Nhà báo Đậu Ngọc Đản. Ảnh: ANTGCT |
Thời trẻ của tôi là thời, đúng như Lê Mã Lương nói ”Cuộc đời đẹp nhất là ở trên trận tuyến đánh quân thù”. Tất cả mọi người dân chỉ có một khát vọng: Giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Mỗi em nhỏ lớn lên, trong ước nguyện, trong con đường định sẵn là để trở thành một chiến sĩ Quân Giải phóng. Mỹ thua vì không biết đến truyền thống văn hóa Việt Nam. Chúng không biết chúng không chỉ đánh vào một chế độ mà đánh cả vào một dân tộc, hơn nữa dân tộc ấy lại có hàng nghìn năm đánh giặc và thắng giặc. Dân tộc ấy có lẽ sống tự nhiên là “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”.
Cũng tự nhiên lớp cha trước, lớp con sau đã thành đồng chí chung câu quân hành. Bác Hồ nói: Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước. Đó là sự tổng kết tuyệt vời sâu sắc. Tôi nghĩ rằng, bất cứ kẻ xâm lược nào, trước khi cất quân, nếu hiểu được điều này, sẽ không bao giờ cất quân đến nữa để chịu thất bại như Lý Thường Kiệt từng cảnh cáo “Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”.
Ngày 5/8/1964, Mỹ ném bom ra miền Bắc, mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại, và trận bom đầu tiên là ném bom xuống TP Vinh, cách quê tôi con sông Lam. Kho xăng Bến Thủy bị cháy, khói lửa ngút trời. Người chết, nhà đổ… Cảnh đó càng thắp vào tuổi thiếu niên chúng tôi ngọn lửa căm thù và ý chí đánh Mỹ. Ngoài những Pa-ven trong sách, có một tấm gương tươi nóng trong trận đó: anh Phan Đăng Cát, khẩu đội trưởng khẩu đội 4, đại đội phòng không 138, được nghỉ phép vừa rời đơn vị, nghe tiếng báo động liền chạy về trận địa chỉ huy khẩu đội chiến đấu. Buổi sáng, các anh đã cùng quân dân TP Vinh bắn rơi hai máy bay. Chiều đó, địch dùng 8 chiếc AD 6 đánh thẳng vào trận địa C138, vừa ném bom vừa phóng 100 quả rốc két. Anh Cát bị thương hai lần vẫn bình tĩnh tựa lưng vào công sự chỉ huy khẩu đội đánh trả quyết liệt. Lần thứ 3, một mảnh rốc két găm thẳng vào bụng. Anh gục xuống, rồi gượng đứng lên hô to: “Quyết tâm bảo vệ quê Bác, đánh đến cùng”! Suốt đời lính, đời làm báo, tôi mang theo tiếng hô ấy của anh…
Trở lại chuyện làm báo. Năm 1969, tốt nghiệp lớp 10, tôi được tuyển vào ĐH Thủy sản (thời kỳ đó còn tuyển, năm sau, năm 1970 mới phải thi). Nhưng Báo Hà Tĩnh lại giới thiệu tôi đi học ĐH báo chí. Duyên do, là học sinh giỏi văn từ nhỏ, tôi thường xuyên đặt báo và tập viết báo, có bài đăng trên Báo Nhân dân viết về một ông bưu điện xã, bài viết về tấm gương của một cô vợ bộ đội giỏi việc nước đảm việc nhà được giải nhì của Báo Hà Tĩnh.
Vào trường, Tổng cục Chính trị chọn trong 7 lớp (lúc đó gọi là chi) báo chí, xuất bản được 53 người vào lớp phóng viên chiến trường, gọi là lớp phóng viên tiền phương. Đang học năm thứ 3, năm 1972, chúng tôi được phiên chế thành đại đội 28 (28/2/1972) và tất cả được tung vào Quảng Trị. Tôi được cắm vào trung đoàn 36, sư 308. Cuộc đời phóng viên chiến tranh bắt đầu từ đó.
– Cô Nhíp – chiến sĩ biệt động Nguyễn Trung Kiên dẫn đường cho xe tăng ta tiến vào Sài Gòn năm 1975 là một bức ảnh lịch sử, có hàm lượng thông tin rất lớn, vừa nói được sự thần tốc, tính chất toàn dân, toàn diện… của cuộc kháng chiến. Ông có thể kể thêm về bức ảnh này và cô Nhíp?
Ở Quảng Trị, vào mùa hè đỏ lửa năm 1972, tôi đã có một số bài viết đáng nhớ như: “Dũng sĩ thành Quảng Trị”, Kim Cúc đọc trên đài trong rất nhiều buổi phát thanh; lại có bài “Trận đánh mang sức nóng Quảng Trị” trên Báo Nhân dân, trong chuyên mục “Viết tại chỗ về Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”. Về chuyên mục này, hồi ký chưa xuất bản của nhà báo Thép Mới viết: “Chưa bao giờ tờ báo đối với người Hà Nội đáng yêu đến như thế! Thực hiện chỉ thị còn mới của Ban Bí thư về công tác báo chí nhấn rất mạnh sự “Tranh thủ trí tuệ của toàn xã hội”, chúng ta (Báo Nhân dân) lôi cuốn cả Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Huy Cận và nhiều cây viết tên tuổi cộng tác. Vì chúng ta hiểu rằng đồng bào miền Nam chịu họ hơn chúng ta nhiều. Đặc biệt, sau đêm chiến thắng rực rỡ 26/12/1972, báo sáng 28 chúng ta ra lời kêu gọi bạn đọc viết cho mục “Viết tại chỗ về Hà Nội – Điện Biên Phủ”, sáng tạo ra thành ngữ “Điện Biên Phủ trên không”… Tức là chuyên mục này nhằm tập hợp những nhà văn lớn, những cây bút tên tuổi, tôi được “chen” vào đó là một may mắn. Đang thích ở chiến trường thì Cục Tuyên huấn yêu cầu về Phòng Thông tấn quân sự tại Hà Nội. Nghe tôi nài nỉ xin đi, anh Lê Minh, trưởng phòng nói: Cậu yên tâm. Ở đây còn đi chiến trường nhiều hơn!
Trong tổ chức thời ấy, Thông tấn quân sự thì gắn chặt với VNTTX, phát thanh quân đội thì gắn vào Đài TNVN.
Quả như ông Lê Minh nói, ở TTQS, tôi được đi nhiều hơn, rộng hơn. Suốt hai năm 1973-1974, tôi được liên tục cử vào chiến trường Quảng Trị. Trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam năm 1977-1979, chiến tranh biên giới phía bắc năm 1979, tôi đều có mặt ở chiến trường, trên những mũi nóng bỏng nhất.
Trở lại năm 1975, tháng 2, tôi được lệnh vào Nam, theo bước các binh đoàn trong cuộc Tổng tiến công, nổi dậy. 26/3 có mặt ở Huế. Đi xe Honda vượt Hải Vân, 29/3 có mặt ở Đà Nẵng. 29/4 đến Xuân Lộc. Gặp Cục trưởng Cục Văn hóa Hồng Cư, Chủ nhiệm Chính trị Quân đoàn 2 Lê Khả Phiêu, được các ông trực tiếp giao nhiệm vụ đi ngay vào Sài Gòn, theo trung đoàn 66 của 304. Rồi gặp và bám xe tăng thứ tư của Lữ đoàn 203. Đánh nhau ác liệt ở cầu Sài Gòn. Tiến thẳng vào Dinh Độc lập, chứng kiến và chụp được ảnh Phạm Xuân Thệ, đại úy, trung đoàn phó, hùng dũng bước lên nhận sự đầu hàng của chính quyền Sài Gòn. Tôi và anh Hoàng Thiểm, quê Hà Giang, cùng TTQS là hai nhà báo đầu tiên của miền Bắc có mặt tại Dinh Độc lập vào giây phút lịch sử ấy, đúng vào 11h30 phút ngày 30/4.
Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh độc lập trưa ngày 30/4/1975. Ảnh tư liệu từ internet |
Tôi gặp cô Nhíp ở Tân Sơn Nhất. Thấy xe tăng cắm cờ quân giải phóng, lại có cô gái đẹp, vừa hiền dịu, vừa hiên ngang. Hỏi, được biết là xe tăng Quân đoàn 3, cô gái tên là Cao Thị Nhíp, tên hoạt động Nguyễn Trung Kiên. Nhíp con nhà nghèo, quê Tiền Giang, lên Sài Gòn hoạt động cách mạng, tham gia biệt động thành dưới vỏ bọc là người làm công cho gia đình một sĩ quan ngụy. Vốn thông thuộc đường sá, Nhíp đã dẫn đường cho xe tăng ta vào đánh Tân Sơn Nhất và các vị trí quân sự khác.
Đúng như anh đã nhận định về bức ảnh, khi gặp cô Nhíp bên xe tăng, tôi đã bị cái đẹp cuốn hút, cảm giác ngay rằng đây là một hình tượng. Hình tượng của tổng tiến công (quân chủ lực) và nổi dậy (nhân dân). Hình tượng Việt Nam: Nụ cười tươi sáng, hiền dịu, yêu hòa bình nhưng kiên cường gan góc, quyết thắng. Trong tư thế chiến thắng, toát lên sự nhân hậu, vị tha…
– Ông chụp bức ảnh đó bằng máy gì?
Máy Canon, nhưng ống kính liền, chỉ một tiêu cự. Trước đó chủ yếu chụp bằng máy Kiep.
– Tôi được biết, ông đã “điều ” một sĩ quan ngụy lái xe chở ông từ Sài Gòn ra Huế để chuyển bài vở ra Bắc. Có thể coi đó là một “mẹo”, một kỹ thuật nghiệp vụ?
Trong trưa 30/4 ấy, từ Dinh Độc lập tôi không đi về Đài phát thanh mà tìm cách chuyển bài vở nhanh ra Bắc. Trong sân, rất nhiều nhân viên, tùy tùng của chính phủ Sài Gòn đứng đợi. Tôi nói to, dõng dạc: “Chúng tôi là phóng viên ở miền Bắc vào. Đây là thời cơ lập công của các ông. Ai có thể chở chúng tôi đưa tài liệu ra Hà Nội?”. Năm sáu cánh tay giơ lên. Tôi chỉ vào một người. Đó chính là Võ Cự Long, sĩ quan lái xe dẫn đường của nội các Sài Gòn. Theo yêu cầu của chúng tôi, Long chở tôi và phóng viên Hoàng Thiểm đến Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu ngụy và sân bay Tân Sơn Nhất rồi thẳng ra Đà Nẵng. Bài và ảnh phản ánh những giây phút giải phóng đầu tiên ở Sài Gòn của chúng tôi được chuyển bằng chuyến máy bay đầu tiên từ Đà Nẵng ra Hà Nội. Phản ứng nghề nghiệp ấy trước hết là do tính cấp bách, trọng đại của công việc, phải tìm mọi cách, dù nguy hiểm, hy sinh, nhưng phải chuyển được tài liệu về cơ quan nhanh nhất. Có thể giải thích thêm, vào thời điểm đó, các phương tiện thông tin của ta còn lạc hậu, của ngụy thì đã bị cắt đứt, chưa khoi phục được; nên chuyển một tấm ảnh cũng kỳ công, tốn kém đến như vậy.
– Khi chuyển về báo Nhân dân, ông có nhiều bài viết xuất sắc về quân sự. Đặc biệt, ông là người đầu tiên và người có nhiều bài viết gây xúc động về cuộc chiến đấu, hy sinh của các chiến sĩ hải quân ta chống trả quân Trung Quốc xâm chiếm đảo Gạc Ma. Kinh nghiệm của một phóng viên chiến tranh lão luyện và điều gì nữa giúp cho ông có được sự “độc quyền” này?
Lại một tình cờ, ngẫu nhiên nữa. Đầu tháng 3/1988, tôi khi đó là phóng viên của Báo Nhân dân, được cử đi công tác Trường Sa cùng bộ đội hải quân. Chuyến đi xuất phát tại quân cảng Cam Ranh. Đến phút chót, có lệnh: Các sĩ quan và chiến sĩ trên chuyến tàu ra đảo Sinh Tồn, Len Đao, Gạc Ma sẽ chốt giữ lại trên đảo dài ngày, tàu không quay lại đất liền như dự định. Đương nhiên tôi bị gạt lại, chờ chuyến khác.
Rồi chiến sự nổ ra vào ngày 14/3. Nhờ vị thế Báo Nhân dân, và máu nghề, tôi được nghe thông tin chiến sự trong giao ban, lăn lộn lắng nghe phản ứng và tình cảm của dân chúng. Căm phẫn trước hành động chiếm đóng trái phép của quân đội Trung Quốc, mong mỏi thông tin cho cả nước biết; liên tiếp các ngày đó tôi thức viết liên tục và gửi về tòa soạn hàng chục bài báo và được đăng kịp thời như “Trường Sa trong lòng hậu phương Phú Khánh” (22/3) ; “Cuộc tiến công bằng tàu khu trục mang tên lửa của Trung Quốc vào ba tàu vận tải không có vũ khí tiến công của ta ở vùng đảo Sinh Tồn” (24/3). Rồi các bài kể về sự hy sinh của thiếu úy Trần Văn Phương trên đảo Gạc Ma, Tàu S71 giữa sóng lớn Trường Sa…
Sau đó, chúng tôi lại tiếp tục ra đảo. Nói chúng tôi, vì chuyến này còn có thêm các nhà báo Trần Bình Minh, Lê Trọng Liên, Vinh “Ba Thá” (Đài THVN), Đình Trân (TTXVN), Hồ Anh Thắng (Báo Quân đội Nhân dân), Lê Phức, Vinh Quang (Báo Ảnh Việt Nam), Đạo diễn Lê Mạnh Thích (Xưởng phim Tài liệu Khoa học Trung ương)…
Lúc này, tôi đã có một một nhận thức mới, sâu sắc hơn về biển đảo: Rằng, từ đây Tổ quốc ở trên đầu ngọn sóng, rằng, chúng ta đang phải đối mặt với một âm mưu bành trướng không chấm dứt…
Tôi nói thêm rằng, tôi có nhiều ngẫu nhiên may mắn trong nghề nghiệp; nhưng chuỗi ngẫu nhiên ấy nằm trong sự tất nhiên: đó là sự say nghề, yêu nghề.
– Nhân nói về nghề, nay tuy đã nghỉ hưu, ông vẫn năng nổ, say mê với nghề báo. Vì sao vậy? Nghề báo có gì thu hút? Làm báo bây giờ có khó hơn trước không, thưa ông? Điều gì cần nhất hay là một nguyên tắc tóm lược cho nghề báo?
Nghề báo là một nghề cao quý, hấp dẫn. Tôi cảm nhận được sự cao quý này lần đầu tiên khi nhận giải Báo Hà Tĩnh. Chỉ là một đứa trẻ con, vì bài báo mà cả xã, cả huyện biết đến và ai cũng tôn trọng. Tôi chợt nhận ra và ghi nhớ suốt đời: mình trân trọng cuộc đời, vì người khác, sẽ được mọi người trân trọng.
Nghề báo là một nghề hay vì được đi nhiều, nghe nhiều do đó học được nhiều; và bắt phải không ngừng học hỏi để tiến mãi, nhất là học trong cuộc sống, học để sống. Làm báo không muốn mới cũng phải mới, nên được và phải làm mới mình liên tục. Khi bài báo viết xong, trước mắt lại là một tờ giấy trắng, lại “về mo”, cái đầu cũng trắng. Ngày mới, đề tài mới, lại bắt đầu lại từ đầu…
Nghề báo hay vì có nhiều bạn, bạn đủ các giới.
Nghề báo hay vì nói được tiếng nói của dân, có khi đại diện được cho họ – tức là con người mình được nhân lên; được dân tin mến, sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ; ở nơi nào cũng được tôn trọng.
Và khi đã là nhà báo, dù không chức vụ gì, anh vẫn được người ta nhớ, vẫn làm việc mãi. Khi nghỉ hưu, có nhiều từng trải hơn, ngọn bút càng điềm đạm, nhuận sắc, thấm thía tình đời, nhân ái hơn.
Còn về nguyên tắc cho nghề báo, tôi không phải là nhà lý luận, tôi chỉ nói quan niệm của tôi thôi: Đó là đam mê, có ước vọng cống hiến, có niềm tin chân lý và chiến đấu để bảo vệ nó, không lung lạc trước mọi cám dỗ, quyền lợi trái ngược với đạo lý. Làm báo là làm chính trị nhưng không lợi dụng nó để mưu cầu lợi ích riêng từ hoạt động chính trị… Và phải đọc, phải học suốt đời; có kiến thức mới, có biết bạn đọc cần gì mới có thể cống hiến được chứ không chỉ có tấm lòng, lý tưởng…
– Xin cảm ơn ông! Chúc ông mãi là người lính tuổi hai mươi trên mặt trận báo chí!
Nguyễn Sĩ Đại
(Thực hiện)