Đó là lớp học của thầy giáo Trần Văn Hòa ở thôn Đập Góc (hay còn gọi là xóm Mồ Côi, xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế), cách thành phố Huế 10km về phía đông, xuôi theo tỉnh lộ 10 qua những con ngõ nhỏ gồ ghề đất đá.
Người thầy "chở chữ" ở Đập Góc
Một đời người, một dòng sông
Mấy ai làm kẻ đứng trông bến đò
Muốn sang sông phải lụy đò
Đời người muôn bước cậy nhờ người đưa
(Khuyết danh)
Có lẽ khi nghĩ về những câu thơ trên chắc ai cũng sẽ nghĩ về công ơn của người thầy trong những chặng đường đời đầy sóng gió và thử thách. Ấy vậy mà, nhắc đến nỗi lòng người thầy mấy ai quan tâm, mấy ai biết mà tỏ tường.
Người thầy nhân hậu
Trong lớp học rộng chưa đầy 30m2 nằm gần cuối khu vạn đò Đập Góc, hàng chục em học sinh và có cả những người lớn với khuôn mặt đen nhẻm vì nắng gió sông nước, đang chăm chú nhìn vào sách giáo khoa và lắng nghe bài tập đọc của thầy giáo Hòa. Dường như hình ảnh này đã quá đỗi thân thuộc với bà con miền quê nghèo xã Phú Mỹ.
Thầy giáo với mái tóc đã điểm bạc, nước da ngăm ngăm đen vì sương gió và vẻ mặt nhân hậu đang tận tình nắn nót những đôi tay của những đứa trẻ để cho các em có được những dòng chữ đầu tiên. Đó là niềm hy vọng lớn lao và là nguồn động lực cho các em đến trường. Những bài giảng của thầy Hòa tuy không theo một trình tự nào, nhưng đó có lẽ là chứa đựng cả một tấm lòng cao cả mà thầy muốn dành đối với những người học trò của mình. Thầy Hòa tâm sự: “Cha ông mình trước đây vì nghèo là do không có điều kiện để học hành, chẳng lẽ giờ đây mình cũng để cho con cháu của mình cũng phải khổ chỉ vì không biết chữ sao?”.
Thầy Hòa đang đứng giảng bài trong "phòng học" che bằng phên nứa và bạt nylon ở nhà |
Cái chữ mọc trên mảnh đất nghèo
“Bà con sông nước sau này họ có nhận thức cho con đi học, chứ trước đây cứ theo nghề kéo lưới, theo con tôm con cá thì làm gì có học, vì thế nghèo vẫn cứ nghèo” - thầy Hòa tâm sự.
Cũng giống như bao chàng thanh niên khác, sau năm 1975, khi hòa bình được lập lại, chàng thanh niên Trần Văn Hòa đã về mảnh đất quê hương nghèo khó này để lập nghiệp. Lúc đó, người dân sống ở đây vẫn còn rất ít, mà đa phần không được học hành gì, nghề nghiệp cũng không có, chỉ biết kiếm ít tôm cá qua ngày ở vùng sông nước để lo cho bữa cơm gia đình. Cuộc sống ở đây, đa số còn chưa lo đủ ăn, đủ mặc lấy đâu ra tiền cho con cái ăn học, nên đa số người dân ở đây đều mù chữ.
Cảm thương với số phận của những con người vùng quê tại đây, cũng như cảm nhận được sự may mắn của mình hơn nhiều người, vì được ăn học đến nơi đến chốn, thầy Hòa đã quyết định mở cho mình một lớp học tại chính căn nhà ngang của mình để dạy chữ cho các em nhỏ trong vùng.
Nhiều bà con lớn tuổi hăng say đi học để xóa mù chữ |
Nhưng “vạn sự khởi đầu nan”, ban đầu người dân ở đây cũng không mặn mà gì với lớp học của thầy Hòa cho dù là miễn phí. Theo lời thầy kể: những ngày đầu mở lớp học, thì cũng có một số đông háo hức học vì những đứa trẻ cảm thấy vui vì có cảm giác bạn bè, nhưng về sau mọi người bỏ học dần, bởi vì cuộc sống mưu sinh ở đây không cho phép. Thêm nữa là đường xá ở đây còn khó khăn nên nhiều bé phải bỏ bê học hành để phụ giúp cha mẹ trang trải cuộc sống.
Nhưng mặc dù vậy, thầy Hòa vẫn không bỏ cuộc. Thầy tâm sự: “Khi đó thì cả học, cả dỗ dành, dù lớp học có ít đi chăng nữa, chỉ có một bạn học sinh đến thầy vẫn dạy. Chỉ cần các em cố gắng thì thầy sẽ cố gắng”.
Nỗi lòng người con Đập Góc
Với tình yêu thương, tình cảm đã dành cho chính nơi “chôn rau cắt rốn” này mà thầy Hòa đã góp phần không nhỏ, biến một ngôi làng mù chữ trở thành một ngôi làng không lúc nào mà ngớt tiếng học bài, tập đánh vần, đánh chữ. Không chỉ có các em nhỏ, mà còn những người lớn tuổi, những con người đã trải qua một thời gian thiệt thòi vì không biết chữ. Có những người đã bước sang nửa đời người rồi nhưng vẫn tập đánh vần chữ cái như đứa bé mới lớn. Nhìn nụ cười rạng ngời từ những người học trò của mình, thầy Hòa cảm thấy lòng mình nhẹ nhàng và vơi đi mọi lo toan của cuộc sống.
Nhiệt tâm dạy học cho mọi người trong thôn là vậy, nhưng thầy Hòa vẫn ngày ngày phải làm việc vất vả để lo cho nhu cầu của cuộc sống. Ngôi nhà cấp 4 đơn sơ của thầy vừa là lớp học vừa là nơi sinh hoạt hằng ngày của gia đình thầy. Mỗi ngày, ngoài buổi đứng lớp, buổi còn lại thầy dành thời gian còn lại để ra thăm khu hồ nuôi tôm cá của mình, cũng như thả mảnh lưới để kiếm bữa cơm sinh hoạt gia đình.
Thời gian rảnh mỗi ngày thầy Hòa ra thăm hồ nuôi tôm cá để mưu sinh |
Mỗi sớm mai gà gáy thức giấc, trên con đường làng quen thuộc, thầy lại ra đầm ra phá để giăng câu. Trở về trên chiếc ghe nhỏ là một bữa sáng đơn sơ có khi là chiếc bánh mì, có khi là gói mì pha sẵn... Và rồi, lớp học xóa mù chữ lại bắt đầu từ 7h sáng đến 10h trưa. Chiều về có khi thầy đứng lớp, có khi thầy ra thăm hồ cá và cũng có khi thầy đến thăm gia đình của những học trò của mình. Chắc có lẽ, niềm vui của người thầy đã ngoài 70 cũng chỉ là một nét gì đó đơn sơ mộc mạc thao thức đối với quê hương xứ sở, đối với tha nhân và đối với sứ mạng “người lái đò chở chữ” của mình.
Cuộc sống có khó khăn, những chúng tôi lúc nào cũng nhìn thấy trên khuôn mặt của người đàn ông này một sự hiền hậu nhân từ, luôn biết lo lắng cho tất cả mọi người, chính vì thế mà bà con trong thôn xóm ai cũng yêu quý và kính trọng thầy Hòa. Nhiều cô cậu học trò trong xóm làng còn xem thầy như chính là người cha thứ hai của các em.
Chia sẻ với chúng tôi, thầy chỉ nói: “Mong sao ông trời cho mình có sức khỏe, để mình có thể giúp được thêm nhiều người chưa biết chữ hơn nữa, cũng như là mong các cơ quan chính quyền, phụ huynh tạo điều kiện cho những đứa bé có hoàn cảnh khó khăn được đến trường”.
Thầy Trần Văn Hòa tâm huyết kể lại câu chuyện đời mình gắn với nghiệp dạy học để giúp bà con, trẻ em nghèo không có điều kiện đến trường |
Mấy năm trở lại đây, điểm trường chính đã cử một giáo viên ra xóm Đập Góc đứng lớp với thầy giáo Hòa. Lớp cũng vẫn là lớp ghép, học sinh ngoài giờ học cũng vẫn phải tất bật cùng gia đình mưu sinh trên mặt đầm. Thế nhưng, từ lớp ghép này, rất nhiều thế hệ của xóm Đập Góc đã học được những con chữ đầu tiên nhờ chính sự thầm lặng và kiên trì của người thầy giáo hiền hậu Trần Văn Hòa.
Những hình ảnh xúc động và chan đầy tình yêu thương trong lớp học thầy Hòa ở huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế:
Thầy chăm chú chỉ bảo cho từng học viên |
Dòng chữ viết trên bảng còn run rẩy nhưng đầy cố gắng của 1 nữ học sinh đã có chồng, con |
Những câu thơ, bài hát được thầy Hòa lồng vào tiết dạy để truyền tình yêu thương, tình yêu quê hương đất nước cho bà con vạn đò vùng sông nước Phú Vang |
Em Hiền Hòa xem thầy Hòa như người cha thứ hai |
Ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm, thầy Hòa vẫn miệt mài trong công việc cao cả nhưng đầy thầm lặng của mình. |
Tác giả: Trần Cường - Nguyễn Huấn - Đại Dương
Nguồn tin: Báo Dân trí