Tình trạng không ít người lao động Việt Nam được giới thiệu và xuất khẩu lao động sang Vương quốc Arập Xêút làm công việc giúp việc nhà hiện vẫn đang gặp khá nhiều khó khăn, bị bóc lột sức lao động cùng cực, bị đánh đập và thậm chí bị cưỡng hiếp.
Trường hợp của chị N.T.V ở quận 7, TP.HCM là điển hình cùng một số người lao động Việt Nam sang đất nước này cũng đã phải chịu bao đắng cay một thời gian dài và phải tìm mọi cách mới trở về được đất nước.
Giới thiệu sang Úc nhưng lại đi… Arập Xêút
Về nước đã được một thời gian sau khoảng 6 tháng phải chịu đựng bao đắng cay, tủi nhục tại một gia đình ở TP Riyadh, Vương quốc Arập Xêút, chị N.T.V. (SN 1981, ngụ đường Huỳnh Tấn Phát, phường Phú Mỹ, quận 7) vẫn còn nguyên nét bàng hoàng khi kể lại những việc kinh khủng đã xảy ra với mình.
Do hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn sau khi ly hôn (chị lấy chồng từ năm 18 tuổi), chị V. đã đồng ý khi được một người tên Mari (SN 1978, chuyên viên tư vấn và tiếp nhận hồ sơ của Công ty Cổ phần Quốc tế N.M, có trụ sở ở Hải Phòng) thường trú ở Tây Ninh giới thiệu đi xuất khẩu lao động sang Úc để giúp việc nhà với mức lương 400-500 USD, mà không phải mất bất kỳ chi phí nào.
Điều bất ngờ là lúc đầu chị V. được giới thiệu sẽ đi Úc làm việc nhưng đến khi đi khám sức khỏe để bổ sung vào hồ sơ đi nước ngoài tại một bệnh viện ở TP.HCM, thì chị V. mới phát hiện trong hồ sơ ghi là chị sẽ đi Arập Xêút.
“Khi biết chuyện này tôi đã hỏi ngay Mari thì chị này ra sức bảo là đi nước này cũng rất tốt và chị ấy làm ăn đàng hoàng, uy tín. Chị ấy còn đưa cho tôi nhiều số điện thoại bảo là của những người đã đi qua nước này làm việc thành công trước đó. Tôi cũng đã gọi một số người trong danh sách chị ấy đưa và được họ xác nhận khiến tôi chấp nhận theo đề nghị của Mari mà không hề có sự nghi ngờ gì”, chị V. kể.
Ngày 10/4 chị V. đến Arập Xêút. Đặt chân xuống sân bay, chị không được nhà chủ đón ngay mà cũng như nhiều phụ nữ ở các nước sang đây làm việc, chị bị đưa vào một nơi tập trung giống kiểu của một “trại tị nạn” – nơi trước khi chủ nhà đến làm các thủ tục đưa về nhà.
Chị V. đau đớn kể về quãng thời gian ở “địa ngục” của mình. |
Chị V. nhớ lại: “Vào trại này, tôi bị thu giữ tất cả giấy tờ tùy thân… Tại đây, họ sắp xếp cho mỗi người một cái giường, hành lý không cho mang vào. Đến bữa thì có thức ăn mang tới… Nhìn sơ sơ tại trại này, tôi thấy phải có trên 200 phụ nữ của nhiều nước như Indonesia, Malaysia, Nepal, Việt Nam… cũng giống như tôi tới đây làm công việc giúp việc nhà”.
Chị V. chỉ ở trại này vài tiếng là có người đến bảo lãnh đưa về (người này là con trai của chủ nhà nhưng ở riêng), trong khi nhiều người khác phải chờ lâu hơn.
Căn nhà nơi chị V. làm việc tọa lạc ở Al Nazeem, TP Riyadh, trong nhà lúc đầu chỉ có bố mẹ già (người chồng 70 tuổi, người vợ cũng xấp xỉ 70 tuổi bị bệnh tiểu đường) và một người con gái (ngoài những người này chủ nhà còn có hai người con khác nhưng do đi học nên thỉnh thoảng mới về).
Do gia đình này không rành rẽ tiếng Anh nên những ngày đầu, chị V. gặp khá nhiều khó khăn trong giao tiếp, “nghe” chủ nhà giao việc bằng cách ra hiệu.
“Những ngày đầu ở nhà đó mọi người tỏ ra khá vui vẻ. Tuy nhiên, họ yêu cầu tôi phải làm tất cả mọi việc từ cọ rửa nhà vệ sinh, dọn dẹp, lau chùi mọi vật dụng trong nhà, nấu ăn, pha nước… từ 4h sáng cho tới 12h đêm khiến tôi rất mệt mỏi”, chị V. cho biết. Và cũng chỉ sau hai tuần ở nhà này, chị V. bắt đầu phải đối mặt với vô số chuyện kinh khủng.
Hết bị ông lại đến cháu làm nhục…
Đầu tiên, dù đã 70 tuổi, nhưng người bố luôn tìm mọi cách để sàm sỡ, sờ mó những chỗ nhạy cảm trên người chị V. và còn yêu cầu chị V. phải giúp cho ông ta thỏa mãn những việc ông ta muốn… Dĩ nhiên chị V. không đồng ý và ra sức chống đối, sau đó dù người con gái biết chuyện khuyên nhủ nhưng ông này vẫn tiếp diễn hành động quá đáng của mình.
Có lần chị đã phải cầm dao dọa sẽ tự sát khi bị ông này buộc phải đáp ứng yêu cầu quái gở của mình. Và chỉ khi người vợ biết được sự việc thì ông này mới gần như dừng lại. Tuy nhiên, cũng từ đây, ông lão bắt đầu hằn học, quát nạt, chửi bới mỗi khi không vừa ý chuyện gì đó…
“Tôi làm hết tháng 4 vẫn không thấy chủ nhà đả động gì tới chuyện tiền lương. Sau đó tôi phải hỏi đi hỏi lại, chủ nhà mới bảo chỉ trả cho tôi số tiền Arập Xêút tương đương 300 USD, thấp hơn nhiều so với mức lương đã được công ty xuất khẩu lao động hứa hẹn. Dù vậy, thực tế công việc của tôi rất nặng nhọc, phải làm mọi việc trong nhà.
Bất cứ thành viên nào trong gia đình ở nơi khác đến nhà, tôi cũng đều phải phục vụ chu tất. Chỉ cần có bất cứ thiếu sót gì là tôi sẽ bị chửi rủa, đánh đập. Nhiều lần mấy chị em gái – con của vợ chồng chủ nhà đã cố ý kiếm chuyện rồi đánh đập, hành hạ tôi rất tàn nhẫn… Lời tôi kể ở đây cũng không thể lột tả hết được nỗi đau mà tôi phải chịu nơi xứ người”, chị V. nghẹn ngào kể lại.
Tuy nhiên, “nạn khổ” vẫn chưa dừng lại khi chị V. bị hai người cháu trai chỉ mới 14-17 tuổi của chủ nhà rắp tâm hãm hiếp nhiều lần.
“Hằng ngày hai đứa cháu trai của chủ nhà đi học và tuổi của chúng cũng chỉ đáng tuổi con tôi. Một ngày đầu tháng 8/2014, vào khoảng 20h tôi đã bị một trong hai đứa này hiếp dâm ngay tại giường ngủ do hôm ấy mọi người trong nhà đi ăn tiệc cưới, chỉ còn tôi và đứa cháu trai này ở nhà. Dù tôi đã ra sức kháng cự nhưng do tên này to khỏe và có ý đồ từ trước nên tôi đã không tránh khỏi việc bị hãm hại…Tôi đã kể lại chuyện xảy ra cho người vợ chủ nhà nhưng mọi việc không giải quyết được gì. Thậm chí, sau lần đó, hai tên này còn tiếp tục tìm cách hãm hại tôi nhiều lần nữa. Tôi thân cô thế cô, không biết kêu cứu ai vì khu vực tôi ở rất hoang vắng, nên tôi không thể làm gì hơn được”, chị V. bật khóc tức tưởi kể đến đó.
Nhưng điều may mắn với chị V. là do hiểu biết về công nghệ và chị vẫn tìm mọi cách để giữ lại được chiếc điện thoại di động nên sau rất nhiều lần liên lạc và kêu cứu trên mạng thì chị đã kết nối được với người mẹ nuôi ở Úc.
Sau khi tìm hiểu và biết được những gì đang xảy ra với con nuôi của mình, người này đã tìm cách giúp đỡ chị V. thoát khỏi “địa ngục”. Ngay bản thân chị V. cũng liên lạc với mẹ ruột của mình ở Việt Nam để bà viết đơn kêu cứu gửi các cơ quan chức năng trong và ngoài nước khẩn thiết nhờ giải cứu con mình.
Đơn kêu cứu khẩn cấp của mẹ chị V. |
Sau hành trình dài cầu cứu vô cùng khó khăn và dưới sự giúp đỡ của nhiều cá nhân, tổ chức, đến ngày 15/8/2014, một đoàn gồm 6 người là cán bộ của Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Arập Xêút và cảnh sát nước sở tại đã đến tận nhà người chủ này để làm việc và yêu cầu trả tự do để đưa chị V. về nước.
Tuy vậy, trước khi được người con trai của chủ nhà đưa về nhà mình, cách nhà cha mẹ của anh hơn 1.000 km, ở một tuần lễ để có thời gian chuẩn bị đưa chị V. tới Đại sứ quán Việt Nam tại Arập Xêút làm các thủ tục cần thiết, chị V. đã bị bốn chị em gái – con của chủ nhà kiếm cớ đánh đập một trận tàn nhẫn cho… hả dạ.
Và mãi đến ngày 6/9/2014, chị V. mới được người con trai của chủ nhà đưa tới Đại sứ quán Việt Nam tại Arập Xêút. Thời gian tạm trú ở đây chị V. cũng gặp nhiều người có hoàn cảnh giống chị. Có trường hợp đã ở và làm việc gần 2 năm nhưng phải đổi tới 8 chủ nhà; hay hai vợ chồng người quê Thanh Hóa (chồng lái xe, vợ giúp việc) làm cho một gia đình bác sĩ, nhưng lại bị đánh đập tàn nhẫn phải tìm cách bỏ trốn ra Đại sứ quán…
Sau nửa tháng ở Đại sứ quán vì phải lo các thủ tục và việc phối hợp với các cơ quan chức năng trong, ngoài nước rồi cả công ty xuất khẩu lao động đưa chị V. qua làm việc, ngày 21/9/2014, chị V. mới có vé máy bay về nước. Ngoài việc cảm ơn những cá nhân, tổ chức đã trợ giúp cho mình, chị V. tỏ ra đặc biệt biết ơn các cán bộ của Bộ Công an Việt Nam (phía Nam) đã hết sức giúp đỡ chị.”Trong khi các cá nhân và tổ chức trong và ngoài nước tìm mọi cách giúp đỡ tôi thì các cán bộ của Bộ Công an cũng ra sức cố gắng làm việc, phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Arập Xêút giúp đỡ tôi, gây áp lực, yêu cầu công ty xuất khẩu lao động phải có trách nhiệm bồi thường cho chủ nhà và mua vé máy bay cho tôi về nước”, chị V. tỏ vẻ cảm kích.
“Khi gặp những chuyện đau đớn ở xứ người như vậy, đã có lúc tôi tuyệt vọng, tưởng rằng mình có thể chết dần chết mòn nơi xứ người vì không biết kêu cứu ai. Nhưng may mắn sau 6 tháng bị đày đọa tôi đã được giải cứu. Ngày về, khi đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất, tôi cảm thấy mình như vừa được sống lại… Tôi nói ra câu chuyện của mình để làm bài học cảnh báo cho những người khác trước khi ra nước ngoài lao động”, chị V. chia sẻ.
Theo Phú Lữ / An ninh Thế giới