Nhạc sĩ Ánh Dương đã khéo vận dụng dân ca Nghệ Tĩnh để làm nên một tác phẩm âm nhạc dễ hát, dễ thuộc và đầy tình người đến thế.
hatinh24h

Tôi nhớ năm 1970 chúng tôi đến Binh trạm 66 ở Phố Phan Đình Phùng, Hà Nội do ông Thống (quê Nghi Xuân, Hà Tĩnh) phụ trách. Ông rất tự hào về bài hát “Chào em cô gái Lam Hồng” vì địa danh núi Hồng, Sông Lam phần lớn đều thuộc huyện Nghi Xuân và ông thường hát mỗi khi trò chuyện. Chúng tôi mở máy ghi âm, thu thanh ông Thống phát biểu cảm nhận về bài hát, còn Ánh Dương thì kể chuyện xuất xứ khi nhạc sĩ sáng tác ca khúc này…

“Mùa hè năm 1967, là cán bộ của Đoàn văn công Quân khu 4 mình được đi dự Đại hội thi đua Quyết thắng tỉnh Hà Tĩnh tổ chức tại xã Sơn Bằng, huyện Hương Sơn. Dự Đại hội xong được mời về giúp đỡ Đoàn văn công Tỉnh đội đóng ở xã Nhân Lộc, huyện Can Lộc. Đường về không xa nhưng địch đánh phá rất ác liệt, phải đi ban đêm. Đồng chí Hảo, Chủ nhiệm Chính trị đưa tôi về, không quên dặn: “Đồng chí yên tâm, hai bên đường bà con làm rất nhiều hầm, chỗ nào cũng có thanh niên xung phong bảo vệ”.

Đêm hôm đó trăng mờ, trời lất phất mưa, máy bay địch bắn pháo, sáng rực trời. Trên đường liên tục có các nữ thanh niên xung phong ra chào, hỏi thăm rất thân tình và vui vẻ. Anh Hảo còn nói anh  rất muốn có một tác phẩm viết về nữ thanh niên xung phong can trường, dũng cảm này. Họ quên cả thân mình để con đường thông suốt. Tôi nói: Đúng là các cô gái thanh niên xung phong Hà Tĩnh thật gan dạ. Con đường 15A bom đạn cày đi, xới lại hai bên không còn màu xanh, sống chết kề trong gang tấc, thế mà các cô gái mới mười tám, đôi mươi kiên cường bám trụ suốt ngày đêm. Xe đang chạy tự nhiên phải dừng lại. Bom nổ trước mặt. Mặc cho máy bay đang gầm rú, các cô hối hả lấp hố bom cho xe chúng tôi qua. Họ xem cái chết nhẹ tựa lông hồng. Mỗi chiếc xe đi qua trọng điểm lại bắt gặp tiếng nói, tiếng cười, lời chào thân thiện. Thỉnh thoảng lại có giọng hò bằng làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh vút lên làm xao xuyến lòng người: “Hỡi anh chiến sĩ lái xe / Chiến thắng anh về vui với chúng em…nhé”.

nhac si anh duong va bai hat 'chao em co gai lam hong' hinh 0

Chứng kiến những hình ảnh cảm động đó, trong tôi trào lên cảm xúc. Đêm đó, tôi hoàn thành ca khúc “Chào em cô gái Lam Hồng”. Về Tỉnh đội, tôi đem dàn dựng cho anh chị em diễn viên. Trước khi trở về đơn vị, tôi báo cáo với Bí thư Tỉnh ủy lúc bấy giờ là Nguyễn Văn Linh, ông khen bài hát hay và chép cho ông một bản.

Đầu năm 1968, Đại hội thi đua Quyết thắng toàn         Quân khu 4, Đoàn văn công dàn dựng thành tiết mục tam ca bài hát này để chào mừng Đại hội. Không ngờ bài hát lại cuốn hút người nghe đến thế! Chẳng mấy chốc, ca khúc lan ra toàn Quân khu, người trên sân khấu hát, khán giả ở dưới cũng vỗ tay hát theo…  Từ đó, ca khúc được khán giả và thính giả cả nước yêu thích thông qua chương trinh ca nhạc của Đài Tiếng nói Việt nam…”

https://www.youtube.com/watch?v=h1uKXVejYz8

Mỗi lần nghe lại những lời hát: “Xe ta bon trên dặm đường giữa làng quê ta băng qua bao suối đèo đồi nương mà xe ta băng ra chiến trường”… Tôi cứ tưởng tượng người lái xe đó đang trên đường vô Nam xe phải qua vùng Nghệ Tĩnh quê mình. Con đường gồ ghề sỏi đá của chiến tranh không ngăn được vòng bánh xe cứ lăn đều dưới tay anh chiến sĩ lái xe ấy. Anh cứ vui vẻ hát, vui vẻ lái xe, mặc bao nguy nan đang rình rập, và tình cảm biết bao khi bên anh là “Cô gái Lam Hồng, giữa tiếng bom gào đạn nổ vẫn nghe vang vang câu hò trên đường”… Và cũng đầy ắp niềm tin yêu, lạc quan: “Dù xe anh chạy đêm chạy ngày; cũng chẳng bằng tình nghĩa em vì miền Nam bao yêu thương”… “Dù xe anh chạy đêm chạy ngày, cũng chẳng bằng tình nghĩa em băng mình trong bao gian nan”…

Nhạc sĩ Ánh Dương (Tên khai sinh là Lê Văn Dương, sinh năm 1935, quê ở xã Sơn Hải, Quỳnh Lưu, Nghệ An, cựu Trưởng đoàn Văn công Quân khu 4), ông đã khéo vận dụng dân ca Nghệ Tĩnh để làm nên một tác phẩm âm nhạc dễ hát, dễ thuộc và đầy tình người đến thế. Trong giải thưởng nhà nước mà ông được tặng có ca khúc “Chào em cô gái Lam Hồng”./.

Nhạc sĩ Dân Huyền/VOV