Văn hoá Dân gian

Nhà thờ Hoàng Quốc Trướng đón nhận bằng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh

Ngày 17/7/2015, Đảng ủy, HĐND, UBND xã Thạch Khê đã tổ chức trọng thể lễ đón nhận bằng di tích lịch sử văn hóa nhà thờ Hoàng Quốc Trướng. Đến dự lễ có đại diện lãnh đạo Sở VH,TT&DL, Bảo tàng tỉnh, lãnh đạo huyện Thạch Hà cùng đông đảo cán bộ, nhân dân địa phương và con cháu dòng họ Hoàng.

Bi-thu

Gia phả cho biết dòng họ Hoàng – Thạch Khê có nguồn gốc từ thôn Phúc Lộc, xã Cổ Động, tổng Cổ Động, thành Thăng Long nhập cư về thôn Đan Khê, làng Long Phúc khoảng thế kỷ XVI. Trải qua hàng trăm năm hình thành phát triển, họ Hoàng tự hào đã đóng góp công sức, trí tuệ vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng quê hương đất nước, trong đó tiêu biểu là Hoàng Quốc Trướng vị tiền bối được triều đình vinh danh, nhân dân tôn làm thành hoàng làng. Hoàng Quốc Trướng sinh năm Đinh Vị (1727) dưới triều vua Lê Dụ Tông, tự là Khắc Chí. Thuở nhỏ nổi tiếng là người thông minh hay chữ nhưng ông lại say mê võ nghệ đặc biệt môn vật. Năm Mậu Thìn (1748) dưới triều vua Cảnh Hưng, Hoàng Quốc Trướng gia nhập quân đội nhà Lê và nhờ tài năng nên được chọn vào đội quân bảo vệ hoàng cung, ông đã thể hiện tài chỉ huy thao lược nên chỉ hai năm sau, năm Canh Ngọ (1750) được phong Vệ uý Đô chỉ huy sứ phụ trách quân Cấm Vệ bảo vệ cung vua. Năm Qúy Dậu (1753) được phong hàm Ngũ phẩm khi ông khám phá ra một vụ án để minh oan cho một văn thần. Là người mưu trí, dũng cảm lại nhân đức nên cảm hóa được nhiều thành phần quan lại, binh lính nhờ đó phát hiện kịp thời và chính xác nhiều âm mưu chống phá triều đình. Ông rất được binh sĩ tin tưởng, triều đình trọng dụng. Sau 38 năm phục vụ quân đội triều đình nhà Lê, theo nguyện vọng của ông, vua Lê Hiển Tông chuẩn y cho về quê trí sĩ. Năm Bính Ngọ (1786) quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy tiến ra Bắc Hà phù Lê diệt Trịnh. Nguyễn Huệ đã cho người đến giao mật thư yêu cầu ông góp sức lật đổ chúa Trịnh. Vốn căm phẫn chúa Trịnh thường xuyên ức hiếp vua Lê, ông đã phối hợp với quân Tây Sơn cung cấp thông tin về đồn binh của quân Trịnh cũng như đường vào phủ Chúa giúp quân Tây Sơn dễ dàng đè bẹp quân Trịnh. Cuối năm đó ông về quê trí sĩ ở tuổi 59, được nhà vua tặng bổng lộc và ban sắc phong và đặc biệt được lãnh tụ phong trào nông dân Tây Sơn tặng một bằng khen và vàng bạc.

Năm Kỷ Dậu (1789) quân Thanh xâm lược nước ta, Nguyễn Huệ hành quân ra Bắc, khi đến Thạch Hà nhà vua cho người đưa thư đến tận nhà mời ông giúp sức đánh giặc. Tuy tuổi đã già, ông vẫn hăng hái ra trận và được sung vào đạo trung quân do vua Quang Trung chỉ huy. Nhờ có thời gian phục vụ trong quân đội nhà Lê nên ông thông thạo đường đi lối lại ở kinh thành và cung cấp cho quân Tây Sơn những thông tin quan trọng về nơi bố trí các đồn binh của giặc để tác chiến thần tốc bất ngờ và giành thắng lợi rực rỡ.

Một việc làm rất có ý nghĩa của Hoàng Quốc Trướng sau khi về trí sĩ được người đời trân trọng là việc đắp đập, khơi mương để điều tiết nước từ khe Đan Khê về tưới tiêu cho các cánh đồng Nhà Dê, Phúc Thượng, Cồn Bắn, Cửa Đền thường xuyên bị hạn hán. Từ đó các cánh đồng Nhà Dê, Phúc Thượng và các xứ ruộng kề cận đã chủ động việc tưới tiêu, năm 2 vụ lúa bội thu, dân tình no đủ làng mạc trù phú.

Từ các tư liệu lịch sử cho phép khẳng định Hoàng Quốc Trướng là một trung thần đã có đóng góp lớn trong sự nghiệp xây dựng quê hương nên được triều đình vinh danh công trạng, nhân dân tôn làm Thành hoàng và lập đền thờ phụng. Ngày 28/02 /2015, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ra Quyết định số 732/ QĐ-UBND công nhận nhà thờ Hoàng Quốc Trướng là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Đây là sự kiện quan trọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương, qua đó góp phần phát huy hơn nữa những giá trị văn hóa tốt đẹp của tiền nhân trong công cuộc xây dựng quê hương đất nước./.

Võ Đình Thi / Sở VH-TT&DL

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP