là dành cho những người không có đất, họ phải sống ở vùng thường xuyên bị ngập lụt, sạt lở đất, bị thiên tai đe dọa. Ngoài ra, những đối tượng này phải tách hộ khẩu trước tháng 8/2011 thì mới được cấp đất”.
Danh sách 10 trường hợp được xét đề nghị di dời vào khu TĐC Dăm Quan đợt 3 năm 2017. |
Lý giải về việc nhiều hộ dân có tên trong danh sách cần phải di dời khẩn cấp nhưng lại không được cấp đất TĐC, vị cán bộ này chia sẻ: “Khi có dự án, người ta yêu cầu lập danh sách các đối tượng nằm trong vùng thấp trũng thôi, chứ có điều tra khảo sát gì đâu. Sau này, khi có chủ trương di dời thì người ta yêu cầu rà soát lại để tránh tình trạng lợi dụng”.
“Việc đưa người không đúng đối tượng vào danh sách là sai và đã bị cấp trên phê bình, nhưng khi cấp đất thì phải cấp đúng đối tượng. Không có chuyện sau khi lập dự án rồi mới tách hộ khẩu thì lấy đâu ra đất mà cấp”, vị này nói thêm.
Khi phóng viên có đặt câu hỏi, số lô đất dư thừa không được cấp cho người dân TĐC thì để làm gì? Vị này cho biết: “Sau khi hoàn chỉnh dự án TĐC, phần còn lại sẽ dùng để phục vụ mục đích phúc lợi công cộng trên địa bàn toàn thị xã. Khi làm dự án mà không có đền bù hoặc có chủ trương giản dân thì sẽ đưa về đây”.
Nhiều hộ dân không được xét cấp đất tập trung phản ánh với phóng viên Báo Xây dựng. |
Trong khi nhiều hộ gia đình không có đất để ở, phải sống chen chúc, chung chạ, tạm bợ trong những khuôn viên chật hẹp, thì việc sử dụng đất cho những chương trình khác liệu có sai về mục đích ban đầu của dự án? Mặc dù họ tách hộ khẩu sau khi có chủ trương nhưng các hộ gia đình này vẫn nằm trong danh sách được đề xuất, không phá vỡ quy mô của dự án.
Là dự án do Chính phủ phê duyệt, hoàn toàn sử dụng ngân sách của Nhà nước, với mục tiêu nhằm ổn định cuộc sống và đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho các hộ dân hiện đang sinh sống ngoài đê, vùng ven sông Minh hàng năm thường xuyên bị ngập lụt, sạt lở đất, bị thiên tai đe dọa. Hà cớ gì chính quyền địa phương lại đặt ra các điều kiện “tréo ngoe” để “làm khó” người dân như vậy?
Trong khi nhiều hộ dân không có đất ở, việc sử dụng đất TĐC Trung Lương cho những chương trình khác liệu có sai về mục đích ban đầu của dự án? |
Mong muốn được di dời vào TĐC Dăm Quan là nguyện vọng và quyền lợi hết sức chính đáng của người dân thôn Tuần Cầu nói riêng và những người sống ở vùng thường xuyên ngập lụt tại phường Trung Lương nói chung. Điều này cũng phù hợp với mục đích cao cả và nhân văn của dự án mà Chính phủ đã phê duyệt. Liệu chính quyền địa phương có bàng quan, vô cảm khi đặt ra các quy định "cố tình rằng buộc", khiến nhiều hộ dân phải sống cảnh chen chúc, tạm bợ, không thể an cư để lạc nghiệp?
Tác giả: Trần Hoàn - Phi Long
Nguồn tin: Báo Xây dựng