Giáo dục

Nhà giáo bị vướng vào vòng lao lý là làm mất niềm tin với xã hội

Xã hội đã mất niềm tin vào những nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục khi họ bị vướng vào vòng lao lý từ việc gian lận trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018.

Năm 2018, dù đã có nhiều nỗ lực trong sửa đổi các dự thảo luật về giáo dục, đổi mới hoạt động dạy và học, thi cử, đào tạo học sinh giỏi... nhưng ngành giáo dục và đào tạo đã để xảy ra nhiều vụ việc nghiêm trọng như: gian lận thi cử trong kỳ thi THPT quốc gia, bạo lực, bạo hành trong nhà trường, hiệu trưởng xâm hại học sinh nam...

Sở GD-ĐT Sơn La, nơi được phát hiện có dấu hiệu sai phạm trong thi THPT Quốc gia tinh vi hơn ở Hà Giang.

Những vụ việc này liên tiếp xảy ra đã đưa đến một bức tranh ảm đảm cho ngành giáo dục- đào tạo mà nhiều người ví là “một năm buồn”, khiến xã hội mất niềm tin, ít nhiều ảnh hưởng đến tình cảm tôn kính đối với ngành làm nhiệm vụ cao quý “trồng người”.

Quỳ gối, tát má, đó là những “từ khóa” xuất hiện thành chuỗi nổi bật trong nhà trường ở nhiều địa phương trong năm 2018. Có thể kể đến các vụ việc như: cô giáo ở Hải Phòng bắt học sinh lớp 3 uống nước giặt giẻ lau bảng, cô giáo tiểu học ở Long An bắt học sinh quỳ gối.

Trong tháng 11 và 12 tiếp tục gây rúng động xã hội nói chung và ngành giáo dục đào tạo nói riêng khi xảy ra vụ việc cô giáo ở Quảng Bình chỉ đạo học sinh tát bạn cùng lớp 231 cái và một cô giáo khác ở Hà Nội cũng có việc làm tương tự đối với học sinh.

Rồi một loạt các vụ bạo hành khác cũng xảy ra ở nhiều địa phương như giáo viên đánh trẻ mầm non ở Nghệ An, cô giáo ở TP HCM lên lớp không nói gì với học sinh trong suốt 3 tháng... Xen giữa những vụ tát, quỳ... là những vụ giáo viên bị phụ huynh hoặc học sinh uy hiếp, hành hung, chửi mắng.

Nhiều vụ việc được quay clip đăng trên mạng xã hội khiến dư luận xã hội bất bình. Vào tháng 7/2018, dư luận lại càng bất bình hơn khi gian lận có tổ chức trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 ở các địa phương Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình bị phanh phui. Hàng loạt cán bộ quản lý giáo dục cấp Sở, phòng, hoặc hiệu trưởng, hiệu phó các trường phổ thông bị vướng vào vòng lao lý, người bị bắt tạm giam, kẻ bị truy tố trước pháp luật- việc chưa bao giờ xảy ra trong ngành vốn được coi là mẫu mực từ trước đến nay.

Khởi tố bị can và ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Thị Hồng Nga, SN 1967, chuyên viên phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La, thư ký Ban chỉ đạo, ủy viên tổ chấm thi trắc nghiệm.

Ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường liên câp THCS-THPT Lê Quý Đôn, Hà Nội chia sẻ: “Những người cầm cân nảy mực mà còn có những hành vi đó, như vậy chúng ta chưa thực sự đem đến niềm tin cho học sinh, niềm tin cho phụ huynh và niềm tin cho xã hội.

Hoạt động gian lận này làm cho những thầy cô chính trực cảm thấy buồn vì những người làm công tác quản lý mà tham gia vào những hoạt động này thì hỏi rằng khi họ nói những điều tốt đẹp, những điều định hướng trong hoạt động giáo dục vậy thì còn có tác dụng nữa hay không”.

Chưa dừng lại ở đó, đạo đức của nhà giáo lại tiếp tục là vấn đề gây bức xúc trong xã hội khi vào những tháng cuối năm báo chí đưa tin về vụ Hiệu trưởng trường phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ bị tố dâm ô với nhiều học sinh nam; thầy giáo ở Gia Lai bị bắt khẩn cấp để điều tra hành vi hiếp dâm một nữ sinh lớp 8; giáo viên nữ và nhân viên kế toán trường học ở Hà Tĩnh bị bắt quả tang dương tính với ma túy tại một bữa tiệc sinh nhật...

Và trước đó là một loạt những sự việc không hay khác như vụ bê bối công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2017; chuyện 500 giáo viên hợp đồng tại Đắk Lắk mất việc trong khi toàn ngành đang thiếu gần 76.000 giáo viên; lùm xùm về chuyện độc quyền sách giáo khoa, sách bài tập dùng một lần... đã làm lu mờ những thành tích, những điểm sáng mà ngành giáo dục- đào tạo đạt được trong năm 2018.

Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nhận định: “Những sự việc xảy ra vừa qua cho nên người ta thấy màu đen của giáo dục nhiều hơn, giống như là một bát canh ngon mà người ta thường nói “con sâu làm rầu nồi canh”.

Thế nên trong giáo dục mặc dù có những thành tích rất cố gắng của ngành đáng ra là phải được vinh danh, nhưng mà những sai lầm vừa qua xảy ra làm cho người ta mất sự tin tưởng, người ta nhìn thấy đội ngũ nhà giáo về đạo đức là bị xuống cấp làm cho người ta không tin tưởng vào giáo dục”.

Tại buổi làm việc với Bộ GD-ĐT về công tác phòng chống tham nhũng vào tháng 11 năm nay, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng cho rằng, từ trước đến nay, ngành Giáo dục- Đào tạo luôn được xã hội kỳ vọng là nơi tốt đẹp nhất, để người dân tin tưởng gửi con đến học. Chính vì thế, không có gì đáng ngạc nhiên khi những sai phạm của cán bộ quản lý, giáo viên trong năm bị xã hội lên án mạnh mẽ.

Khởi tố, bắt tạm giam Đặng Hữu Thủy, SN 1964, Phó Hiệu trưởng trường THPT Tô Hiệu, tỉnh Sơn La, ủy viên tổ chấm thi trắc nghiệm (Ảnh: Công an cung cấp)

Xã hội đòi hỏi cao ở ngành giáo dục là rất bình thường bởi vì chúng ta biết rằng suy nghĩ về người thầy, về nhà trường chủ yếu là đúng và tốt đẹp, cho nên sai sót cái gì là chắc chắn chúng ta sẽ nhận được sự phê phán mạnh mẽ hơn trong các lĩnh vực khác.

Điều này là rất thực tế bởi vì tiêu cực ở một số ngành khác có thể chỉ gây ra những hậu quả trước mắt, cũng có thể là lâu dài, nhưng tiêu cực trong ngành giáo dục không chỉ gây hậu quả lớn trong giai đoạn trước mắt mà nó còn là mầm mống cho những tiêu cực nảy sinh ở những lĩnh vực khác trong tương lai.

Theo tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Hà Nội, để lấy lại được niềm tin của người dân và xã hội với giáo dục thì trong năm 2019 cần những hành động thực sự quyết liệt có khoa học của ngành, trong đó phải tập trung tổ chức thật tốt kỳ thi THPT quốc gia đảm bảo nghiêm túc thực sự, đánh giá đúng chất lượng người học.

“Bây giờ niềm tin của xã hội là phải bằng việc làm chứ không bằng lời kêu gọi được, không có lời hứa, phải làm thật sự, con em người ta thực sự hạnh phúc khi được đến trường. Và như thế Bộ Giáo dục – Đào tạo phải quyết liệt giải quyết những nút thắt chứ không tham lam, không làm nhiều việc quá. Cái gì người ta kêu là chạy theo sửa là không đúng. Đã phân cấp rồi, ở đâu làm thì ở đó phải chịu trách nhiệm mà phải tập trung giải quyết 3 vấn đề: cơ chế quản lý, thi cử, đội ngũ”, Tiến sĩ Tùng Lâm nói.

Để người dân tin tưởng vào các chính sách đổi mới của ngành thì trong năm 2019, ngành giáo dục- đào tạo cần đánh giá đúng những vụ việc sai phạm trong năm 2018, thực sự cầu thị, lắng nghe ý kiến phản biện của xã hội, đồng thời có những giải pháp quyết liệt, căn cơ, có tầm nhìn dài hạn để không chỉ khắc phục hiệu quả những vấn đề gây bức xúc xã hội trong năm 2018 mà còn phòng ngừa những vụ việc xấu xảy ra. Đặc biệt, cần chú trọng nâng cao năng lực, đạo đức cho giáo viên, cán bộ quản lý nhằm hạn chế các vụ việc vi phạm đạo đức nhà giáo, vi phạm pháp luật đã xảy ra trong năm 2018./.

Tác giả: Minh Hường

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP