"Luôn coi trọng tinh thần tôn sư trọng đạo"
Chị Nguyễn Thị Hoài (Kim Mã, Hà Nội) cho rằng, điều khoản 29 có mối quan hệ chặt chẽ với điều 32 của dự thảo Nghị định, được Bộ GD&ĐT đưa ra với mục đích nhằm kìm hãm, răn đe và xử phạt những trường hợp tiêu cực trong giáo dục như: trò xúc phạm cô, phụ huynh đánh thầy… trước thời gian vừa qua.
Nếu đối chiếu với thực tế thì những điều khoản quy định này còn nhiều kẽ hở. Phụ huynh có hành vi lăng mạ, xúc phạm hoặc nặng nhất là gây thương tích cho thầy, cô giáo thì cần xử phạt là đúng đắn. Nhưng “không có lửa, sao có khói”, giáo viên phải “quá đáng” như thế nào thì phụ huynh mới kích động làm ra việc trái đạo đức, chị Hoài nhấn mạnh.
Phụ huynh trao đổi với giáo viên. Ảnh minh hoạ (Nguồn Internet). |
“Ví dụ con tôi đi học mẫu giáo, cháu hư, cô phạt là điều đương nhiên trong mức độ cho phép. Nhưng có cô giáo phạt cháu nhiều ngày liên tiếp đứng yên một góc lớp, không cho các bạn chơi cùng, tạo ra tâm lí sợ đến lớp vì bạn bè xa lánh, cô giáo không quan tâm. Phụ huynh xót con, nhiều khi không kiềm chế được cảm xúc, ai biết chuyện sẽ đi tới đâu”.
“Việt Nam luôn coi trọng tinh thần tôn sư trọng đạo, người thầy được cả xã hội coi trọng, không lí gì lại vô cớ bị xúc phạm. Điều khoản này nhằm bảo vệ giáo viên nhưng cũng nên xem xét lại tư cách, hành vi của người đứng lớp khi xảy ra sự việc đáng tiếc. Tôi cho rằng cần chỉ rõ, các khái niệm trong dự thảo: "Xúc phạm nhân phẩm", “Xâm phạm thân thể” định lượng rõ ràng, cụ thể lời nói, thương tích thế nào? hệ quả về mặt tâm lý trên giáo viên thể hiện qua cảm giác lo lắng, sợ hãi làm sao ?... Bên cạnh đó, Nghị định cần chỉ rõ phạt bố mẹ thì ai phạt, cơ quan có thẩm quyền nào đứng ra quyết định mức phạt, chị Hoài cho biết thêm.
Đồng tình với quy định điều 29, anh Lê Đức Nam (Phú Thọ) cho biết, tôi thấy điều này rất đúng, giáo viên được bảo vệ về mặt danh dự và thân thể cao hơn. Đơn cử như chuyện, con học lớp 9, đang độ tuổi “ẩm ương”, “nửa ông, nửa thằng” chính kiến cá nhân rất cao, nếu có làm sai mà không hề nhận biết. Giáo viên nhắc nhở, học sinh lại coi đó là trù dập, soi mói, thành ra gây ra việc cãi lời, phản kháng quá đà, nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng thì đây chính là điều luật bảo vệ giáo viên trước sự phán xét của xã hội. Đúng sai rõ ràng.
Đồng thời, “phụ huynh rất sợ để sự việc xảy ra, khi con bị phạt, tiền lấy từ túi bố mẹ, có xót của thì mới dạy bảo, trông chừng con cái cẩn thận hơn, đây cũng là ý tốt. Nhưng Nghị định còn mơ hồ, không ghi rõ mức độ hành vi có thể dẫn tới vi phạm bị phạt cụ thể ra sao, phụ huynh chúng tôi sẽ dè chừng hơn với cô giáo và nhân viên bảo vệ nhà trường, cũng không dám phàn nàn, lỡ đâu vi phạm, tốt nhất im đi cho đỡ phiền”, anh Nam đưa ra thắc mắc.
Trong luật Hình sự cũng có những quy định xử phạt rất rõ về việc gây thương tích trên thân thể người khác, tuỳ vào mức độ để định ra tội trạng. Vậy nếu giáo viên bị đánh đến nhập viện như trường hợp của thầy giáo Đặng Minh Thủy (Nghệ An) gãy sống mũi hồi tháng 3 vừa qua thì xử phạt phụ huynh theo Nghị định này hay theo luật Hình sự. Điều này nếu không được quy định rõ, tránh gây ra chồng chéo lẫn nhau, phụ huynh Lê Quỳnh (Hải Dương) băn khoăn.
Có thể thấy, đa phần số phụ huynh được phỏng vấn đều đồng thuận với phương án bảo vệ giáo viên tại điều 29, những cũng lo lắng khi quy định chưa rõ ràng về mức độ vi phạm dẫn tới bị phạt tiền. Để dự thảo được đưa vào thực hiện thì cần Bộ GD&ĐT đưa ra các khung hình phạt chiếu theo từng hành vi cụ thể hơn để lấp những kẽ hở trong Nghị định này.
Cần nhưng chưa quan trọng
Bên cạnh đó, tại điều 29 trong dự thảo, học sinh cũng là đối tượng để răn đe, vậy học sinh sẽ đưa ra ý kiến như thế nào trước quy định này.
Em Khánh Huyền, lớp 10 trường THPT Chuyên Hưng Yên (Hưng Yên) cho rằng, em chưa từng nghĩ tới việc xúc phạm hay xâm phạm thân thể giáo viên nên điều khoản này không ảnh hưởng tới em. Nhưng cũng cần có những quy định để răn đe các bạn, hỗn láo với thầy cô giáo thì sẽ bị xử phạt nặng ra sao.
“Em chỉ không hiểu về các hành vi như thế nào thi bị coi là xúc phạm giáo viên. Vì “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”, đôi khi bị điểm kém, đổ lỗi cho thầy, cô chấm bài chặt, không quý nên cho điểm thấp… nói xấu gọi thầy, cô là ông nọ, bà kia, đặt biệt danh chế nhạo. Như vậy có được coi là xúc phạm nhân phẩm cô giáo hay không?, Khánh Huyền thắc mắc.
Đồng quan điểm, em Trần Vi Ngọc học sinh lớp 12 trường Phan Huy Chú (Hà Nội) cho biết, em chỉ đọc qua một số bài báo đưa tin về dự thảo, em thấy điều 29 là đúng, em không sợ vì chúng em không bao giờ vi phạm điều đó.
Theo em, dù thầy, cô giáo có chưa đúng ở góc độ nào đó, vẫn là người lớn, tôn trọng người hơn tuổi là điều đương nhiên; nếu cãi lại hoặc tranh luận gay gắt trước mặt đám đông, như vậy là sai về đạo đức. Đồng thời, thầy cô có quyền được chỉ bảo, tham gia góp ý điều chỉnh thái độ, ứng xử của học sinh; nếu học sinh phản kháng quá mức thì vừa vi phạm về đạo đức, vừa phạm lỗi như trong điều khoản như trong dự thảo, khi đó xử phạt là đúng người, đúng tội.
“Em thấy sự tôn trọng giữa thầy và trò không thể xây dựng được bằng tiền, nhưng cũng cần có những cách xử phạt thực tế để học sinh cá biệt biết đâu là điểm dừng”. Đồng thời, cũng không nên quá coi trọng những quy định như vậy, vô tình sẽ làm mất hết đi tình cảm thầy trò, thay vào đó là sự dè chừng; phán xét; “bới rau tìm sâu” vậy đâu còn ý nghĩa của lớp học. Vi Ngọc thẳng thắn bày tỏ.
Dự thảo Nghị định Xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục: Điều 29. Vi phạm quy định về xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ, nhân viên cơ sở giáo dục 1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự nhà giáo, cán bộ, nhân viên cơ sở giáo dục. 2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ, nhân viên cơ sở giáo dục. 3. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc xin lỗi công khai đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này. |
Tác giả: Hà Cường
Nguồn tin: Báo Dân trí