Giáo dục

Lớp học xóa mù chữ vùng biên giới của hai thầy giáo mang màu áo lính

Công tác tại khu vực biên giới, vùng sâu vùng xa nơi người dân còn gặp nhiều khó khăn và trình độ dân trí thấp, hai chiến sĩ của Đồn Biên phòng Ia Rvê (huyện Ea Súp, Đắk Lắk) đã mạnh dạn xin được mở lớp dạy xóa mù chữ cho bà con và đã đạt được những kết quả ngoài mong đợi.

Miệt mài gõ cửa nhà dân vận động tới lớp xóa mù chữ

Đại úy Phạm Văn Hiếu và Trung úy Hoàng Văn Thọ là chiến sĩ bộ đội công tác tại Đồn Biên phòng Ia Rvê (Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk) đóng chân trên địa bàn xã Ia Rvê (huyện Ea Súp). Đây là xã biên giới, vùng kinh tế mới, người dân đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số với đời sống còn gặp muôn vàn những khó khăn. Nơi đây, cái đói cái nghèo còn hiện diện, trình độ thấp, thậm chí có một bộ phận đông người dân còn mù chữ, việc này ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội.

Lớp học xóa mù chữ vùng biên giới của thầy Hiếu và thầy Thọ

Với cương vị là Đội trưởng vận động quần chúng, chiến sĩ Hiếu đã ấp ủ dự định sẽ mở lớp xóa mù chữ cho bà con địa phương, bởi anh nhận thấy được những thiệt thòi, bất cập của người dân khi thiếu cái chữ sẽ khó khăn và khổ sở biết bao. Để bắt tay thực hiện việc mở lớp, anh Hiếu đã cùng anh Thọ lên ý tưởng, khảo sát chung về tình trạng học vấn của người dân và mạnh dạn báo cáo cụ thể tình hình, tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy đơn vị và cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch mở lớp xóa mù chữ.

“Mục đích của lớp học là tổ chức dạy chương trình xóa mù chữ nhằm giúp cho số bà con có thể biết đọc, biết viết, biết tính toán và sau đó là biết áp dụng kiến thức khoa học kỹ thuật vào trong đời sống, sản xuất, góp phần nâng cao trình độ dân trí trên khu vực biên giới.”, chiến sĩ Hiếu chia sẻ.

Thầy Thọ hướng dẫn cho học viên lớn tuổi nhất lớp bà Lữ Thị Sáng (58 tuổi)

Tuy nhiên, ở vùng đất nghèo, cằn cỗi nơi mà cái ăn, cái mặc còn túng thiếu thì cái chữ còn chưa được người dân để tâm đến. Việc tuyên truyền, vận động bà con đến lớp gặp rất nhiều khó khăn khiến cho hai thầy giáo nhiều phen vất vả.

“Do người dân nơi đây hầu hết làm nghề nông rất vất vả, sáng họ đã lên nương rẫy canh tác, đến chiều tối về lo ăn uống, nghỉ ngơi để ngày mai lại tiếp tục đi làm nên việc vận động bà con sắp xếp thời gian để tham gia lớp học rất khó khăn. Những học viên mù chữ phần đa cũng đã lớn tuổi nên để vận động tham gia lớp học không dễ dàng”, chiến sĩ Thọ tâm sự.

Bước đầu với những khó khăn nhưng cả chiến sĩ Hiếu và Thọ đều không bỏ cuộc, hàng ngày vẫn miệt mài gõ cửa từng nhà dân để vận động đến lớp. Sự kiên trì cuối cùng cũng được đền đáp, lớp học xóa mù chữ được khai giảng đầu tiên tại vùng biên giới Ia Rvê vào tháng 8/2012.

Khi lớp học đi vào hoạt động, cả hai chiến sĩ lại vướng vào nhiều khó khăn khác như: số học viên tham gia đến lớp không thường xuyên, trình độ nhận thức, tiếp thu của học viên chậm, nhiều học viên học yếu, kinh phí để tổ chức và duy trì lớp học hạn chế...

“Lớp học rất khó duy trì được sĩ số đông, chủ yếu chỉ 50% học viên vì người dân thường mệt mỏi sau một ngày lao động vất vả. Có trường hợp học viên tính nhậu một vài chén rồi đến lớp nhưng mê quá lại quên đi học, anh em phải xuống tận nhà để động viên đi học”, thầy Thọ cho hay.

Sáng lên nương, tối đến lớp

Với sự quyết tâm vượt qua những khó khăn để duy trì bằng được lớp học xóa mù cho bà con, các chiến sĩ đã nỗ lực không ngừng để lớp học hoạt động. Ngoài ra, trong quá trình dạy chữ, các chiến sĩ còn thường xuyên lồng ghép nội dung tuyên truyền chính sách và pháp luật của Nhà nước vào nội dung bài học để giúp các học viên có thêm kiến thức. Nhiều buổi học, lớp cũng tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho học viên.


Thầy Hiếu bên các học trò tuổi trung niên

Lớp học được khai giảng, ban ngày bà con lên nương rẫy tối đến lại í ới nhau cắp sách đến lớp học con chữ. Ông Hà Công Thức (50 tuổi) chia sẻ, ngày xưa ông cũng được đi học đến lớp 3 sau đó vì gia đình quá khó khăn nên nghỉ ngang để về làm nông rồi quên hết chữ. “Nhờ các chú bộ đội đến nhà vận động đi học nên tôi và vợ mạnh dạn tham gia, đến nay đọc viết thành thục được chữ và tính toán được chúng tôi vui, phấn khởi lắm”, ông Thức hào hứng.

Còn với bà Lữ Thị Sáng (58 tuổi), ban đầu bà rất e ngại và không dám tham gia lớp học vì là người lớn tuổi nhất lớp nhưng các chiến sĩ bộ đội đã giải thích những lợi ích của việc biết chữ nên bà mới dám tham gia. “Nhờ đi học mà tôi biết viết được cái tên mình, biết đọc được tờ báo, bảng tin ở nữa xã đấy”, bà Sáng vui mừng nói.

Từ năm 2012 đến năm 2015, các chiến sĩ bộ đội Đồn Biên phòng Ia Rvê đã mở được 2 lớp xóa mù chữ với 53 học viên tham gia. Được sự hỗ trợ của các thầy cô giáo trên địa bàn huyện Ea Súp, hai thầy giáo áo xanh đã hoàn chỉnh chương trình kế hoạch xóa mù chữ theo quy định của Bộ GD-ĐT.

Kết thúc khóa học, các chiếc sĩ đã phối hợp cùng Phòng GD-ĐT huyện và nhà trường trên địa bàn tổ chức thi kết thúc chương trình xóa mù để đánh giá từng học viên trong lớp. “Kết quả tất cả học viên của lớp đều khá, đạt yêu cầu và được Phòng Giáo dục phát chứng chỉ chứng nhận. Đây là động lực và niềm vui rất lớn của anh em chúng tôi khi mở lớp học xóa mù chữ”, chiến sĩ Hiếu chia sẻ.

Các học viên chăm chú nghe giảng

Sau khi kết thúc khóa dạy mù chữ, hiện tại Đại úy Pham Văn Hiếu đã chuyển công tác về Đồn Biên phòng Ea H’Leo (thuộc xã Ia Lốp, huyện Ea Súp). Tại đây, anh đã xin ý kiến các cấp và đã khai giảng thêm một lớp học xóa mù chữ cho bà con xã Ia Lốp vào giữa tháng 10/2017.

Ông Lê Thanh Hải - Bí thư xã Ia Rvê cho biết: “Nhờ các lớp xóa mù chữ do các chiến sĩ bộ đội biên phòng tổ chức, người dân xã đã biết thêm về những kiến thức về làm giấy khai sinh cho con, biết làm đăng ký kết hôn, biết thêm nhiều kiến thức pháp luật”.

Trước những đóng góp của chiến sĩ Hiếu và Thọ sắp tới sẽ được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2017 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp Bộ GD-ĐT, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Việt Nam, Ban Thanh niên Quân đội và Tập đoàn Thiên Long tổ chức vào tháng 11 tới.

Tác giả: Thúy Diễm

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP