Từ đường dòng họ Nguyễn Hữu được xây dựng vào cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19 dưới vương triều Nguyễn, thờ các vị tiên tổ của dòng họ, đặc biệt là các vị thủy tổ đã có công lao lớn đối với quê hương, đất nước được các triều đại nhà Nguyễn ban phong sắc chỉ bằng cấp vì đã có công đánh giặc, tiểu phỉ ở xứ Đàng ngoài trong những năm cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19 dưới triều Nguyễn.
Cũng tài liệu lịch sử và bản gia phả bằng chữ Hán của dòng họ, Nguyễn Hữu Gián sinh năm Ất Tỵ (1768), là cháu đời thứ 8 của dòng họ Nguyễn Hữu có gốc từ làng Cương Xá, xã Thái Hà, huyện Thạch Hà, phủ Hà Hoa xưa (nay là thôn Chi Lệ, xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc) giữ chức khảo thụ võ công đô úy hộ quân cai đội suất Đại đội 5, vệ minh võ dinh thần cơ Chánh ngũ phẩm, gia một bậc ghi vào sổ hai lần, giữ nguyên hàm về hưu trí tại quê.
Dưới triều vua Tự Đức, dòng họ Nguyễn đời thứ tám còn có danh thần Nguyễn Hữu Ý, võ nghệ cao cường, giữ chức đội trưởng thập thứ 2 vệ minh võ quân dinh thần cơ quan chưởng vệ hộ lý An Tĩnh.
Đặc biệt, trong dòng họ Nguyễn Hữu hiện nay còn lưu giữ một số văn bản gốc bằng chữ Hán đã được dịch sang chữ quốc ngữ là bản khai thành tích của vị danh thần Nguyễn Hữu Khuê, thuộc đời thứ tám của dòng tộc, có công lao lớn tiêu trừ thổ phỉ vùng biên ải, được vua Tự Đức ban thưởng sắc phong.
Nối tiếp truyền thống, các thế hệ con cháu dòng họ Nguyễn Hữu có nhiều đóng góp cho quê hương, đất nước qua các thời kỳ lịch sử.
Việc công nhận là dịp để con cháu dòng họ tỏ lòng thành kính, biết ơn đối với các thế hệ cha ông, đặt ra trách nhiệm trong việc quản lý, bảo vệ, giữ gìn, tôn tạo và phát huy các giá trị to lớn của di tích.
VÕ QUANG ĐẠT/ Baohatinh.vn