Tin láng giềng

Nguyên giám đốc TT BTXH Nghệ An có nguy cơ sống thực vật sau cú sốc “chi sai”

Sau vụ việc bị tố cáo “chi sai” gần 800 triệu đồng ở Trung tâm Bảo trợ Xã hội Nghệ An, Nguyên giám đốc trung tâm là ông Nguyễn Xuân Phú đã phải nhập viện do sốc, cấp cứu vì tai biến mạch máu não. Các bác sỹ cho biết, ông Phú có nguy cơ sống cuộc đời thực vật.

Trước đó vào ngày 25/11, bệnh nhân Nguyễn Xuân Phú nhập viện cấp cứu trong tình trạng nôn mửa, đau đầu, ngất xỉu, huyết áp cao hơn 200mmHg với chứng tai biến mạch máu não.

Tại Bệnh viện Đa khoa Cửa Đông, TP Vinh (Nghệ An), ông Phú được tiến hành thăm khám và điều chỉnh huyết áp xuống còn 160 mmHg. Trong quá trình đi chụp não thì phát hiện bệnh nhân bị nhồi máu não tái phát. Nguyên nhân được các bác sỹ chẩn đoán là do quá căng thẳng, suy nghĩ quá nhiều. Được biết, đây là lần thứ 3 ông Phú bị tai biến mạch máu não. Trước đó vào năm 2014, bệnh nhân đã 2 lần nhập viện điều trị nhiều ngày mới khỏe lại và có tiến triển rất tốt.

Sự căng thẳng này của bệnh nhân Phú được cho là liên quan đến vụ lùm xùm “chi sai” gần 800 triệu đồng ở Trung tâm Bảo trợ Xã hội Nghệ An, đóng ở huyện Đô Lương.

Tin mới nhất từ Bác sỹ Vũ Gia Long, Trưởng khoa Nội 1, BVĐK Cửa Đông cho biết, bệnh nhân Phú từng được đặt Stent vành tim, mắc chứng tiểu đường nặng và bị huyết áp cao từ lâu nên bệnh diễn biến phức tạp và luôn được kiểm tra, theo dõi chặt chẽ.

“Lúc mới vào nhập viện, bệnh nhân Phú ngất xỉu, nôn mửa. Tình trạng bệnh nhân lơ mơ không tỉnh táo, rối loạn ý thức rõ. Chúng tôi đo huyết áp thì thấy đã rất cao, hơn 200 mmHg. May mắn được đưa đến bệnh viện cấp cứu kịp thời nếu không cũng sẽ rất nguy kịch và nguy cơ tử vong rất cao. Hiện ông Phú đang được các bác sĩ BVĐK Cửa Đông theo dõi và chăm sóc đặc biệt để vớt vát tình trạng bệnh nhân lúc nguy cấp này”, BS Long thông tin thêm.

Tin tức còn cho biết, hiện ông Phú đang được tích cực điều trị theo phác đồ cấp cứu nhồi máu não. Bệnh nhân không thể đi lại được mà chỉ nằm và sinh hoạt cá nhân tại chỗ.

Sau gần 10 ngày vào cấp cứu điều trị, bệnh nhân Phú vẫn còn trong tình trạng lơ mơ; huyết áp diễn biến thất thường. “Ông Phú đang phải tiếp tục nằm viện để điều trị lâu dài. Bệnh tình của ông ấy khá nặng và cũng khó qua khỏi”, BS Long nói.

Túc trực bên giường bệnh của chồng, bà Nguyễn Thị Hường lộ rõ sự mệt mỏi. Được biết, con trai đi làm xa, con gái đang mang bầu, sức khỏe yếu nên từ ngày ông Phú nhập viện chỉ có một mình bà Hường ở lại chăm sóc.

Bà Hường chia sẻ: “Khoảng 3 tháng nay, chồng tôi luôn trong tình trạng căng thẳng, mệt mỏi vì công việc. Chắc không nói ai cũng rõ chuyện gì đã và đang xảy ra tại TTBTXH Nghệ An rồi. Ngày 24/11, anh ấy lên bàn giao nốt mấy việc của Trung tâm thì có nhân viên báo về huyết áp anh ấy cao và mặt tát nhợt, yếu lắm. Chiều hôm đó về, anh như gục ngã từ ngoài cổng, mọi người phải ra dìu vào rồi anh ốm luôn…”.

Nguyên giám đốc TT BTXH Nghệ An có nguy cơ sống thực vật sau cú sốc

Ông Nguyễn Xuân Phú, Nguyên giám đốc Trung tâm Bảo trợ Xã hội Nghệ An.

“Đến trưa 25/11, anh ấy đau đầu chóng mặt, nôn mửa rồi ngất xỉu nên tôi và anh em phải gọi xe đưa xuống BVĐK Cửa Đông cấp cứu. Đến giờ anh ấy cứ lơ mơ không tỉnh táo, huyết áp thì thất thường, các bác sỹ phải đặt máy đo liên tục”, bà Hường nói.

Được biết, sau khi Thanh tra Sở LĐTBXH Nghệ An có kết luận về những sai phạm xảy ra tại Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh, ngày 9/11 vừa qua, ông Phú và bà Nguyễn Thị Thu Phương, Phó giám đốc trung tâm đã có buổi giải trình với phòng thanh tra của Sở này.

Tại buổi làm việc, 2 vị lãnh đạo Trung tâm đưa ra một số giấy tờ về công tác phí và những tài liệu chứng minh cho việc đã chi trả tiền cho các đối tượng. Tuy nhiên, Thanh tra Sở chỉ ghi nhận mà không chấp nhận.

Sau đó, đến ngày 15/11, ông Nguyễn Xuân Phú tiếp tục làm bản báo cáo giải trình gửi lãnh đạo Sở LĐTBXH Nghệ An để có xem xét, đánh giá sự việc.

Trong bản báo cáo này, ông Phú đã trình bày về những khoản tiền có trong bản kết luận tố cáo của thanh tra Sở trước đó. Đối với khoản tiền chi trang cấp, ông Phú cho biết từ năm 2011 đến 2014, sau khi trừ tiền chuyển mua hàng hóa và hóa đơn còn tổng 538.862.000 đồng. Trong số tiền này, ông Phú đã vận dụng số tiền chi công tác phí cho cán bộ nhân viên và tiếp khách với tổng 439.320.000 đồng. Cụ thể, năm 2011 Trung tâm đã chi 141.065.000 đồng. Năm 2012 và 2013 chi tiếp khách, công tác phí và tiền Tết là 132.177.000 đồng. Năm 2014, Trung tâm chi tiếp khách là 165.852.000 đồng.

Đối với khoản tiền chi sai khác theo kết luận của Thanh tra là 238.889.000 đồng, ông Phú cũng đã trình bày cụ thể với từng khoản tiền riêng mà Thanh tra đã chỉ rõ.

Trong đó, khoản tiền 180.772.293 đồng là số tiền một số đối tượng chưa ăn hết định mức. Đối với các đối tượng tâm thần ăn theo tiêu chuẩn là 14.500 đồng/người/ngày nhưng một số đối tượng chỉ ăn ở mức 11.500 đồng/1 người/1 ngày và còn dư 3.000 đồng. Đối với đối tượng xã hội được ăn mức 9.600 so với tiêu chuẩn là 11.600 đồng/người/ngày nên dư 2.000 đồng.

Ông Phú cho biết, khoản tiền dư này đã được chi trả vào cuối tháng cho các đối tượng và được thể hiện trên danh sách chi trả sinh hoạt phí hàng tháng và có sổ theo dõi cá nhân của một số đối tượng. Các đối tượng hoặc người giám hộ đã ký và trực tiếp nhận tiền.

Nguyên giám đốc TT BTXH Nghệ An có nguy cơ sống thực vật sau cú sốc

Một góc Trung tâm Bảo trợ Xã hội Nghệ An.

Bản báo cáo có đoạn: “Với cách thức chi trả như thế này, các năm công tác trước đó đều được đoàn Thanh tra chấp nhận việc chi trả theo hình thức này, nhưng nay kết luận thanh tra số 2779 ngày 2/11 không chấp nhận. Số tiền này thực tế đã đến tay các đối tượng, nhưng đoàn Thanh tra cho rằng chi sai nguyên tắc nên không chấp nhận. Chính vì vậy, buộc lòng đồng chí Phương phải vay mượn để nộp lại, chờ xử lý sau”.

Đối với số tiền 37.023.000 đồng, ông Phú cho biết: Do sơ suất khi lên thực đơn đúng số đối tượng ăn là đúng, nhưng khi chấm cơm vào bảng chấm nhiều đối tượng hơn dấu đến khi quyết toán theo bảng chấm thì sai. Tức là đã chi trả cho các đối tượng mà vẫn quyết toán thêm ăn cơm nên sai lệch số tiền này. Số tiền 12.270.000 đồng, đây là số tiền của 4 đối tượng hưởng mức trợ cấp 540.000 đồng. Nhưng do bệnh thuyên giảm nên được đề xuất ăn mức 450.000 đồng. Số tiền còn lại 90.000 đồng/1 người đã được trả lại cho các đối tượng hàng tháng để mua vật dụng sinh hoạt cá nhân. Còn số tiền 7.165.000 đồng là tiền thực tế đã chi cho việc gửi thư bảo đảm thông báo cho người nhà đối tượng đứng ra bảo lãnh xin về nhà. Tuy nhiên, số tiền này được trừ của người đứng ra bảo lãnh chứ không phải trừ vào khoản tiền sinh hoạt phí của các đối tượng được nhận.

Toàn bộ các số tiền trên, ông Phú cho biết đã chi, có sổ sách theo dõi và ký nhận của các đối tượng đứng ra nhận tiền. Tuy nhiên, đoàn thanh tra đã không chấp nhận khiến số tiền sai phạm vẫn bị đội lên nhiều.

Không hề tư lợi một đồng mà chỉ là vận dụng, chi sai mục đích

Như tin tức đã đưa trước đó, từ đơn tố cáo của cá nhân và những người thuộc diện bảo trợ xã hội, đoàn thanh tra phát hiện cán bộ Trung tâm Bảo trợ xã hội Nghệ An có dấu hiệu chi sai gần 800 triệu đồng.

Sau khi nhận được đơn tố cáo, Sở LĐ,TB&XH Nghệ An đã cử tổ công tác vào cuộc kiểm tra. Qua quá trình thanh tra của đoàn Thanh tra Sở LĐTB&XH Nghệ An làm rõ và phát hiện, trong 5 năm từ 2011 – 2015, Trung tâm bảo trợ xã hội Nghệ An đã có nhiều sai phạm với tổng số tiền 783 triệu đồng. Trong đó nội dung sai phạm nhiều nhất là Trung tâm đã không trang cấp quần áo, đồ dùng cho các đối tượng trong suốt 5 năm liền với số tiền 538 triệu đồng.

Ngay sau đó Sở LĐTB&XH Nghệ An đã có quyết định đình chỉ công tác đối với GĐ Trung tâm là ông Nguyễn Xuân Phú và PGĐ trung tâm bà Nguyễn Thị Thu Phương. Đồng thời giao ông Nguyễn Xuân Tường – PGĐ trung tâm điều hành mọi hoạt động tại đây.

Khi những thông tin về sự việc được đưa ra ánh sáng dư luận tỏ ra vô cùng bức xúc, cho rằng vị giám đốc cùng với nhân viên đã nhẫn tâm ăn bớt từng miếng cơm, manh áo của người tâm thần, đối tượng bảo trợ xã hội. Khiến cuộc sống của họ vốn đã cùng cực lại càng trở nên bi thảm hơn.

Trí Thức Trẻ dẫn lời ông Nguyễn Xuân Phú – Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội Nghệ An, mấy ngày qua ông không ăn, không ngủ được cũng chỉ vì lo lắng, tâm trạng băn khoăn sau sự việc.

Nói về bản kết luận của thanh tra Sở LĐTBXH vừa công bố, ông Phú cho biết, đến thời điểm hiện tại ông chỉ mới được nghe đến số liệu, còn thực tế văn bản ông chưa được nhận nên không thể nắm rõ cụ thể từng nội dung.

Trong suốt cuộc trò chuyện, ông Phú luôn khẳng định trong số tiền sai phạm gần 800 triệu đó, ông không hề tư lợi một đồng mà chỉ là vận dụng, chi sai mục đích vào việc tập thể của cơ quan.

Chia sẻ cụ thể về những khoản tiền sai phạm trong 5 năm liên tiếp, ông Phú cho biết, do hàng năm Trung tâm có rất nhiều việc cần phải chi thường xuyên và phát sinh. Trong khi đó nguồn kinh phí cấp có hạn nên ông đã dùng tiền để chi vào công việc của Trung tâm.

“Mấy ngày vừa qua, tôi rất buồn, gia đình, vợ con cũng thế mấy ngày nay buồn lắm. Nhiều người thân, bạn bè cũng gọi điện đến chia sẻ, hỏi thăm và động viên”. Tôi biết dù thế nào tôi cũng sai và xin nhận trách nhiệm. Nhưng tôi xin khẳng định tôi không hề tư lợi một đồng nào trong đó mà chỉ là chi việc chung, vì công việc của Trung tâm”.

Tôi làm giám đốc hơn 20 năm nay, nếu có tư lợi cá nhân thì giờ tôi đã khác, có lẽ gia đình tôi không phải ở căn nhà cấp 4 rộng chỉ 45m2 trên lợp ngói, dưới láng nền bê tông nữa.

Tôi chỉ mong mọi người hiểu và chia sẻ. Tôi sai khi chi không đúng quy định, tôi xin nhận trách nhiệm”, ông Phú chia sẻ.

NGỌC CHƯƠNG / ĐS&PL

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP