|
Theo một nhóm nghiên cứu từ Phòng thí nghiệm giấc ngủ của Đại học Swansea ở Anh, giấc mơ thực sự giúp chúng ta xử lý những kí ức và cảm xúc mà chúng ta trải qua trong cuộc sống khi mà chúng ta thức.
Nó không phải là một ý tưởng hoàn toàn mới.
Giả thuyết giấc mơ được kết nối với cuộc sống lúc còn thức đã được đề xuất bởi Sigmund Freud vào đầu thế kỷ 20 - ông gọi hiện tượng này là dư lượng ban ngày. Nhiều nghiên cứu khác kể từ đó đã mở rộng khái niệm, chỉ ra rằng một liên kết rất thực tế tồn tại.
Nhưng những giấc mơ rất khó nghiên cứu, bởi vì chúng diễn ra hoàn toàn trong tâm trí của một người mà người đó lại không thể giao tiếp trong thời điểm này.
Các nhà khoa học không có các công cụ để quan sát chúng trực tiếp - ít nhất, tại thời điểm này là chưa - thay vào đó phải dựa vào ký ức của những người mơ về giấc mơ của họ; và như chúng ta đều biết, điều đó không phải lúc nào cũng dễ dàng.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu này dường như đã có một phương pháp ưu việt, họ nhận thấy rằng cường độ cảm xúc của một trải nghiệm lúc thức có thể được liên kết với cường độ hoạt động mơ của não, từ đó tạo nên nội dung của giấc mơ.
Họ tuyển 20 sinh viên tình nguyện cho cuộc nghiên cứu, và tất cả đều có thể nhớ lại giấc mơ của họ thường xuyên.
Đầu tiên, họ phải tạo ra các nhật kí chi tiết về cuộc sống hàng ngày của họ trong 10 ngày, ghi lại các hoạt động chính hàng ngày của họ, các hoạt động mà đã chiếm nhiều thời gian; các sự kiện quan trọng và cảm xúc cá nhân; kể cả bất kỳ mối lo nghĩ nào đã trải qua.
Đối với mỗi người trong số này, những người tham gia đã phải ghi lại cảm xúc của họ, và đánh giá cường độ của cảm xúc đó bằng cách sử dụng những tiêu chí để đánh giá.
Vào tối ngày thứ 10, họ trải qua những đêm đầu tiên trong phòng thí nghiệm ngủ và được theo dõi bằng mũ điện não không xâm lấn. Chúng có thể quan sát và ghi lại hoạt động của sóng não, liên quan đến giấc ngủ sóng chậm (hoạt động bất thường lớn, hoặc LIA) và giấc ngủ chuyển động mắt nhanh (hoạt động theta).
Sau 10 phút của mỗi chu kỳ ngủ này, các nhà nghiên cứu sẽ đánh thức các sinh viên và hỏi họ những gì họ đã mơ (nghe như một cơn ác mộng, nếu chúng ta bị làm như vậy). Những giấc mơ này sau đó được so sánh với các nhật kí của họ để xem liệu có bất kỳ loại tương quan nào không.
Và đây là kết quả : Số lượng các sự kiện được ghi lại trong nhật ký có liên quan đến cường độ sóng theta - vì vậy khi càng có nhiều người trong cuộc sống của họ, giấc ngủ REM càng mãnh liệt hơn - nhưng không phải là giấc ngủ sóng chậm của họ.
Ngoài ra, những hoạt động có tác động tình cảm cao hơn có nhiều khả năng được đưa vào giấc mơ của người ngủ hơn là những thứ nhàm chán, buồn tẻ hàng ngày. Và những mối tương quan này cũng chỉ được quan sát trong những trải nghiệm gần đây - không có sự tương quan giữa những trải nghiệm cuộc sống từ lâu và hoạt động giấc mơ.
Nhà tâm lý học Mark Blagrove thuộc Đại học Swansea chia sẻ với trang New Scientist: “Đây là phát hiện đầu tiên rằng sóng theta có liên quan đến giấc mơ về cuộc sống lúc thức, và bằng chứng mạnh mẽ nhất chứng tỏ giấc mơ liên quan đến cuộc sống thực là việc não đang xử lý những ký ức gần đây”.
Bước tiếp theo trong nghiên cứu sẽ là sử dụng nhịp đập hai tai để tạo ra sóng não theta trong các chủ thể ngủ, để xem liệu điều này có làm cho người ngủ mơ về những trải nghiệm gần đây của họ hay không.
Nếu vậy, các nhà nghiên cứu có thể đã tìm ra phương pháp điều khiển giấc ngủ REM và sóng não theta để khuyến khích bộ nhớ và cảm xúc xảy ra trong giai đoạn giấc ngủ này - một dạng liệu pháp thụ động.
Tác giả: Hoàng Hằng
Nguồn tin: Báo Dân trí