“Tôi biết đây là điều rất khó, tìm thấy thi thể toàn vẹn càng khó. Thủ cấp bị mất từ năm 1941, không có thông tin, không biết nơi an táng nhưng chính giọt nước mắt của những người trong đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, đồng đội của liệt sĩ Phùng Chí Kiên và nhận thấy sứ mạng của mình đối với những người có công, hy sinh vì đất nước, tôi đã nhận lời giúp. Tôi đã đem cả cái tâm trong sáng của mình và phát huy khả năng của mình tối đa nhất để giúp cho những đồng đội của bác cũng như gia đình lấy được những thông tin về nơi an tang thủ cấp liệt sĩ”, bà Hằng nói.
Cũng theo bà Hằng, trong quá trình ngoại cảm, liệt sĩ Phùng Chí Kiên đã cho bà biết thông tin người lấy thủ cấp của ông đi chôn cũng như vị trí được chôn cất.
“Bác đã báo cho tôi biết, một người tốt bụng đã lấy thủ cấp của bác đi chôn cất. Người đó là thợ cắt tóc tên Vẹo, ở đầu cầu Ngân Sơn, Bắc Cạn. Sau 4 ngày bêu đầu, trong đêm người thợ cắt tóc đã lấy được đầu bác, cho vào hộp các đồ nghề của ông rồi trốn đem mai táng ở ruộng bên cầu Ngân Sơn. Khi đoàn tìm kiếm xuống hiện trường đã tìm được vùng đất nhưng rất tiếc là cụ Vẹo đã không còn sống. Cụ Vẹo có một người con tên là Vò và người dâu tên là Lại. Người con dâu xác nhận, khi còn sống cụ nói là đã chôn thủ cấp của liệt sĩ Phùng Chí Kiên. Chị ấy nói là rất tiếc, nếu đoàn lên sớm, cụ còn sống sẽ chỉ có đoàn biết nơi chôn đầu của liệt sĩ Phùng Chí Kiên. Ngày 7/5/2008 tôi cùng đoàn lên để xác nhận lần cuối cùng vị trí chôn cất liệt sĩ Phùng Chí Kiên. Khi lên đến Ngân Sơn và vị trí bác Kiên cho biết thì vị hiện đang nằm phía sau phòng công an huyện Ngân Sơn. Tôi đã cùng với gia đình xác định xong toàn bộ vị trí và bàn giao cho gia đình sau đó tôi có việc đôt xuất nên về trước. Phần mộ và cất bốc hài cốt liệt sĩ sau đó do gia đình và cơ quan chức năng đảm nhiệm” ”, bà Hằng kể về quá trình nhận thông tin, xác minh và bàn giao vị trí chôn thủ cấp từ liệt sĩ Phùng Chí Kiên bằng ngoại cảm.
Nhắc đến những thông tin phản bác kết quả tìm kiếm thủ cấp liệt sĩ Phùng Chí Kiên trên các kênh truyền thông mấy ngày nay, bà Hằng khóc và nói “tôi rất buồn”.
“Khi nhận được thông tin nói rằng phần hài cốt tôi tìm được không phải thủ cấp của liệt sĩ Phùng Chí Kiên tôi rất là buồn. Nhưng lúc đó tôi có số điện thoại để liên lạc với gia đình, gia đình cũng không có bất kỳ sự phản hồi nào đối với tôi. Nếu tôi biết được gia đình phản hồi như thế nào thì tôi sẽ gặp gia đình bởi vì tôi vẫn nghĩ trong lúc làm việc bằng ngoại cảm, tôi đã cố gắng hết sức rồi và tâm linh đăc biệt cho phép tôi, chỉ dẫn tôi đến đâu thì tôi làm được đến đó. Nếu không được như mong muốn của gia đình thì cũng nằm ngoài mong muốn của tôi nhưng tôi không nhận được thông tin gì . Cho đến nay khi sự việc chưa ngã ngũ, tôi rất là buồn…”, bà Hằng khóc nghẹn và ngồi thụp xuống ghế.
Trong Đại lễ cầu siêu các liệt sĩ, đặc biệt là liệt sĩ nhà Tây Sơn diễn ra tại Bình Định cuối tháng 7 vừa qua, Phan Thị Bích Hằng nói rằng nhận được tín hiệu từ hai cụ thân sinh vua Quang Trung và cả Đức vua Quang Trung. Khi chuyển lời vua Quang Trung, bà Hằng có nhắc tới nhân vật lịch sử vua Lê Chiêu thống và những thông tin hoàn toàn sai kiến thức lịch sử.
“Vua Quang Trung nói: Nhạc phụ của ta cứ muốn ta mời cả anh vợ ta vào nữa. Ta không đồng ý ghi là Lê Chiêu Thống mà chỉ được ghi là Lê Duy Kỳ với tư cách là anh vợ thôi chứ không phải là là ông Hoàng đâu đấy”, lời bà Phan Thị Bích Hằng được cho là chuyển lời từ vua Quang Trung.
Như vậy, theo thông tin của bà Hằng “ngoại cảm”, vua Lê chiêu Thống là anh vợ của vua Quang Trung. Trong khi đó, theo sách sử ghi lại, vua Lê Chiêu Thống là cháu của Ngọc Hân công chúa, tức là cháu vợ của vua Quang Trung.
Điều này khiến nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, khoa học phản bác những thông tin được cho là nhận từ “ngoại cảm”, nhất là những lời nói được cho là của các nhân vật lịch sử chuyển lời.
Theo Techz.vn